Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Hạnh phúc cho ai?
Cập nhật: 09/03/2019
L.Beaumelle có nói: “Chỉ có những người bỏ lỡ cơ hội, chứ không có những người không có cơ hội”.
Cơ hội là những gì xảy ra hay có thể xảy ra trong cuộc sống nhưng mình lại không biết nắm bắt mà bỏ lỡ cho nó đi qua một cách vô ích. Hạnh phúc cũng vậy, nó là một trong những cơ hội mà cuộc sống mang lại, nhưng nếu ta không biết nắm bắt thì không phải ta không có hạnh phúc mà là ta đang bỏ lỡ hạnh phúc cho mình. Và không những vậy mà ta cũng có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội làm cho mọi người hạnh phúc nữa.
Trong kinh Tăng Chi Bộ - Chương 5: Hạnh Phúc Cho Ai? Đức Phật dạy:
“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người khác. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh, khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ Thiền định, khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ, khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến, khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người khác.”
Những hạnh phúc trên thế gian này rất nhiều. Nhưng dầu niềm hạnh phúc đó có từ vật chất hay tinh thần gì đi nữa, dầu niềm hạnh phúc đó là do mình tạo hay từ người khác mang lại đi chăng nữa, thì đa phần chúng đều mang tính chất tạm bợ không dài lâu, chỉ là ảo giác ẩn chứa thành phần khổ đau.
Vào hạ thứ mười sáu, đức Phật ở tại thành Avali. Một hôm quỷ Dạ Xoa Alavaka đến hỏi đức Phật như sau:
“Điều gì, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc?”
Đức Phật trả lời:
“Giáo pháp, nếu thực hành đúng, sẽ đem lại hạnh phúc.”
Alavaka lại hỏi thêm:
“Làm cách nào chế ngự sầu muộn?
Từ thế gian này sang cõi khác,
Làm thế nào tránh khỏi sầu muộn?”
Đức Phật đáp:
“Chế ngự sầu muộn bằng tinh tấn.
Người cư sĩ thành thật, có được bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm và rộng rãi bố thí, sẽ không buồn phiền sầu muộn sau khi qua đời.”
Với câu hỏi đầu của quỷ Dạ Xoa, đức Phật đã trả lời quá rõ ràng, muốn hạnh phúc chỉ có thực hành Giáo pháp và để chế ngự sầu muộn, đạt được hạnh phúc cần sự tinh tấn thực hành trong Giáo pháp. Và không chỉ tìm cầu sự hạnh phúc như vậy ở hiện tại mà còn cho cả tương lai thì một người cư sĩ cần phải có được bốn phẩm hạnh:
Chân thật: chân thật với chính mình, chân thật với mọi người sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người.
Giới đức: thực hành một cách nghiêm túc, trọn vẹn sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người.
Can đảm: can đảm nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng một cách đúng đắn theo Chánh kiến đó là tác ý vô thường trong pháp vô thường, tác ý khổ trong pháp khổ, tác ý vô ngã trong pháp vô ngã. Can đảm đem cái thấy biết một cách đúng đắn như vậy chia sẽ với những người hữu duyên để mọi người cũng thấy biết một cách đúng đắn. Can đảm như vậy sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người.
Rộng rãi bố thí: tự mình bố thí đúng pháp một cách rộng rãi, chỉ người bố thí đúng pháp một cách rộng rãi sẽ đem lại hạnh phúc cho mình và hạnh phúc cho người.