Giới thiệu ký sự: QUÊ HƯƠNG ĐẤT VIỆT
Đắm mình theo dõi cuộc hành trình xuyên Việt của chùa Hoằng Pháp, người xem cảm nhận những rung cảm chân thật và sâu sắc như chính mình được trải nghiệm cảnh đời thật, việc thật của người dân miền Bắc Việt Nam. Từng thước phim quý giá gạn lọc và chắt chiu những khoảnh khắc giao thoa cực kỳ quyến rũ và tươi đẹp của thiên nhiên và đất trời cùng với những hình ảnh sống động và giàu chất nhân văn trong những lễ hội cổ truyền; từng nốt nhạc nền ngọt ngào, êm dịu đi vào lòng người; từng lời bình mạch lạc, cô động và truyền cảm lúc thì chân chất, giản đơn, lúc thì lãng mạn bay bổng, lúc lại thâm trầm, sâu lắng dẫn dắt người xem đến với những mảnh đời thật muôn màu muôn vẻ, những danh lam thắng cảnh tuyệt vời của sông núi Việt Nam, hay là ngược dòng thời gian tìm về với một thời vàng son mang đậm dấu ấn lịch sử của người con Phật. Đến với Quê Hương Đất Việt, người xem không khỏi sững sờ và xao xuyến khi được chứng kiến bao cảnh đẹp hút hồn của non sông gấm vóc Việt Nam, cảm thấy phấn chấn và tự hào với những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời trải lòng và rung động với bao cảnh đời thăng trầm của người con đất Việt. Xin được điểm qua một vài chi tiết đặc sắc đáng nhớ trong vô số những danh lam thắng cảnh, những di tích cổ xưa, những phong tục tập quán cổ truyền cùng cuộc sống đời thực mà bộ phim ký sự này đã ghi nhận lại:
1. Mẫu Sơn là vùng núi cao có diện tích khoảng 550 km2 nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn. Vào mùa đông, mây mù giăng che bao phủ, những giọt băng ngưng đọng trên cành cây lung linh huyền ảo như những hạt cườm lấp lánh ánh bạc. Khi vạn vật cỏ cây phủ kín một màu trắng tinh khiết của băng tuyết, Mẫu Sơn trông xinh đẹp diệu kỳ như một nàng công chúa kiêu sa khoác trên mình chiếc áo màu trắng tinh khôi.
2. Nằm ở cửa ngỏ biên giới Việt- Trung, thác Bản Giốc ở Cao Bằng với độ cao 50m có một vẻ đẹp tràn đầy sinh khí, hòa hợp kỳ diệu với quang cảnh núi đồi chập chùng và vạn vật cỏ cây xanh tốt ở xung quanh. Thoạt trông, ta ngỡ như đang lạc vào chốn thiên thai trước màn lưới thác nước tầng tầng lớp lớp tung bọt trắng xóa giữa chốn thiên nhiên tươi đẹp ngút ngàn.
3. Được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” vào ngày 29-12-2012, hồ Ba Bể với diện tích bề mặt 5km2 ở Bắc Kạn là hồ thiên nhiên lớn nhất Việt Nam có hơn 50 loài cá nước ngọt sinh sống. Nằm trên lưng chừng vùng núi đá vôi có niên đại trên 450 triệu năm, hồ Ba Bể là một bức tranh sơn thủy hữu tình và thơ mộng. Trên cao là nền trời xanh biếc bồng bềnh những đám mây trắng lững lờ trôi, xung quanh là núi rừng xanh ngắt chập chùng, hồ Ba Bể mênh mông bát ngát một màu xanh ngọc bích. Ngắm nhìn dòng chảy hiền hòa tĩnh lặng giữa những dãy núi nhấp nhô, mờ ảo và cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, bao ưu tư não phiền của kiếp hồng trần tan biến đi lúc nào không biết.
4. Ở độ cao 1600 m so với mặt nước biển, thị trấn vùng cao Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai là một nơi nghỉ mát thơ mộng và lý tưởng của đông đảo du khách phương xa. Nằm gọn trong lòng dãy núi Hoàng Liên Sơn, Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Núi cao ngút ngàn, cỏ cây xanh thắm, gió reo vi vu, suối chảy róc rách, Sa Pa nhỏ bé không nhuốm màu thời gian, nhẹ nhàng như gió cuốn, quả là một kỳ quan tuyệt diệu mà tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho đất nước Việt Nam.
5. Từng được Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi mệnh danh là "kỳ quan đất dựng giữa trời cao", vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh là một thiên đường hạ giới mà tạo hóa đã dày công kiến tạo. Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thủy mặc khổng lồ vô cùng sống động, nên thơ. Đi giữa vịnh Hạ Long, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá: đảo thì giống hình một khuôn mặt người đang đứng hướng về đất liền (hòn đầu người); đảo thì giống như một con rồng bay lượn trên mặt nước (hòn Rồng); đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá (hòn Ông Lã Vọng); đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như đang cúng tế trời đất (hòn Lư Hương) v.v... Tóm lại, 775 đảo đá với muôn hình dáng vẻ khác nhau dệt thành mạng lưới mạn đà la tuyệt đẹp giữa đại dương mênh mông.
