Vòng xoáy luân hồi bất tận của thế giới cứ tiếp tục xoay vần. Nếu chúng ta cố gắng tìm tòi và học hết tất cả những kiến thức và lý luận của cõi trần này thì sẽ càng dấn sâu vào sự rối loạn và u mê. Tuy nhiên, nếu chúng ta chiêm nghiệm để hiểu rõ thông điệp của Pháp thông qua thế giới này thì trí huệ sẽ phát sinh. Chính Đức Phật là một trong những người đã chiêm nghiệm và nghiền ngẫm đến rốt ráo về ý nghĩa của cuộc đời này, thế giới này. Ngài có khả năng tuyệt vời để ảnh hưởng và dẫn dắt chúng sinh vì Ngài vốn rất thông minh và uyên bác ngay từ khi còn là Thái tử. Ngài đã sử dụng sự khôn ngoan để chiêm nghiệm, và đạt đến trí tuệ xuất thế, trở thành Đấng Thế Gian Giải, Đức Thế Tôn.
Vì vậy, nếu chúng ta học hỏi về các lời giáo huấn của Ngài, hấp thụ chúng và chuyển hóa thành trí huệ của mình, chúng ta sẽ có thể nâng mình lên một cấp độ mới.
Khi chúng ta nhìn thấy một sự vật, thật ra không có vật gì cả. Khi chúng ta nghe thấy một âm thanh, thật ra không có âm thanh nào cả. Khi ngửi thấy một mùi hương, thật ra chẳng có mùi hương nào. Giác quan của ta là hiển nhiên và rõ ràng, nhưng sự vật không có gì là vững bền, chỉ là một thoáng chốc đến rồi đi, như bọt bóng, ánh nắng.
Nếu chúng ta hiểu thực tại theo cách này, thì ta sẽ hiểu khi người ta nói: sự vật không thực sự tồn tại; chúng không là chân lý. Nếu trần gian này ‘không một vật’, vậy thì cũng không có ‘chúng tôi’, ‘họ’, hay là ‘tôi’. Và rồi những vật ‘của tôi’, ‘của chúng tôi’ cũng không có nốt. Theo cách này mà đau khổ được dập tắt. Không có bất cứ ai để chịu đau khổ vậy thì sự đau khổ bám vào đâu? Còn ai nữa để chịu đau khổ?
Khi đau khổ phát sinh, chúng ta bám chấp vào đó và vì thế, ta cảm thấy thực sự đau khổ. Cũng vậy, khi hạnh phúc phát sinh, chúng ta bám chấp vào hạnh phúc và do đó trải nghiệm niềm vui. Sự bám chấp vào những cảm giác như vậy làm phát sinh khái niệm về tự ngã và những suy nghĩ về ‘chúng ta’, ‘cái tôi’ này. Và chúng cứ thế mà tiếp tục thể hiện khiến ta trôi lăn trong vòng sinh tử. Ôi, đây chính là nơi chúng bắt đầu và dẫn chúng ta lạc lối quẩn quanh trong cõi luân hồi bất tận!
Vì vậy, chúng ta đến đây để thực hành thiền định và sống theo giáo pháp. Chúng ta rời bỏ nhà cửa để đến và sống trong rừng nhằm có được sự bình an trong tâm hồn, để vượt qua chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi và sự trốn chạy.
Tuy nhiên, những người đến và sống trong rừng ở nơi đây lại dễ bị một dạng bám chấp khác: họ bám chấp vào môi trường sống yên bình trong khu rừng này, cũng như những người sống trong thành phố quen thuộc và bám chấp vào môi trường đô thị. Khi tâm mê mờ thì sống ở đô thị, người ta bị lạc lối trong phồn hoa náo nhiệt và khi vào rừng, họ bị lạc lối trong sự yên tĩnh của bạt ngàn.
