Giữ gìn gia tài Pháp bảo
Gia tài của Phật không phải là vàng, bạc, châu báu hay của cải vật chất bình thường mà là một kho tàng vô giá mà Ngài đã lặn lội trong ba cõi, đi khắp sáu đường, trải qua vô lượng kiếp mới tích lũy được. Gia tài ấy chính là tuệ giác vô thượng, tuệ giác này có năng lực đưa chúng sanh thoát ly khổ đau sanh tử, an trú hạnh phúc dài lâu. Trụ Pháp Vương gia, tức là ở nhà của đấng Pháp Vương. Ngay từ khi vào chùa xuất gia học đạo phải từ bỏ họ hàng thân thuộc để cạo bỏ mái tóc xanh, khoác lên mình mảnh áo đà, nuôi dưỡng trong lòng một hoài bão lớn: “Hoằng thánh đạo và độ nhất thiết nhân”. Chúng ta không phải chỉ biết giữ gìn mà còn phải biết phát huy khiến cho Phật pháp ngày một phát triển và hưng thịnh. Nghĩa là phải thâm nhập và an trú vào giáo lý của Ngài, không phải chỉ biết nói suông trên câu chữ. Một vị hướng đạo không thể chỉ biết lặp lại những lời của Đức Phật đã truyền đạt mà thực tế chưa từng đi trên đường lối ấy. Người có kiến thức Phật học uyên thâm hay khả năng hùng biện siêu xuất cũng chưa hẳn là đủ, mà cần phải có khả năng tu tập, thực tu thực chứng thì mới được gọi là nhà truyền giáo tài ba. Ngoài việc học hỏi giáo lý cần phải áp dụng vào việc tu tập, giúp nâng cao đời sống tâm linh, đem sự an lạc, giác ngộ của mình truyền đạt lại cho người sau để cùng đạt được lợi ích thiết thực nhất. Nói tóm lại, hạnh giải tương ưng, ngôn hành hợp nhất, là tiêu chuẩn của một sứ giả Như Lai, bởi họ chính là người thay thế Đức Phật tiếp tục mang chân lý giải thoát đến với thế gian.
Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà thế tục bước vào ngôi nhà của đấng Pháp Vương, được dự vào hàng Tăng bảo là người thay thế Đức Phật tuyên dương chánh pháp. Có thể nói để trở thành sứ giả Như Lai thì việc gánh lấy trách nhiệm bảo vệ và phát huy gia tài Pháp bảo là một điều vô cùng quan trọng cần thiết nhất. Trong bài văn phát nguyện có bài kệ:
Một lòng kính lạy Phật-đà,
Con nay phát nguyện vào nhà Như Lai,
Con nguyện mặc áo Như Lai,
Con ngồi pháp tọa Như Lai đang ngồi.
Vào nhà Như Lai bên trong phải có trí tuệ, bên ngoài phải có sự nhẫn nhục. Trí tuệ và nhẫn nhục là điều quan trọng đối với người tu, Phật đã làm như vậy, chúng ta nên học theo đức hạnh của Ngài. Việc chính của chúng ta là tu Tam Vô Lậu Học, mà tu huệ là gốc. Nếu hành giả tu tập chưa đầy đủ tuệ giác, sức sống nội tâm còn yếu, định lực chưa đủ mà gặp phải “bát phong” thổi thì ba nghiệp thi nhau dấy động. Ba nghiệp không hàng phục được thì ba đường đau khổ sáu nẻo luân hồi nhất định không thể nào thoát khỏi. Phật khác với mọi người, vì hành động, lời nói, suy nghĩ của Ngài do trí tuệ chỉ đạo. Chúng ta là đệ tử Phật, học Phật, tất yếu lấy trí tuệ làm sinh mạng để đạt đến quả vị Phật và tùy duyên mỗi người mà hoằng pháp. Nhờ có trí tuệ soi sáng, chúng ta mới giáo hóa được quần chúng và làm an lạc cho mọi người. Đây là ý nghĩa “Trụ Pháp Vương gia”.
