Bài viết

Giới

Cập nhật: 06/01/2020
Trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: “Tỳ-kheo các ông! Sau khi Ta nhập diệt, phải tôn trọng quý kính Ba-la-đề-mộc-xoa (giới luật), như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu, và phải xem giới luật là Thầy vậy”. Như trong kinh Phạm Võng Bồ-Tát Giới có câu:
 

Giới

 

“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tăm tối
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp”
.

Giới luật là gì? Giới luật là nguồn cội của đạo Phật. Giới còn thì đạo Phật còn, giới mất thì đạo Phật mất. Giới ví như bức tường để ngăn các nẻo phóng tâm, chẳng cho lục trần thâm nhập. Có giới mới phân biệt được nẻo chánh đường tà. Có giới mới có sự an vui hoàn hảo, và nhờ giới, mới làm cho con người được hoàn toàn tiến bộ. Chính vì lẽ đó, mà đức Phật mới răn dạy chúng ta phải biết nghiêm trì giới luật, dù cho Ngài đang tại thế hoặc không trụ thế. Đức Phật còn dạy rằng: “Người nào sống không giới luật, tuy ở gần Ta mà cũng như cách xa Ta muôn dặm. Người nào sống có giới luật, tuy ở xa Ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên”.  

Do đó, ta có thể thấy được Ba-la-đề-mộc-xoa quan trọng và thù thắng như vậy. Đạo Phật hưng thịnh hay suy, đều không ngoài phạm vi của giới luật. Ngày nay, trên bước đường học đạo, hành giả chúng ta gặp rất nhiều khó khăn và dần chán nản, thường có suy nghĩ rằng mình sinh vào đời mạt pháp. Nhưng sao gọi là mạt pháp được khi nhân quả vẫn tồn tại, giáo lý của Phật vẫn ban rải và nhu cầu sinh tồn của muôn loài vẫn sống hoài thì sao gọi là mạt? Mà cái mạt đó tùy thuộc vào cử chỉ, hành động, lời nói và tứ oai nghi của chúng ta có ngược lại với chánh pháp hay không, có nghiêm trì giới luật hay không. Nếu có thì đó là người mạt chứ pháp của Phật không thể mạt được. Cho nên, lời dạy của đức Thế Tôn “lấy giới luật làm Thầy” đã vượt không gian và thời gian để tồn tại đến ngày nay. Vì vậy, đức Thế Tôn luôn nhắc nhở rằng: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn, giới luật mất là Phật pháp mất”

Bởi thế, Ngài chế giới ra không phải bắt đệ tử phải hành trì, mà nhằm mục đích ngăn ngừa và không cho phạm lỗi, để tinh tấn tu học, và nói lên rằng con đường giải thoát duy nhất của người xuất gia không gì khác hơn ngoài giới - định - tuệ. Trong đó, giới là bước đi đầu tiên, là thềm thang hướng đến Niết-bàn an lạc. Chính vì lẽ đó, mà giới luật là nơi nương tựa an ổn nhất của người học Phật. Ngày nay, nhiều Tăng Ni trẻ ham dạo chơi với đời, không còn giữ gìn giới luật, không hành tứ oai nghi mà thay vào đó là buông bỏ tâm mình để tâm phóng túng, dần dần trở nên cách xa đạo và cách xa con đường giác ngộ mà ta đang đi, quên mất bổn phận và chí nguyện xuất trần của mình là gì, và cứ đắm chìm mãi trong vòng sinh tử luân hồi.                      

Như vậy, người xuất gia, điều cần thiết nhất là phải nghiêm trì tịnh giới, nỗ lực tinh tấn không ngừng, trau dồi giới đức vì giới là cội gốc, là nền tảng Niết-bàn, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là phao nổi để đưa người qua biển khổ sinh tử, và cuối cùng là kho tàng công đức.                               

Tóm lại, muốn chánh pháp tồn tại lâu dài và truyền bá được rộng rãi, thì các hành giả của Như Lai phải biết tùy căn cơ, thời đại và hoàn cảnh, mà áp dụng giới luật để hành trì, miễn sao cùng chung một đích đến đó là giác ngộ giải thoát. Nghiêm trì giới luật và tinh tấn tu học, đó là điều quý báu nhất.              

Tâm Kiến

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024