Hạnh phúc đầu xuân
- Hôm nay là một ngày thật mệt mỏi và căng thẳng, nhưng chúng ta đã vượt qua rồi, phải không con? Bây giờ con muốn mẹ cho con cái gì nào?
Đứa bé ngước nhìn mẹ, thút thít: “ Mẹ ơi! Con chỉ muốn sống khoẻ mạnh và vui vẻ thôi !
Người mẹ bất ngờ xúc động ôm chặt đứa con vào lòng rồi khóc.
Sống khoẻ mạnh và vui vẻ có phải chăng là nhu cầu hạnh phúc mà ai trong chúng ta đều mong muốn?
Quả thật hạnh phúc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, cho nên nó được ghi nhận là một trong ba quyền cơ bản của con người: quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Song, chúng ta thường nghĩ rằng hạnh phúc nằm ở một nơi nào xa xăm, hay khi thực hiện xong một kế hoạch nào, hoặc khi chúng ta thật sự sở hữu một chiếc xe đời mới hiệu BMW, hay có được một việc làm ổn định, lấy được tấm bằng đại học thì mới có hạnh phúc. Vì chúng ta luôn bị ám ảnh bởi nếp suy tư: “Tôi chỉ hạnh phúc khi….” Vì thế chúng ta đã đánh mất biết bao cơ hội để cảm nhận những hạnh phúc thật giản dị trong cuộc sống.
Trong kinh Tiểu Bộ, Kinh Phật tự thuyết, kinh Bhaddiya Kaligodha có kể về trường hợp một thầy tỳ kheo tên là Bhaddiya trong khi hành thiền ở nơi vắng vẻ, hay lúc thầy ở trong rừng thường nói lên lời cảm hứng : “Ôi an lạc thay! Ôi an lạc thay!. Điều này làm cho một số bạn đồng tu cho rằng Bhaddiya đã xuất gia rồi mà còn những thích thú đời sống tại gia. Cho nên, họ đến trình bày với Phật. Phật nghe xong cho người gọi thầy Bhaddiya đến để hỏi sự tình, nguyên nhân gì đã khiến thầy thường nói phát ngôn như thế. Thầy Bhaddiya thưa:
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng an lạc thay !
Sau khi thấu rõ sự tình, đức Phật mới nói lên bài kệ:Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được”
Theo quan điểm Phật giáo giàu có không nhất thiết là sẽ đem lại hạnh phúc cho những ai xem nó là quan trọng nhất. Mặc dù hai yếu tố này có mối liên quan mật thiết với nhau trong cuộc sống. Nếu giàu có địa vịa cao mang lại hạnh phúc thì thái tử Siddhata sống ở Ấn độ cách đây 2500 năm, vua Trần Nhân Tông, một đấng minh quân có nhiều đóng góp cho trang sử hào hùng của dân tộc, sẽ không từ bỏ đỉnh cao của quyền lực và sang giàu như đôi dép rách để xuất gia tìm kiếm chân hạnh phúc. Do đó, mà các triết gia cùng đồng ý với nhau rằng: “Con người không chỉ sống bằng bánh mì. Mọi người đương nhiên cần thực phẩm. Cùng tình yêu và lòng trìu mến nữa”.
Hạnh phúc không đến từ những hoàn cảnh khách quan mà phát khởi từ sự cảm nhận bên trong tâm hồn của chúng ta. Hạnh phúc chân thật chỉ đến từ bên trong tâm hồn khi chúng ta biết sống với giây phút hiện tại. Biết trân trọng và bằng lòng với những gì chúng ta đang có. Bởi theo quan hệ nhân quả của Phật giáo, mỗi chúng ta hiện hữu giữa cõi đời là tuỳ theo nghiệp của mình, không ai giống ai. Vì thế chúng ta đừng bao giờ bắt chước hay buộc mình giống một cái bóng của một ai đó. Điều thiết yếu chúng ta phải biết sống tốt, cố gắng biết trân trọng những gì chúng ta đang có trong hiện tại, lạc quan với những hạnh phúc bình dị vốn đang tràn ngập quanh ta. Nói như Che Guevara, một nhà cách mạng nổi tiếng người Argentina, cũng là một thầy thuốc thì “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”. Cụ thể như tết về chúng ta được đoàn tụ đón xuân bên những người ta thương cũng là một hạnh phúc. Bởi biết bao nhiêu người đã không có cơ hội sống như ta, vì họ đã bị bệnh tật, tai nạn giao thông, động đất, thiên tai lũ lụt...cướp đi sinh mạng trong năm qua.
Như vậy có phải chăng được sống thêm một ngày trên cõi đời là một hạnh phúc, có một mái ấm gia đình để yêu thương cũng là niềm hạnh phúc. Phải chăng hạnh phúc chân thật chỉ đến khi trái tim chúng ta không có biên giới, không có giận hờn, trách móc. Khi chúng ta vượt lên nhận thức thế giới nhị nguyên “cái ta” và “cái của ta”. Phải chăng hạnh phúc chân thật chỉ đến với chúng ta như Godwin từng nói: “Muốn hiểu thế nào là Tình Yêu và Hạnh Phúc, phải biết sống cho kẻ khác, nghĩa là phải biết yêu thương”
* * *