Bài viết

Giờ con đã hiểu

Cập nhật: 12/05/2018
Trong vô ngần đề tài viết về đời, về đạo, con vẫn lựa chọn cho mình một đề tài rất đỗi quen thuộc tưởng chừng như hư cũ nhưng với con, viết về Thầy và tình Thầy trò là điều luôn mới mẻ mà con luôn ấp ủ bởi lẽ nó được gây dựng nên từ sự thật của một đời người và những cảm xúc chân thật khi con được sống bên Thầy, được học theo Thầy từ những điều bình dị nhất.
 

Giờ con đã hiểu

 

Biết và hiểu là hai mức độ nhận thức khác nhau của con người trước các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống cũng như là cách để nhận thức về con người trong xã hội. Thế nhưng, hiểu là một mức độ nhận thức cao hơn bởi lẽ chúng ta có thể dễ dàng biết được một con người với những hình thức qua nhân dáng, biểu hiện, hành động nhưng để hiểu được tâm tư, tình cảm, ý nghĩa của những hình thức đó thì đòi hỏi phải có sự trải nghiệm để trưởng thành trong nhận thức, trong tư duy của mình. Cũng vậy, đã hơn mười năm qua kể từ khi con được Thầy thế phát xuất gia, chính thức bước vào hàng ngũ Tăng già mang trong mình sứ mệnh cao cả mà Như lai đã phó chúc qua từng lời dạy của Thầy, con dần trưởng thành hơn trong tình thương mà Thầy đã dành cho chúng con. Để rồi trong trong giờ phút hiện tại này, con đã thấu hiểu và tôn kính vô ngần với tất cả những điều Thầy nghĩ, tất cả những lời Thầy dạy và tất cả những việc Thầy làm đều là vì tương lai của chúng con, tương lai của đạo pháp – Người Thầy vô cùng đáng kính. Thời gian có lẽ là một thứ gì đó xa xỉ vì nó cứ thấm thoát trôi nhanh như thoi đưa mà chẳng đợi chờ hay níu kéo những gì từ vô thức, để rồi chợt nhìn lại đời người thì chẳng mấy chốc tuổi Thầy đã lớn dần cùng với những vết nhăn hằn trên vầng trán cao chất chứa nhiều niềm tin vào tương lai của đạo pháp. Mốc son đánh dấu ngày Thầy xuất gia là khi Thầy vừa 15 tuổi, cái tuổi còn có nhiều ước mơ, hoài bảo và khát vọng nhưng Thầy đã lựa chọn bước đi theo Phật Đà là mục tiêu, lý tưởng của đời người. Năm nay, người Thầy đáng kính của chúng con đã 60 tuổi đời với 45 năm tu đạo. Có lẽ với người thế tục, việc Thầy xuất gia tu học khi còn khá trẻ tuổi và không có con cái là một việc đi ngược với tạo hóa nhưng với chúng con, Thầy đã đi trên một con đường hướng thượng, hướng đến mục tiêu, chân lý giác ngộ của Đấng Phật Đà, và lại nữa, Thầy không có vợ nhưng có đến hàng trăm người con như chúng con – những người đệ tử quy ngưỡng, xuất gia và sẵn sàng noi theo tấm gương, hoàn thành sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Đối với con, khoảng thời gian được sống bên Thầy, dù chỉ vẻn vẹn hơn mười năm nhưng đây không phải là nhiều cho chúng con để tu tập theo những lời dạy của Thầy nhưng cũng không phải là quá ít để con có thể hiểu hơn về Thầy với một phong cách sống đầy giá trị mà con có thể học được.

