Giới định tuệ, nền tảng của an lạc và giải thoát
Do vậy, ba pháp này là nơi phát sinh ra mọi công đức, cũng như mang lại an lạc và Niết-bàn cho hành giả. Như cái kiềng ba chân, thiếu một thì không thể trụ được. Là người tu theo giáo pháp của Phật đà, cần phải lưu tâm vào Tam vô lậu học, để có nhiều sự thăng hoa trên lộ trình tìm về bến giác.
Nước trong bốn biển chỉ một vị mặn, giáo pháp của Phật thuần một hương vị – vị giải thoát. Tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh, mà có mỗi pháp môn tu tập cho phù hợp. Chúng sanh đa bệnh, Phật pháp đa phương, vì thế có đến tám mươi bốn ngàn pháp môn. Tùy mỗi loại chúng sanh, trạch pháp để tu tập, với mục đích chuyển hóa nội tâm, dứt trừ phiền não khổ đau, chứng nhập Niết-bàn an lạc.
Một con đường chân chánh Thế Tôn đã chỉ bày, do chính Ngài là bậc đạo sư. Ngài đã đi qua, giờ truyền trao lại cho chúng sanh. Trong kinh Pháp Cú, kệ 183, Như Lai dạy:
“Không làm mọi điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Tâm ý giữ trong sạch
Chính lời chư Phật dạy”.
Đấy cũng chính là đại ý Phật pháp mà ngài Ô Sào thiền sư dạy cho Bạch Cư Dị. Thế nhưng, muốn dứt trừ điều ác, thành tựu các hạnh lành, và giữ tâm ý trong sạch thì hành giả phải dựa vào Tam vô lậu học – giới, định, tuệ. Vì thế, trong kinh Tăng Chi Bộ 1, chương 3, phẩm Hạt Muối, phần Cấp Thiết, đức Phật chỉ rõ:
“Một thời, Thế Tôn trú tại Kasala, dạy các Tỳ-kheo có ba việc cấp thiết, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng. Sau khi mau lẹ khéo cày, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỳ-kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông dân gia chủ cần phải làm.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỳ-kheo cần phải làm. Thế nào là ba? Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng định học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỳ-kheo, cần phải làm. Do vậy, này các Tỳ-kheo, cần phải học tập như sau: sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học; sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng định học; sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học. Như vậy, này các Tỳ-kheo, các Thầy cần phải học tập”.
Người nông phu muốn mùa màng bội thu, cần làm ba việc cày ruộng, gieo hạt và dẫn nước – yếu tố quan trọng để cây lúa tươi tốt và cho thu hoạch cao, mang lại lợi nhuận cho người trồng trọt. Cũng vậy, hành giả tu Phật, muốn an lạc hạnh phúc, giác ngộ giải thoát, cần chú trọng ba môn giới, định, tuệ – nền tảng của sự tu tập.
Khi nói về giới, trong kinh Di Giáo, Thế Tôn dạy: “Các Thầy Tỳ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các Thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức Thầy cao cả của các Thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy. Giới thì chính thuận và là căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định và trí tuệ, có năng lực hủy diệt thống khổ. Thế nên, các thầy Tỳ-kheo, hãy giữ tịnh giới, đừng cho vi phạm, thiếu sót. Ai giữ tịnh giới thì người đó có thiện pháp, không có tịnh giới thì mọi thứ công đức không thể phát sinh. Do đó mà biết, tịnh giới là chỗ yên ổn nhất, làm nơi trú ẩn cho mọi thứ công đức”.
Và khi nói về định, Phật lại dạy tiếp: “Các thầy Tỳ-kheo, tập trung tâm lại thì tâm sẽ ở trong thiền định. Tâm ở trong thiền định thì có thể thấu triệt trạng thái chuyển biến của vũ trụ. Vì thế mà các thầy phải luôn luôn tinh tấn thiền định. Thiền định được thì tâm hết tán loạn. Tiếc nước thì phải đắp đê, sửa bờ cho khéo. Hành giả hãy vì nước trí tuệ mà thực tập thiền định để giữ nước khỏi chảy mất. Đó là hạnh thiền định”.
Và khi thuyết minh về trí tuệ, Thế Tôn dạy: “Các thầy Tỳ-kheo, có trí tuệ thì hết đam mê, luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi. Có thể có được như thể là trong chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát. Không như thế thì không phải xuất gia, lại không phải thế tục, không còn biết gọi là gì? Trí tuệ chân thật là chiếc thuyền chắc nhất vượt biển sinh lão bệnh tử, là ngọn đèn sáng nhất đối với hắc ám vô minh, là thần dược cho mọi bệnh tật, là búa sắt chặt cây phiền não. Vì thế mà các thầy hãy dùng cái tuệ văn – tư – tu để tự tăng tiến lợi ích. Có trí tuệ soi chiếu thì dầu mắt thịt cũng vẫn là kẻ thấy rõ nhất. Đó là hạnh trí tuệ”.
Hành giả dù tu bất kỳ pháp môn nào: Tịnh Độ tông, Pháp Hoa tông, Thiên Thai tông, Mật tông, Thiền tông… cũng không thể bỏ qua giới, định, tuệ. Ba môn này là đạo lộ giúp hành giả an lạc và giải thoát – một lối đi chung cho tất cả người tu hành xuất gia lẫn tại gia. Giới, định, tuệ là phương tiện cứu cánh – chiếc thuyền đưa hành giả từ sông mê lên bờ giác. Rời ba môn này thì sự nghiệp tu hành không thể thành tựu. Giới, định, tuệ luôn đi chung, không thể tách rời, giống như thiếu nước, thiếu lửa, củi thì gạo không thể nấu thành cơm.
Đức Phật đã chỉ bày rất rõ về công thức, lợi ích, công đức của giới, định, tuệ, hành giả cần nỗ lực tinh tấn thực hành theo, thì nhất định đạt được kết quả tốt đẹp. Giới, định, tuệ phản ánh đời sống tu hành của một hành giả. Nhìn vào ba thứ này, sẽ thể hiện được phạm hạnh, đạo đức của người tu.
Tóm lại, giới, định, tuệ là pháp môn vi diệu bậc nhất trên lộ trình tu học của hành giả, là chỗ nương tựa vững chắc, nền tảng kiên cố cho tường thành công đức. Do vậy, hành giả tu Phật, ở bất kỳ tông phái nào, cũng luôn lấy giới, định, tuệ làm kim chỉ nam trong đời sống hằng ngày. Dùng giới, định, tuệ soi sáng cho thân, khẩu, ý, có được chánh niệm vững chãi, thảnh thơi và an lạc.
Trau dồi giới, định, tuệ để dứt trừ vô minh, cây Bồ-đề sẽ sớm nở hoa, kết quả. Vì có giới, định, tuệ sẽ có được giải thoát và Niết-bàn. Do vậy, kinh điển Thế Tôn để lại rất nhiều nhưng tựu trung lại vẫn không ra ngoài giới, định, tuệ, vì ba thứ này là nền móng cho tòa nhà giác ngộ.
Tâm Mãn