Đức Phật ca ngợi việc sống nơi yên tĩnh; như trong rừng chẳng hạn; vì sự cô đơn, tĩnh lặng về thể chất và tinh thần có lợi cho việc tu học thực hành và giải thoát. Tuy nhiên, Ngài không muốn chúng ta trở nên phụ thuộc hay bám chấp vào bất cứ điều gì; mắc kẹt nơi cảnh giới an lạc hòa bình và yên tĩnh này chẳng hạn; mà quên đi mục tiêu tối thượng. Chúng ta đến đây tu tập để cho trí huệ phát sinh nhằm được giải thoát. Ở đây trong rừng, chúng ta có thể gieo trồng và vun đắp hạt giống của sự khôn ngoan. Sống giữa nơi ồn ào náo nhiệt thì những hạt giống trí huệ sẽ khó phát triển. Nhưng một khi hạt giống trí huệ và sự định tâm đã phát triển xanh tốt thì chúng ta có thể trở lại nơi đô thị phồn hoa với sự ồn ào và tất cả các kích thích các giác quan mà không có gì phải lo ngại. Học cách sống trong rừng có nghĩa là cho phép trí huệ đâm chồi nảy lộc. Sau đó chúng ta có thể áp dụng sự khôn ngoan này ở bất cứ nơi nào chúng ta đi, ở bất cứ nơi đâu chúng ta sống.
Khi các giác quan của chúng ta bị kích thích, chúng ta trở nên kích động, căng thẳng, và các giác quan trở nên đối kháng với chúng ta. Bởi vì chúng ta vẫn còn si mê u tối, ta đối xử với chúng một cách xa lạ, thiếu trí huệ và khôn ngoan. Thực ra, đó là những thầy dạy của chúng ta nhưng vì vô minh mà ta không nhận chân ra được. Khi sống nơi đô thị ồn ào, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng các giác quan có thể dạy cho chúng ta được điều gì. Chừng nào sự khôn ngoan đích thực chưa thể hiện, trí huệ chưa phát sinh, chúng ta sẽ tiếp tục xem các giác quan và các sự việc xảy ra trước mắt như kẻ thù. Một khi trí huệ phát sinh, ta sẽ không còn thấy chúng là kẻ thù của chúng ta nữa mà là cánh cửa dẫn đến sự thông tuệ và tinh tấn.
Một ví dụ điển hình là đám gà rừng ở đây. Chúng ta biết rõ là chúng rất sợ con người. Tuy nhiên, kể từ khi tôi đến sống trong khu rừng này, tôi đã có thể dạy cho chúng những bài học và cũng học được từ chúng rất nhiều. Khi tôi bắt đầu rải gạo cho chúng ăn, lúc đầu chúng sợ hãi và lảng tránh. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các chú gà rừng đã quen với việc rải gạo và chúng thậm chí còn biết cả giờ rải gạo để chờ. Bạn thấy đấy, có một bài học ở đây. Ban đầu các chú gà rừng nghi ngại; cho rằng gạo là kẻ thù và cảm thấy sợ hãi. Cuối cùng bản thân chúng đã nhận ra sự thật rằng không có gì phải sợ hãi, chúng có thể đến ăn mà không gặp bất kỳ mối nguy hiểm nào.
Những con gà rừng học hỏi theo cách tự nhiên như vậy. Sống trong rừng, chúng ta cũng học hỏi theo cách tương tự. Trước đây chúng ta nghĩ rằng giác quan là một vấn đề lớn, là chướng ngại; và vì thiếu hiểu biết, chúng ta không sử dụng chúng một cách thích hợp. Kết quả là chúng ta gặp rắc rối rất nhiều. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực hành, chúng ta nhận ra sự thật và chân lý. Chúng ta học cách sử dụng các giác quan như những chú gà học cách ăn gạo. Các giác quan không còn đối kháng và gây hại cho chúng ta nữa và lúc đó các rắc rối sẽ biến mất.
Còn tiếp
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa
Trích Từ Quyển: Everything Is Teaching Us – Ajahn Chah