Nhà Như Lai khác với nhà thế gian ra sao? Ở thế gian luôn luôn phân rõ thiện ác, phải trái, vui buồn… Một khi người đời đã lao đầu vào làm thì bao nhiêu việc xảy ra khiến cho họ phải chuyển biến theo sự tác động của hoàn cảnh. Người thế gian khổ sở, lo lắng đủ thứ, nên họ đến chùa để được an trú trong sự thanh thản, an lạc. Vào trú thân trong chùa, trên có Như Lai, dưới có Tăng thân hòa hợp, thanh tịnh, tự tại tác động cho họ cảm nhận được sự bình ổn. Cho nên người xuất gia cần phải trang bị cho mình hai đức tính trí tuệ và nhẫn nhục thật vững chắc, để có đủ sự sáng suốt, nghị lực vượt qua những khó khăn trở ngại trên bước đường tu tập. Rèn luyện tâm bất động, nhẫn chịu những điều khó nhẫn thì mới thành tựu được việc lớn. Nói cách khác, người xuất gia phải bình tĩnh trong mọi tình huống, làm chủ hoàn cảnh, dù ở bất kỳ cương vị nào cũng không chứng tỏ rằng ta có quyền uy, hay bực tức, buồn phiền, khó chịu… tuyệt đối không để hoàn cảnh chi phối, dẫn dắt tâm mình. Người xuất gia dễ thương nhất là chấp nhận được tất cả những gì người đời đổ lên cho ta, mà ta vẫn an nhiên không đáp lại. Giống như hạnh của đất, dù đổ tất cả những vật bất tịnh, nhơ uế thì nó vẫn an nhiên bất động không hề có chút phản ứng gì:
Hãy học hạnh của đất
Chấp nhận và tha thứ
Vì trong cõi Ta bà
Xả ly thì thư thái.”
Phật dạy nhẫn nhục Ba-la-mật là ý này, nhẫn nhịn tu hành sẽ được nhiều người quý trọng. Ngoài hai đức tính trên cũng cần phải trang bị cho mình một tâm từ bi vô hạn, nghĩa là mình lúc nào cũng an vui và chính sự an vui của ta mới làm cho người khác an vui theo. Ta không có gì cho người, nhưng gần ta, họ cảm thấy được sự an lạc, giải thoát. Nếu một vị Thầy mà lúc nào mặt cũng hầm hầm, miệng luôn rầy la, quả thật khó ai thương được. An vui, thanh thoát là bản tánh quan trọng mà người xuất gia phải tu cho được, dù cực mấy cũng phải ráng giữ tâm này.
Trên phương diện tự lợi, người xuất gia còn có hạnh nguyện cao hơn: “Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh”, gánh lấy trách nhiệm lèo lái con thuyền Phật pháp trường tồn trong đời ác năm trược, lấy việc hoằng dương Phật pháp làm lợi ích cho tha nhân. Nói cách khác, là chiếc cầu nối giữa Phật và chúng sanh. Đây chính là việc làm vô cùng quan trọng và ý nghĩa, truyền đạt niềm tin chân chánh cho quần chúng, để họ nương theo đó hướng tâm về Phật mà có được suy nghĩ, lời nói và cuộc sống an lạc, tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Người thế gian xem người xuất gia là chỗ dựa tinh thần của quần chúng, họ đến nhờ giúp đỡ về đời sống tâm linh, có gì ta cho đó, hoặc với tri kiến chân chánh, ta cho lời khuyên để họ có hướng đi tốt đẹp hơn trong đời sống. Hướng dẫn mọi người trở thành Phật tử thuần thành, sống theo lời Phật dạy là phần nào đền đáp được công ơn của thầy tổ, của đàn-na tín thí và tiến gần đến quả vị Vô thượng giác. Đây là ý nghĩa “Trì Như Lai tạng”.
Trên bước đường tu tập, giữ được Như Lai tạng dưới hai hình thức: giữ được tạng bí yếu Như Lai và làm an lạc cho trời, người, đó là lộ trình tu tập của người xuất gia. Cuộc đời giáo hóa độ sanh của Đức Phật đã thể hiện rõ nét tinh thần này, Đức Phật luôn luôn vì con người, lấy lợi ích của chúng sanh làm lợi ích cho mình: “Các thầy hãy ra đi vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Chúng ta bước theo dấu chân Phật cũng phải chú trọng đến lợi ích con người. Nếu người xuất gia biết lấy đức của Như Lai để trang nghiêm thân tâm, lấy hạnh Bồ-tát làm việc làm của mình, chắc chắn rất dễ cảm hóa người khác. Đức không thấy được bằng mắt, nhưng cảm nhận được bằng tâm. Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác
Chói sáng rực đời này
Như trăng thoát mây che.
