Bài viết

Hai niềm vui

Cập nhật: 25/11/2018
Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng có niềm vui kể từ khi biết nhận thức, biết phân biệt. Ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có những niềm vui tương xứng với lứa tuổi như: thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên, cao niên. Với tuổi nhi đồng có được niềm vui từ sự yêu thích rất đơn sơ. Ở tuổi thiếu niên nhận thức và sự hiểu biết khá hơn đòi hỏi theo nhu cầu của cuộc sống, như cha mẹ mua cho chiếc xe đạp điện để đi học cảm thấy rất vui. Từ tuổi thanh niên trở về sau, chúng ta trưởng thành nên khi làm được việc gì đó có ý nghĩa mới cảm thấy vui.
 

Hai niềm vui

 

Tuy nhiên, ở lứa tuổi nào chúng ta cũng có những niềm vui chung, niềm vui riêng, niềm vui đem lại hạnh phúc, niềm vui dẫn đến khổ đau. Sở dĩ có sự sai khác như thế, là do sở thích, sự huân tập, hoàn cảnh gia đình, xã hội, hoặc do hiểu biết đúng đắn hay nhận thức sai lầm.

 Phần 1: Niềm vui tương đối

Trong phần này người viết xin trình bày khái quát về niềm vui của mỗi giai đoạn, sẽ nhấn mạnh ở tuổi trưởng thành, với những điều mình thành đạt đã đem lại cho mình niềm vui. Bên cạnh đó cũng nhắc nhở những ai hiện ai đang đi tìm những thú vui ảo giác.

Thế nào là niềm vui tương đối hay còn gọi niềm vui của thế gian? Niềm vui tương đối là niềm vui không bền chắc, có sự đối đãi nếu có vui chắc hẳn có lúc buồn.

Ở tuổi thiếu nhi, thiếu niên đa phần có được niềm vui của sự hồn nhiên, trong sáng và vô tư. Nhớ lúc nhỏ, mình đi học trong các giờ ra chơi, bạn bè cùng nhau vui đùa, giễu cợt, có khi cãi vã, đánh nhau, có khi buồn giận một chút lúc đó. Tới giờ ra chơi ngày hôm sau bạn bè xúm lại vui đùa, không có ai để ý đến những lời qua tiếng lại cãi cọ, đánh nhau của ngày hôm qua. Rồi mẹ đi chợ về cho mình cái bánh, viên kẹo. Hoặc thầy, cô chấm điểm 10, đem khoe với ông bà được ông, bà khen cũng rất vui.

Nhưng cũng có một số ít trường hợp tinh nghịch mưu mô, gian trá. Như khi xưa thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) hay đi chơi cùng với một nhóm bạn, một hôm diễn ra một trò chơi tìm kiếm nhanh một cây tiêu trong vườn cỏ, với điều kiện phải bịt mắt lại khi cây tiêu được đánh ra. Cuộc chơi này do Channa (Sa Nặc) là người chủ đạo. Người tìm trước là thái tử Siddhattha, Channa đặt cây tiêu xuống một lỗ nhỏ tại sân chơi, rồi hai tay cầm cây tiêu cái, dùng hết sức hất thật mạnh cây tiêu con bay nhanh về đám cỏ rậm, khi cây tiêu vừa rớt xuống đám cỏ là thái tử chạy tới nhìn qua ngó lại là tìm được ngay. Tới phiên Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) đi tìm sau khi Channa (Sa Nặc) đánh cây tiêu vào đám cỏ. Devadatta chạy lại tìm hết chỗ này đến chỗ kia mà vẫn không thấy, vì không muốn thua cuộc nên Devadatta đã chơi gian lấy cây tiêu của mình dấu sẵn trong túi ra, và hô to ta tìm thấy rồi, Channa phát hiện không phải tiêu của mình tức quá chạy tới tìm thấy cây tiêu đang nằm trong bụi cỏ, cầm lại nói với các bạn, đây mới là cây tiêu ta đánh ra. Devadatta biết điều đó nhưng cố tình đổ thừa Siddhattha chơi ăn gian. Rồi về thưa lại với di mẫu của Sidattha là bà Mahàpajàpati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề). Do chưa tìm hiểu kỹ, nên người mẹ kế đã vội nghe lời Devadatta la mắng Siddhattha, Thái tử buồn một chút nhưng vẫn giữ thái độ im lặng. Sau đó tìm hiểu biết được lỗi là do Devadatta, bà liền chạy tới ôm Siddhattha vào lòng, an ủi vỗ về.

Câu chuyện đã chứng minh rằng không phải tuổi nhỏ, ai cũng ngây thơ trong sáng vì mỗi người có một tính cách riêng do thói quen, học hỏi. Người có đầy đủ phước duyên gặp được thầy lành bạn tốt chỉ cho những điều hay, lẽ phải để học sẽ trở thành người đạo đức cao quý, còn người thiếu duyên lành gặp được thầy tà bạn ác, tiêm nhiễm những điều sai quấy, trở thành những người thất đức thấp hèn.

