Bài viết

Góp nhặt và phẩm bình những câu chuyện trong nhà thiền

Cập nhật: 15/12/2018
Thị Tịch…
 

Góp nhặt và phẩm bình những câu chuyện trong nhà thiền

 

Vị thiền sư có công lớn nhất trong buổi đầu lập quốc nhà Lý, có lẽ là thiền sư Vạn Hạnh. Ngài là người có kiến thức uyên bác nội điển lẫn ngoại điển, rất giỏi về chính trị. Xuất gia năm 21 tuổi, thuở nhỏ Ngài thông minh siêu dị, sớm thông Nho – lão – Phật, bác cổ thông kim, xem danh lợi như phù du bọt nước. Ngài là người có công rất lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên triều đại nhà Lý. Đồng thời cũng là người dâng biểu lên vua Thuận Thiên, dời đô về kinh thành Thăng Long, mở ra một thời đại mới cho lịch sử dân tộc.

Thiền sư Vạn Hạnh, đạo hạnh tu hành và cuộc đời phụng sự của Ngài là tấm gương mẫu mực về hình ảnh Bồ tát vào đời đẹp đạo, cống hiến cho dân tộc, đất nước.

Ngài được nhà Lý tôn làm Quốc sư, không chỉ là một vị lãnh đạo đời sống tâm linh mà còn là người lãnh đạo hành động trong tinh thần bất bạo động, Ngài đem tinh hoa Phật pháp thấm nhuần quần chúng dân tộc, trong tinh thần tự do tự tại vào phụng sự đất nước. Nội tâm thâm chứng và cái nhìn thấu suốt tự nhiên về lẽ đời sinh diệt thịnh suy, vận cuộc sự thế cho chúng ta thấy sự đượm nhuần tinh thần Bát nhã trong cuộc đời tu hành và phụng sự của Ngài. Bài thơ Thị Tịch Ngài để lại dặn dò đệ tử trước khi ra đi, thật sáng ngời trong tinh thần đó…

“Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Thân người, mạng sống, cỏ cây, thiên nhiên dưới con mắt của thiền sư thật sự là mong manh, nhanh chóng.

“Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô”.

Người thế gian xem thân này thật quý trọng, thật đẹp đẽ và lâu dài. Nhưng sự thật, thân quả giả tạm, mạng quả vô thường. Có rồi lại mất. Chiều nay còn nhưng đâu chắc ngày mai ngồi đó. Thân mạng chúng sinh trong chín cõi bốn loài, không nơi nào là trường cửu, chẳng tìm đâu là thật sự lâu bền. Thiên nhiên vạn vật cũng nằm trong quy luật đó. Mùa xuân cỏ cây xanh tươi, um tốt, qua mùa thu đã vội xác xơ, úa vàng. Chúng ta hãy xem những lời của vua Trần Thái Tông ghi trong “Phổ Khuyết” viết về lẽ vô thường của thân người và thế sự:

“Công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài, phú quý kinh người khó tránh vô thường hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không, khoe giỏi khoe hay rốt cùng chẳng được. Tứ đại rã rời thôi già trẻ, núi khe mòn mỏi hết anh hùng. Tóc xanh chưa thấy mà màu bạc đã pha, kẻ mừng mới đi mà người điếu đã tới. Một bao máu mủ, bao năm khổ luyến ân tình; bảy thước xương khô, mặc sức xan tham tiền của. Thở ra không hẹn thở vào; ngày nay không tin ngày kế, trôi nổi song yêu giờ nào nghỉ, nấu nung nhà cháy biết bao thôi?...”

Phải chăng vô thường khắc nghiệt, mọi vật đổi thay, vạn cuộc hoán dời, dòng đời thay đổi, thân mạng con người và thiên nhiên vũ trụ cũng theo đó mà sớm còn tối mất. Quy luật tự nhiên khắc nghiệt đã khắc nghiệt tự nhiên thì sức mạnh nào níu dừng lại được. Tuy thế, với cái nhìn đạo của bậc thiền sư, thì đã có sự khác.

“Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Hình ảnh thật đẹp, thật tự do và mát mẻ.

Vô bố úy nghĩa là đừng sợ hãi. Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi! Vì sao? Vì thịnh suy như lộ thảo đầu phô. “Ngọn cỏ giọt sương hồng”, hình ảnh thiền sư dùng thật đẹp, như chẳng có sự vướng bịu nào. Thời cuộc thịnh suy, thế cuộc thăng trầm, hưng thịnh, vạn vật đổi thay, thân người nhanh chóng,… đây là lẽ tự nhiên của vũ trụ, là lẽ thật của cuộc đời, ví như giọt sương hồng trên ngọn cỏ xanh. Sáng sớm tinh anh còn vẻ như pha lê lựu hạt nhưng ánh nắng mặt trời lên thì bỗng chốc hóa thành không. Cái lẽ này, là lẽ thật tự nhiên, đương nhiên của cuộc sống. Ngó lại thời cuộc lịch sử, ta nhận ra được điều đó.

Người thế gian vướng mắc vào cái ngã, cái trường tồn nên khi đối mặt với vô thường, thay đổi sẽ đau khổ. Nhưng chỉ với một cái nhìn chấp nhận, cái nhìn rộng thoáng tự nhiên thì mọi sự trở nên đơn giản, tự do tự tại. Đạo và đời chỉ khác nhau có thế!...

Tinh thần này của Ngài, ta có thể bắt gặp một lần nữa qua “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giác, thiền sư tại thế 45 năm:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

Xuân đến xuân đi, hoa nở hoa cười… như giọt sương hồng trên ngọn cỏ. Chỉ nỗi buồn một cái là “Sự trục nhãn tiền quá/Lão tòng đầu thượng lai” mà ta chưa được “như lộ thảo đầu phô”.

Qua những bài thơ, những lời để lại của người xưa, chúng ta thấm thía hơn nữa về lẽ đời vô thường, thịnh suy thế sự trong từng sát na đi qua không để lại một hạt bụi.

Nhưng may mắn thay, ở “đình tiền” vẫn còn “nhất chi mai” cho chúng ta thưởng thức…

Thuấn Nham

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022