Suy Ngẫm

Hạnh phúc chân thật

Cập nhật: 26/05/2018
Hạnh phúc và khổ đau là hai phạm trù của một bản thể. Tuy chúng đối lập nhau nhưng lại không tách rời nhau, giống như hai mặt của một bàn tay. Hạnh phúc là khi người ta thỏa mãn những điều mình mong muốn, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Khổ đau là khi người ta cảm thấy đau khổ, thất vọng, không đạt được những điều đã ước mong.
 

Hạnh phúc chân thật

 

Con người mong muốn hay nói đúng hơn là ảo tưởng quá nhiều về những điều tốt đẹp. Nhưng thực tế trong cuộc sống này, những điều tốt đẹp ấy dường như chỉ là trận mưa rào làm dịu lại cái nóng bức của mùa hè cạn khô. Người ta bỏ thời gian, công sức cả đời để đi tìm hạnh phúc, từ chối những khổ đau. Nhưng oái ăm thay, càng né tránh, càng trốn chạy thì những nỗi thất vọng lại càng đến nhiều hơn. Vốn dĩ cuộc đời ít vui, nhiều khổ. Nếu ngay trong lúc đó, họ sẵn sàng đón nhận thì biết đâu những nỗi niềm sầu khổ ấy lại chuyển hóa thành hạnh phúc cũng nên?

Có nhiều người khi gặp khổ đau đã tỏ ra hoang mang, lo sợ. Họ tìm mọi cách để né tránh, họ đi chùa cầu Phật gia hộ cho mình vượt qua. Nhưng một khi cầu không được, họ quay lưng phán một câu phũ phàng: “Phật không linh”. Họ tiếp tục gửi vận may đến những thầy, bà đồng bóng. Tin tưởng rằng sẽ có một đấng thần linh quyền năng nào đó, ban phước cứu rỗi cuộc đời. Nhưng kết quả chưa thấy đâu, đã thấy họ dần dần rơi vào con đường tà đạo. Họ bị dụ dỗ, mua chuộc bởi những người ngoại đạo. Cái danh, cái lợi, tiền tài, sắc đẹp…đã che phủ ánh sáng của lý trí. Họ thả trôi cuộc đời theo niềm tin Thượng đế, đã được vẽ bởi những kẻ đắm chìm trong ngũ dục mượn lốt Thần linh.

Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Đức Phật dạy rằng: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu”. Vậy nên, con người phải chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình. Dù hoàn cảnh xảy ra, có tốt đẹp hay đau khổ, nên biết rằng tất cả đều là do nghiệp nhân mình đã gây tạo. Đừng đổ lỗi cho số phận hay một vị thần linh nào có quyền ban phước giáng họa cho ta.

Trong Kinh A-hàm, có một câu chuyện kể rằng: “Một hôm, có các thầy bà la môn đến hỏi Phật:

  • Thưa Sa môn Cồ Đàm, đệ tử của Ngài sau khi chết, Ngài có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không?

Đức Phật không trả lời, Ngài hỏi lại:

  • Đệ tử các ông sau khi chết, các ông có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không?
  • Được chứ! Các vị đáp.

Đức Phật mỉm cười và nói:

  • Thí như có một cái giếng sâu, một người lăn cục đá lớn để lên miệng giếng, rồi mời vài chục thầy Bà la môn đến hỏi: Tôi xô hòn đá này xuống giếng, quý thầy cầu cho nó đừng chìm xuống được không?

Các thầy Bà la môn vội lắc đầu, Đức Phật hỏi nguyên nhân.

Các vị ấy trả lời:

  • Vì đá nặng chìm tận đáy giếng, dù cho có ngàn người cầu cũng không được.

Đức Phật mỉm cười và tiếp tục:

  • Lại như có người đem dầu đổ xuống giếng và cũng nhờ các thầy Bà la môn đến cầu nguyện cho dầu chìm xuống tận đáy giếng, các thầy có làm được không?

Các thầy Bà la môn lại lắc đầu, Đức Phật hỏi tại sao.

Các vị ấy trả lời:

  • Vì dầu nhẹ nên phải nổi, dù có bao nhiêu người cầu cũng không thể chìm được.

Đức Phật bảo rằng:

  • Cũng vậy, nếu người làm lành, làm thiện dù cho các ông có cầu cho họ đọa xuống địa ngục, họ cũng không thể đọa, còn kẻ làm ác nhiều tội lỗi, dù cho các ông có cầu nguyện mấy họ cũng không thể sanh lên cõi lành được?

Bài kinh trên là một chứng cứ thuyết phục hùng hồn cho quy luật nhân quả. Sự cầu nguyện không đem đến hạnh phúc cho con người như mong đợi, chỉ có việc làm hiện tại mới thiết thực và đem lại lợi ích cho tự thân. Người ở hiền thì sẽ gặp lành, kẻ ở ác thì có trốn đâu cũng không khỏi quả xấu. Bởi thế cho nên hạnh phúc hay khổ đau do chính mình chọn. Nếu như ai cũng hiểu được điều này thì cuộc sống sẽ bớt khổ đau và hạnh phúc hơn.

Người biết nhìn lại sẽ cố gắng sống tốt, chấp nhận sự thật, dù cho có đối đầu với nghịch cảnh. Con người vẫn có thể vững bước đi qua, điều quan trọng họ có đủ mạnh mẽ để quyết tâm làm mới lại mình hay không? Những ai sinh ra được nhiều may mắn cũng đừng tự mãn, chẳng qua đó là phước nghiệp của quá khứ trổ ra ở hiện tại mà thôi. Nếu chỉ mải mê hưởng thụ, không gieo thêm những hạt giống tốt, đến một lúc nào đó ruộng lúa kho vàng cũng trở thành khô rỗng, trống trơ. Lúc đó hối hận e cũng đã muộn.

Con người sống trên đời, dù cho có tạo vô vàn tài sản, tiếng tăm khi ra đi vẫn chỉ là hai bàn tay trắng, như chính lúc ban đầu cuộc đời đã chào đón họ bằng tiếng khóc đầu tiên. Đừng vướng mắc vào những niềm vui hay nỗi buồn của trần thế, dù gì cũng chỉ là những áng mây bay. Hãy cho đi tình thương và hiến tặng cuộc đời bằng những gì ta có thể làm được, khi đó ta sẽ phát hiện ra rằng hạnh phúc chân thật đến từ sự bình an.

Tiểu Mục Đồng

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018