 Với tuổi thanh niên, niềm vui đã bị chi phối theo nhận thức riêng của mỗi người. Có người đã xác định cho mình một hướng đi đúng đắn với sự giáo dục của gia đình và tác động bởi xã hội. Từ đó họ đã ý thức nên cố gắng học tập thành tựu được chí nguyện, trở thành những con người có ích cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, có những người chạy theo những thú vui không lành mạnh, trong sáng đã làm hoen ố lương tâm của mình. Do vậy, hôm nay họ có thể vui chơi hứa hẹn với người này, nhưng ít hôm sau họ chia tay, để đi tìm niềm vui mới tiếp tục hứa hẹn với người khác, nhằm thỏa mãn niềm vui bồng bột đó. Họ bất chấp những phép tắc, kỷ cương dẫn đến những hành vi sai quấy, có người say xưa với lời ca tiếng hát, với chung rượu, ly bia, con bạc đỏ đen… có người họ tìm đến quán cà phê thiếu ánh sáng, những thứ hút, chích để có được những cảm giác ảo, tuy đang sống ở trần gian nhưng lại cứ ngỡ mình đang sống ở cảnh tiên vậy. Nào là thấy nâng nâng bay bổng như là rồng bay phượng múa. Nhưng bạn nên nhớ rằng sau những thú vui ảo giác đó, chúng sẽ tàn phá cuộc đời của bạn một cách rất nhanh, làm cho hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tài sản tiêu tan, sự nghiệp của ông cha để lại chỉ còn con số không, người thân phải buồn khổ than khóc, mọi người xa lánh. Nếu ai đó đang lầm đường lạc lối say mê với những thú vui này, hãy mau thức tỉnh hướng đến những điều tích cực, sửa đổi lại những lỗi lầm, tạo dựng cho mình một tương lai tươi sáng phải cố gắng chiến thắng chính mình để ra khỏi cơn mê.

 Pháp Cú kinh có dạy:

Dầu sống một trăm năm

Ác giới không thiền định

Tốt hơn sống một ngày

Trì giới tu thiền định

Hai câu đầu của bài kệ dạy rằng mặc dù mình sống lâu trong đời, nhưng không làm được điều gì đem lại lợi ích cho mình trái lại làm những điều gây nên khổ đau cho mình và những người thân. Hai câu sau đã soi sáng và mở ra một lối đi mới cho những ai lầm đường lạc lối. “Trì giới tu thiền định” nghĩa là gìn giữ và làm những điều tốt đẹp, không chạy theo những điều tội lỗi, xấu xa. Sống một ngày dầu đời sống rất ngắn ngủi nhưng đã sống trọn vẹn trong khoảng thời gian đó, trước kia bạn sống buông thả theo dục tình, bây giờ bạn sống có tình có nghĩa, có hiếu, có trung được gần gũi thân thiện với mọi người, được nhiều người kính mến. Như vậy là bạn đã sống có ích cho mình và người rồi.

Qua tuổi trung niên với những sở thích, việc làm đem lại niềm vui được đắn đo suy nghĩ, chọn lọc, nên mọi việc có phần trầm lắng, bớt đi sự cháy bỏng của tuổi thanh xuân. Đối với những người đã xác lập hướng đi đúng đắn cho mình ở tuổi thanh niên qua giai đoạn này, sẽ ổn định hơn và thành công về công danh sự nghiệp.

 Bước qua cao niên là bạn đã hoàn toàn toại nguyện đối với sự nghiệp công danh, còn việc lo dựng vợ gả chồng cho con cái là bạn hoàn thành bổn phận trách nhiệm của mình và được như ý nguyện. Sống giữa thế gian này mà bạn làm được nhu thế là cũng đã quý lắm rồi. Nhưng bạn ơi với người trí tuệ sâu xa, những thứ ấy đối với họ chỉ là thứ ở bên ngoài, còn bạn thì sao? Tuổi đã xế chiều rồi, nào là vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng, quyền tước không thiếu thứ gì. Vậy mà khi ra đi cũng không mang theo được. Thôi! Hãy xoay tâm lại chăm sóc cho chính mình, nhìn lại chặng đường dài từ thời thơ ấu cho đến bây giờ những được mất thành bại. Bạn đã tốn rất nhiều thời gian để có được, cuối bạn cũng phải chia tay với chúng. Hiểu được lẽ thực là như thế bạn phải mạnh dạn buông bỏ sạch trơn những thứ đó, để đời sống tâm linh của bạn được thăng hoa. Khi đó, bạn mới được nhẹ nhàng, thanh thản, không vướng bận. Từ đây bạn sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi những lời dạy của thánh nhân. Có nhiều cách để bạn học tập, có thể lên mạng kiếm tìm các bài giảng qua youtube, sách giảng, hoặc tới một đạo tràng nào đó để tham vấn với các bậc chân sư và các bạn đồng chí hướng với mình. Như vậy là bạn đang tích lũy niềm vui thực sự, chỉ có niềm vui thực sự đó mới theo bạn như bóng theo hình, qua thế giới mới bạn vẫn mang theo được để dùng.

Còn tiếp

 Tâm Chiếu

Tin tức liên quan

Việc Làm Của Những Người “Thông Minh”
06/12/2023
Luân Chuyển…
16/11/2023
7 Cái “Trong…”
10/11/2023
Tâm Từ Bi Và Tâm Hoan Hỷ
20/09/2023
Những con người cống hiến thầm lặng
19/09/2023