Trước hết, điều con kính phục ở Thầy là một tấm gương về phong cách sống giản dị nhưng mang phẩm chất cao quý của một bậc tôn túc. Mọi người luôn quan niệm rằng với cương vị của một vị trụ trì, lẽ ra vị ấy phải được trang bị những phương tiện hiện đại hơn, tốt hơn cho cuộc sống hằng ngày so với các Tu sĩ khác để tạo nên sự khác biệt. Thế nhưng ở Thầy con, dường như những thứ xa xỉ ấy không thật sự là cần thiết để tạo nên uy quyền hay uy thế của một người dẫn đầu trong Tăng chúng chùa Hoằng Pháp bởi lẽ tất cả những gì Thầy cần chỉ là một điều kiện rất đỗi bình thường như bất kỳ một Tăng sĩ nào trong Tăng chúng. Vẫn đôi dép sờn màu vì đã cũ theo thời gian cùng năm tháng, vẫn những chiếc áo quần bằng vải bố thô sơ nhưng hỡi ơi sao thân thương mà bình dị quá. Trong khi đó, chúng con – những vị đệ tử của Thầy luôn được chăm chút từ những trang phục tốt hơn rất nhiều lần. Và đặc biệt hơn, những lúc được vào phòng Thầy là những khi con tự nhủ với lòng mình rằng liệu con có thể làm được như thế bởi lẽ, căn phòng ấy đơn sơ và bình dị đến lạ. Mặc dù không được trang bị ti vi, máy lạnh, tủ lạnh hay các phương tiện hiện đại khác mà ở đó chỉ với một chiếc bàn học và một chiếc ghế bằng gỗ loang lỗ nhiều vết vì cũ, một chiếc đơn nhỏ để nghỉ ngơi, một kệ để kinh sách và một chiếc quạt mà thôi nhưng cũng đủ để nhận ra sự bình dị và giản đơn của Thầy. Chỉ với những thứ ấy, Thầy vẫn sống an lạc, chan hòa cùng đại chúng và hoàn thành các công việc Phật sự trong quá trình hoằng pháp của mình. Và lại nữa, trong cuộc sống thường nhật, Thầy luôn hòa nhập với đại chúng, lúc nào cũng thọ trai cùng đại chúng mà ít khi bỏ bữa hay ăn riêng trừ khi bận công việc Phật sự hoặc do thân bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe mà thôi. Đại chúng ăn món nào, Thầy sẽ cùng ăn món đó mà không có bất kỳ một sự phân biệt hay đặc cách riêng nào cho bản thân mình để tỏ ra một sự uy nghi của một vị đứng đầu trong tự viện. Con chợt hiểu ra rằng chỉ với những cử chỉ, hành động nhỏ như thế thôi nhưng lại là một tấm gương sáng cho việc nương theo Đại chúng tu tập như lời dạy của Đức Phật về pháp “Lục hòa” bởi lẽ tuy mỗi người, bản thân có sự khác biệt về huyết thống cha mẹ sanh ra, thế nhưng nay đã cùng nhận thức được và từng bước tu tập theo Đấng Phật Đà đồng nghĩa với việc trở thành những người đồng hành trên con đường xây dựng một cuộc sống chân, thiện, mỹ.

Bấy nhiêu đấy cũng chưa là đủ để hiểu về Thầy bởi lẽ dường như tình thương của Thầy đối với các đệ tử chúng con là thiêng liêng, bao la mà không ngằn mé. Không phải là nói quá khi nhận xét rằng mọi ngôn ngữ, hình thức hiện hữu trong cuộc sống này chỉ là một chiếc túi rách, một vỏ bọc không đáy nên không bao giờ đong đầy, chứa hết tình cảm mà Thầy đã dành cho chúng con. Thầy thế gian đã là cao quý vì cho chúng ta biết chữ nghĩa, dạy chúng ta cách làm việc, nuôi sống thân mạng nhưng Bậc Thầy xuất thế còn cao cả hơn khi chỉ dạy chúng ta con đường tu tập vượt thắng khỏi mọi ưu não, phiền muộn trên cuộc đời đầy cạm bẫy, nguy nan, giúp ta nuôi dưỡng thân huệ mạng này. Đây chắc hẳn là những câu nói suông mà ai được học tập đạo Phật đều có thể nói được nhưng với con, chỉ có sự cảm nhận thật sự về những việc mà Thầy đã làm thì mới có thể hiểu trọn vẹn câu nói ấy.