Không chỉ những biến đổi của những đảo đá màu xanh đen trên mặt nước biếc vùng Vịnh hấp dẫn du khách, mà sau khi lên đảo, du khách còn được tận hưởng cảnh quan kỳ thú của những hang động được kiến tạo từ 11 ngàn năm đến 2 triệu năm trước. Chẳng hạn, đến với động Thiên Cung, chúng ta sẽ choáng ngộp bởi vẻ đẹp huyền ảo muôn màu muôn sắc: vách động cao và thẳng đứng được bao bọc bởi những nhũ đá có nhiều hình thù kỳ lạ, ngoạn mục; những khối điêu khắc thiên nhiên ấy có đường nét mềm mại, uyển chuyển và tinh xảo cùng những gam màu lung linh, tuyệt diệu lúc thì rạng rỡ, sáng chói; lúc lại huyền ảo mộng mơ. Đây quả là một cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên. Thế nên, vào năm 1994 vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
6. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, núi Yên Tử hiện vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử nên được mệnh danh là "Đất Tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ, núi rừng Yên Tử trùng trùng điệp điệp bát ngát một màu xanh thắm ngút ngàn.
Đến với Yên Tử là đến với hào khí ngất trời của vùng địa linh nhân kiệt vang danh trong trang sử Việt. Tục truyền xưa kia vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi tìm đến cõi Phật thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trải qua hơn 700 năm, non thiêng Yên Tử vẫn còn lưu giữ bao thắng tích của Phật giáo Việt Nam như suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng, Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng độ sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.
7. Được ca tụng là “Nam thiên đệ nhất động”, động Hương Tích của Khu du lịch quốc gia Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là một thắng cảnh tuyệt vời trông như dáng vẻ con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Trong động có pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, Đụn Tiền, Núi Cậu, Núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,... Đây thật là chốn bồng lai tiên cảnh được truyền tụng từng là nơi hiển linh của Quán Thế Âm Bồ tát. Thế nên, lễ hội chùa Hương kéo dài hơn 3 tháng luôn thu hút đông đảo khách thập phương. Vào mùa hội tháng giêng, tháng hai hàng năm, động Hương Tích xanh um được bao phủ bởi màn khói hương mờ mờ ảo ảo và rì rào những âm thanh hỗn hợp trầm trầm của khách hành hương.
8. Là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ qua, Chùa Vĩnh Nghiêm ở tỉnh Bắc Giang đào tạo Tăng đồ cho cả nước, đồng thời là nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028). Đến thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), chùa đều có các vị cao Tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Hiện tại, chùa đang bảo lưu kho mộc bản kinh Phật đồ sộ bậc nhất Việt Nam với 3.050 bản khắc gỗ gồm có: Kinh Hoa Nghiêm, kinh Di Đà, Tỳ kheo Ni giới kinh v.v… Do làm tốt công tác bảo tồn, Chùa Vĩnh Nghiêm gần như vẫn còn giữ nguyên dáng vẻ thuở ban đầu, là một viên ngọc sáng trong các chùa cổ Việt Nam.
9. Cứ vào ngày 12, 13 tháng Giêng hàng năm, Hội Lim ở Bắc Ninh, lễ hội đặc sắc vùng Quan họ, thu hút đông đảo du khách gần xa nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội. Đồi Lim – trung tâm lễ hội tưng bừng với các lán hát Quan họ và các trò chơi dân gian. Các trò vui dân gian luôn thu hút đông người nhưng ở Hội Lim, điều đáng say mê, náo nức hơn cả vẫn là điệu hát Quan họ. Hồ hởi trao tặng miếng trầu têm cánh phượng, các liền chị mớ bảy mớ ba trông thật dịu dàng, duyên dáng. Các liền anh, liền chị sở tại rong thuyền rồng hát Quan họ phục vụ du khách thập phương. Tất cả tạo nên một không gian văn hoá riêng có của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.
10. Nép mình vào núi, làng nghề Văn Lâm thuộc tỉnh Ninh Bình được coi là cái nôi của nghề thêu truyền thống lâu đời của nước ta. Theo sử sách, nghề thêu Văn Lâm được biết đến từ 700 năm về trước. Những tấm lụa thêu mượt mà, óng ả hiện diện tại chốn cung đình hay trong các dinh thự sang trọng như một niềm kiêu hãnh của cuộc sống phú quý, giàu sang. Với những miếng vải đủ màu sắc cùng những sợi chỉ mảnh mai, người thợ thêu ren Văn Lâm đã làm nên những sản phẩm khéo léo và phong phú về chủng loại, từ ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn ăn, khăn tay đến các loại tranh, ảnh… Chiếm được niềm tin yêu của đông đảo khách hàng, sản phẩm của làng nghề Văn Lâm hiện không chỉ có mặt trên thị trường trong nước mà còn đến với thị trường của nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn, Italia, Pháp, Đan Mạch …
Tóm lại, Quê Hương Đất Việt là một bộ phim ký sự có giá trị cao cả về nghệ thuật lẫn nội dung, ghi lại bao nét đẹp của con người và đất nước Việt Nam. Đây là một công trình nghệ thuật vị nhân sinh thấm đượm bao tâm huyết yêu đời, yêu người, chỉ muốn làm lợi ích cho chúng sanh của chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp. Chúng tôi xin giới thiệu quý Phật tử gần xa thưởng lãm đĩa DVD ký sự Quê Hương Đất Việt hiện có tại các phòng phát hành chi nhánh chùa Hoằng Pháp để tất cả cùng trải nghiệm, cùng thấu cảm và cùng xao xuyến trước những vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên và của tâm hồn người con đất Việt.
Giác Đoan