Đó là bước đầu mà người xuất gia phải ý thức được mình đang sở hữu kho báu của Như Lai, cần phải giữ gìn và trao truyền cho quần chúng. Người xuất gia ở trong nhà Như Lai thì khác hẳn với người thế tục. Người đời gặp việc vui buồn, tốt xấu, tâm họ sẽ quay cuồng theo đó. Còn ở trong nhà Như Lai, dù hoàn cảnh vinh nhục thế nào, tâm hành giả cũng không thay đổi, không lo sợ, buồn vui. Nếu dao động, buồn phiền theo thế gian, là phạm tội phá pháp, vì đã làm cho người đời lầm tưởng pháp của Phật cũng giống như ở thế gian. Giống như người đang bị trói đương nhiên không thể mở trói cho người khác được. Muốn dẫn dắt một chúng sanh bị chìm đắm trong biển khổ điều trước tiên mình phải biết nguyên nhân của khổ và phương pháp thoát khổ.
Tham, sân, si chính là ba nguyên nhân mang đến nhiều sự bất hạnh, khổ đau khiến cho chúng sanh phải trôi lăn trong nhiều kiếp sinh tử, luân hồi không có ngày ra. Chúng ta đã được Đức Phật truyền trao cho phương thuốc trị khổ thì hãy nhanh chóng sử dụng và đem kinh nghiệm ấy truyền đạt lại cho chúng sanh. Nhưng điều quan trọng là chính mỗi người phải tự nhìn nhận được chứng bệnh của riêng mình để có một phương thuốc điều trị thích hợp. Đức Phật giống như vị lương y biết bệnh cho thuốc, được thuốc rồi nhưng ta không chịu uống, bệnh không khỏi được thì lỗi là ở chúng ta chứ không phải do vị lương y.
Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, với nhiều phương tiện khác nhau khiến cho Phật pháp đi vào thế gian, giúp chúng sanh bớt khổ là phần nào chúng ta đền đáp được ân đức của chư Phật, chư Tổ vì lòng thương tưởng chúng sanh vạn loài, quên đi hạnh phúc của riêng mình, xuất gia tìm cầu chân lý, giải thoát khổ đau, mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Phật giáo trải qua mấy nghìn năm lịch sử luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, vẫn giữ được địa vị quan trọng trong lòng người khát ngưỡng. Đó là nhờ công lao không ít của những người con Phật vì lợi ích của tha nhân ngày đêm truyền bá chánh pháp không mệt mỏi, khiến cho chánh pháp ngày một xương minh. Bởi họ chính là người thay thế Đức Phật tiếp tục mang lại chân lý giác ngộ cho thế gian. Chúng ta ở tạm trong ngôi chùa vật chất, để giữ gìn ngôi chùa tâm linh là lòng từ bi và tuệ giác của Phật. Tâm từ bi và tuệ giác của Đức Phật thể hiện trong ta, tỏa sáng thành những việc làm xoa dịu khổ đau của cuộc đời, mang an lạc cho người, giúp người tăng trưởng đời sống tâm linh. Thành tựu như vậy, làm tròn trách nhiệm của người trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng.
Mở được cánh cửa tâm linh để đi vào đạo, tuy không biết việc thế gian, nhưng chúng ta có thể hướng đạo cho người thế gian không sai lầm, vượt qua bế tắc của cuộc đời. Nhờ có trí tuệ sáng suốt dẫn chúng ta đến với người khổ, người khó, để giúp đỡ họ thăng hoa đời sống tinh thần và phát triển cuộc sống vật chất. Nét đẹp của đạo Phật là vậy. Là đệ tử Phật, ta phải đặt niềm tin trọng tâm ở Phật, Pháp, Tăng và nỗ lực học để hiểu, thực hành viên mãn những lời Phật dạy trong ba tạng Thánh điển. Như vậy, trong hiện tại được an lạc, bớt khổ đau và đời sống tâm linh được thăng hoa làm nền tảng vững chắc trên con đường giác ngộ, tu nhân học Phật, giải thoát mãi mãi về sau.
Tâm Thế