Suy Ngẫm

Hai Mặt Của Thực Tại – Phần 4

Cập nhật: 02/12/2016
Luôn Luôn Thực Hành
 

Hai Mặt Của Thực Tại – Phần 4

 

Trong tu học thực hành, chúng ta chỉ cần tập trung quán sát tâm mình. Bất cứ khi nào việc thực hành của chúng ta bắt đầu mất lửa và trở nên uể oải chậm chạp, chúng ta củng cố lại để tâm mình tiếp tục tinh tấn. Rồi chẳng bao lâu sau đó, tâm chúng ta lại mất lửa và trở nên uể oải. Đó là cách tâm chúng ta bị chướng ngại, nghiệp lực chi phối và dẫn ta đi vòng vòng. Người có chánh niệm tốt sẽ có thể giữ vững tâm, liên tục làm mới mình, kiên trì rèn luyện và tinh tấn theo cách này thay vì thoái lui.

Người có ít chánh niệm sẽ buông xuôi tất cả, đánh mất bản tâm và bị dẫn dắt hết lần này đến lần khác. Anh ta không đủ mạnh mẽ và có nền tảng vững chắc trong việc tu học thực hành; vì vậy anh ấy liên tục bị những ham muốn trần tục của mình lôi kéo từ hướng này sang hướng khác. Khi sống theo bản năng và những ham muốn cảm tính của bản thân, một người không bao giờ có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Thọ giới không phải là một việc dễ dàng. Bạn phải xác định tư tưởng của mình. Bạn nên tự tin trong việc thực hành và tiếp tục tu học cho đến khi bạn phát chán với tâm lý bất ổn nay thích mai không thích mà chỉ tập trung tìm cầu chân lý bất kể là tâm thích hay không thích, vui hay không vui. Thông thường, bạn không hài lòng với những điều bạn không thích, và nếu có điều gì đó xuất hiện mà bạn thích, bạn nhanh chóng từ bỏ điều không thích kia. Bạn phải ở trong trung đạo và lờ đi cả điều làm cho bạn thích lẫn không thích, đau khổ hay hạnh phúc. Bạn không nhận ra rằng đây là bản chất của Pháp! Phật pháp sâu sắc và tinh ròng, không hời hợt cũng không phải lúc nào cũng dễ hiểu. Nếu trí huệ thật sự chưa phát sinh thì bạn không thể hiểu được Phật pháp. Khi niềm vui đến, bạn ngây ngất trong hạnh phúc; khi gặp bất hạnh, bạn ngập chìm trong đau khổ mà không nhận ra rằng có những điều vĩ đại ẩn chứa trong những sự việc nhỏ bé và có những điều nhỏ bé ẩn chứa trong những sự việc lớn lao. Vì bạn chỉ có cái nhìn phiến diện một chiều mà không thấu rõ bản chất toàn diện đa chiều của sự vật nên vòng sinh tử luân hồi không bao giờ kết thúc.

Sự vật luôn có hai mặt của vấn đề và ta phải hiểu rõ điều đó. Để rồi khi hạnh phúc hay khổ đau xuất hiện, bạn không bị lạc lối trong đó. Khi hạnh phúc phát sinh, bạn không quên những ngày đau khổ và ngược lại, bởi vì bạn thấy rằng chúng phụ thuộc lẫn nhau và chúng là một, chúng là hai mặt của cùng một vấn đề.

Cũng như thực phẩm tốt cho cơ thể vì chúng giúp nuôi sống chúng ta; nhưng thực phẩm cũng có thể khiến ta bị bội thực hoặc rối loạn tiêu hóa.

Khi bạn nhìn thấy những ưu điểm của một sự vật, bạn cũng phải nhận thức được những nhược điểm của chúng và ngược lại. Khi bạn cảm thấy hận thù và ác cảm dâng tràn, bạn nên nghĩ về tình yêu và sự thấu hiểu. Bằng cách này, bạn sẽ trở nên cân bằng hơn và tâm trí của bạn trở nên ổn định hơn.

Chiếc Cờ của Tánh Không

Lần nọ, tôi đọc một cuốn sách về Thiền. Bạn biết đấy, trong Thiền định, họ không nói hay giải thích gì nhiều. Ví dụ, nếu có một chú ngủ gật trong lúc thiền định, thầy giám luật sẽ đến với một cây gậy và "Chát!" họ phát cho anh ta một cái vào lưng. Rồi anh chàng ngủ gật ấy sẽ nói cảm ơn với người giám luật. Trong thực hành Thiền định, người ta được dạy phải biết ơn đối với tất cả những gì xảy ra khiến ta có cơ hội tinh tấn.

Ngày nọ, các nhà sư tụ tập lại với nhau trong một cuộc họp. Bên ngoài hội trường, một lá cờ được kéo lên và tung bay trong gió. Điều này dẫn đến sự tranh luận giữa hai nhà sư. Một vị nói rằng vì gió động nên làm lá cờ bay, trong khi người kia cho rằng vì bản thân lá cờ động chứ không phải vì gió; và không ai chịu ai. Họ có thể tranh luận hăng say cho đến ngày họ chết về chiếc cờ bay này. May thay, thầy của họ đã xuất hiện và nói: “không phải gió hay bản thân lá cờ động mà là tâm của các ông đang động.Vì lá cờ hay gió đều không tồn tại.

Đây là sự thật: không có bất cứ điều gì, không có cờ cũng không có gió. (chúng có hay không cũng không quan trọng bằng việc ta tu học thực hành để tâm mình tinh tấn thay vì bỏ thời gian cãi nhau và dấy lên tâm tranh chấp - DG). Nếu có lá cờ bay vậy thì phải có gió. Nếu có gió, thì lá cờ phải tung bay. Bạn nên suy ngẫm về vấn đề này để nhận chân được sự thật.

Nếu bạn suy ngẫm vấn đề một cách rốt ráo, thì bạn sẽ thấy không có gì (quan trọng) cả. Đó là tánh Không, không có cờ cũng có gió. Không có sinh, lão, bệnh hay tử. Sự hiểu biết thông thường của cõi trần về cờ và gió chỉ là một khái niệm. Thực ra tất cả chỉ là không. Chỉ có vậy thôi! Không có gì ngoài tánh Không.

Nếu chúng ta thực hành theo cách này, chúng ta sẽ trở nên hoàn thiện và tất cả các vấn đề của chúng ta sẽ kết thúc. Trong tánh Không, thần chết không có nên không thể tìm tới bạn. Không có lão, bệnh hay tử gì nữa. Khi chúng ta nhìn thấy và hiểu đúng sự thật, thì tất cả chỉ là Tánh Không; không còn "chúng ta", không còn "họ", cũng không còn cái “tôi” này!

Còn tiếp

Việt Dịch: Diệu Liên Hoa

Trích Từ Quyển: Everything Is Teaching Us – Ajahn Chah

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018