Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Gõ trái tim
Cập nhật: 18/11/2022
Thời tiết nắng - nóng. Chùa lại vào khoá tu mùa hè cho các em. Tầm trưa, thấy các em mỗi đứa một góc tìm những bóng mát trong sân chùa, đứa nằm lăn qua lăn lại trong giảng đường không ngủ được. Tôi thấy mà thương các em.
Chùa vào khoá tu, nên tôi cũng khá bận, lo xong cho các em thì trời cũng về khuya. Biết tắm vào giờ đấy không tốt cho sức khoẻ, nhưng vẫn phải tắm vì người quá bẩn.
Mấy hôm liên tiếp như vậy, nên tôi gia nhập hội “cảm cúm”.
Ỷ y vào sức khoẻ của mình, tôi chả màn thuốc men. Nghĩ mấy hôm là khỏi. Nhưng cái nghĩ ấy lại sai. Bệnh luôn một tuần vẫn không khỏi. Xong khoá tu, tôi mời anh em về chùa tôi chơi cho biết và không quên mang theo luôn căn bệnh về chùa. Đến chùa, các bà biết tôi bệnh - lo lắm.
Người lo thuốc men, người hỏi han đủ kiểu. Có bà lại khuyên tôi: “Thầy bị cảm vậy xông mấy nồi là khỏi ngay. Để con hái mấy lá thuốc nam về nấu cho thầy xông nha”. Uống mấy ngày thuốc Tây không khỏi nên Tôi đồng ý ngay.
Có lẽ ai đã xông rồi sẽ hiểu cảm giác nhỉ? Đối với tôi thì nó hơi khó chịu. Nhất là trong cái thời tiết gần 40 độ, lại trùm chăn, mở cái nắp nồi cho hơi nước bốc lên ngùn ngụt. Vừa nóng, vừa khó thở, mồ hôi tuông ra như thác đổ, tôi muốn bỏ cuộc ngay. Nhưng nghĩ các bà đã cất công hái lá, động viên, lại mất thời gian nấu nãy giờ mình bỏ cuộc thì phụ lòng họ quá. Thế là tôi ráng chịu.
Không biết cái cảm giác dưới Địa ngục thế nào? Chứ đọc qua những trang kinh tôi chưa cảm nhận được nỗi khổ ấy, cho đến khi ngồi xông tôi mới thấm thía : “chỉ mới xông thế này thôi đã không chịu nổi, huống gì sự thống khổ của chúng sinh khi rơi vào cảnh giới Địa ngục nhỉ”.
Tuy xông rất khó chịu, nhưng mỗi lần xông xong tôi lại thấy thoải mái, người nhẹ nhàng trông thấy. Xông được ba lần thì tôi và cơn cảm cúm chia tay nhau.
Cái khó chịu khi xông cũng như những đau khổ, khó khăn mà bạn sẽ đón nhận nó trong hành trình của một kiếp người.
Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc. Bởi vậy, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Chúng ta đau khổ, một phần do không có những phương pháp cụ thể giúp chuyển hóa tham lam, sân hận, si mê. Nếu thực tập và chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau của tự thân thành công, ta còn có thể giúp những người khác chuyển hóa đau khổ của chính họ.
Đức Phật đã từng khẳng định rằng: "Ta chỉ dạy có mỗi một điều mà thôi, đó là khổ đau và con đường để chấm dứt khổ đau". Hay nói một cách khác là con đường đi đến hạnh phúc. Vì vậy, khi chuyển hóa được khổ đau thì hạnh phúc sẽ hiện hữu. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi ôm ấp những quá khứ đau buồn thì liệu hạnh phúc có thể đến gõ trái tim ta không?