Nhớ lại thời điểm trước khi xuất gia, một trong số những câu chuyện được chúng con thường nhắc đến là nếu xuất gia với một thầy bổn sư là người miền Bắc thì thật sự là khó bởi lẽ trong tâm trí những người trẻ chúng con vẫn còn đọng lại như in hình ảnh những chú tiểu miền Bắc khi xuất gia phải chịu sự quản giáo nghiêm khắc của quý Thầy bổn sư và những trận đòn roi, quát mắng sau những lần nghịch phá,… Nhưng tất cả những tư tưởng ấy đều tan biến sau khi chúng con được xuất gia với Thầy vì một lẽ đơn giản rằng Thầy hoàn toàn trái ngược với những gì đã từng hiện hữu trong tâm tưởng của chúng con. Mặc dù là người có nguồn gốc ở miền Bắc nhưng trong khoảng thời gian hơn mười năm qua con sinh hoạt, học tập tại chùa Hoằng Pháp, con chưa bao giờ nhìn thấy ở Thầy có những cách cư xử ấy dù một lần. Thay vào đó, Thầy như người cha hiền dìu dắt, chăm sóc chúng con từng việc nhỏ từ công phu, tu tập đến hành trì giữ giới qua những lời dạy sau những buổi ăn sáng, thọ trai hay những buổi họp chúng. Con vẫn nhớ như in rằng sau những khi đi Phật sự ở nước ngoài, Thầy luôn không quên mang về cho đệ tử chúng con những món quà nhỏ từ kẹo chocolate cho đến kẹo dẻo,... để làm quà. Những viên kẹo ấy tuy nhỏ nhưng chất chứa biết bao nhiêu là tình yêu thương mà Thầy dành cho chúng con, tình yêu ấy vững chãi như người cha hiền dành hết tình cảm cho những đứa con nhỏ đang chờ chốn quê nhà. Trong cách xưng hô, Thầy chưa bao giờ gọi đệ tử của mình là “con” để thể hiện sự phân biệt về tư tưởng cao thấp, bậc trên mà thay vào đó là tiếng gọi bằng “chú” đối với các chú Sa di, hành điệu hoặc bằng “Thầy” đối với quý Thầy Tỳ kheo, điều này thể hiện tánh bình đẳng giữa Thầy và các tu sĩ trong Tăng chúng. Chính việc nhỏ ấy thôi nhưng cũng đủ để nhận ra rằng tính chất khiêm cung, khiêm hạ của Thầy và ở đó càng tạo cho chúng con một sự tín phục, bởi lẽ đây là một đức tính vô cùng đáng kính. Hơn thế, với chúng con, Thầy chưa bao giờ nặng lời, lớn tiếng hay quát mắng đệ tử của mình mà luôn dùng lời lẽ ôn tồn, nhỏ nhẹ để nhắc nhở mặc dù nhiều lần chúng con có những hành động, cử chỉ làm Thầy phiền muộn, bao nhiêu năm đã trôi qua và Thầy vẫn như thế. Qua đó, chúng con học được bài học về tình yêu thương đối với mọi người trong quá trình truyền đạt giáo lý của Đức Phật cũng như con đường hoằng pháp của mình.

Lại nữa, như những bậc cha mẹ sinh con ra, nuôi con khôn lớn cho đến khi trưởng thành, cha mẹ lại lo dựng vợ, gả chồng và tạo nền tảng, xây đắp tương lai để con tiếp tục một cuộc hành trình giữa đời người, sinh con và chăm sóc con cái. Ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào con đường tu Phật, Thầy nuôi dưỡng, chăm sóc chúng con với đầy đủ các phương tiện như y phục, vật thực, thuốc thang,…; cho chúng con được đi học giáo lý từ sơ cấp Phật học, đến Trung cấp, Cao đẳng, Học viện Phật giáo,… và bồi dưỡng thêm các kiến thức thế học để làm phương tiện hoằng pháp lợi sanh. Cho đến khi chúng con được trưởng dưỡng trong dòng pháp nhủ của Như Lai và thật sự vững tâm, vững lòng với đạo pháp, Thầy lại bắt đầu bận lòng lo lắng cho tương lai của chúng con, từ việc lựa chọn nơi đâu là phù hợp cho việc làm Phật sự đến công tác tạo lập, xây dựng chùa cho chúng con để phục vụ cho công việc hoằng pháp, thực hiện sứ mệnh của người đệ tử Như Lai. Khi ấy, mặc dù trên trán và mi mắt Thầy đã xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn những vết chân chim nhưng có lẽ trong Thầy luôn có một niềm vui trong từng phút giây tỉnh thức để nhận ra rằng những người đệ tử của mình nay đã trưởng thành và chính chắn hơn trên con đường xây dựng đạo pháp như Thầy đã từng kỳ vọng. Và niềm tin ấy của Thầy đã được đáp lại từ sự phấn đấu, nỗ lực của một số chư Huynh đệ bởi lẽ không có gì đáng mừng vì hiện nay có rất nhiều chi nhánh của Chùa Hoằng Pháp được xây dựng, hoàn thiện và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đông đảo Phật tử trong cả nước; hơn thế, các chi nhánh của Chùa Hoằng pháp ở nước ngoài dần được hình thành và phát triển như chi nhánh ở Campodia, Mỹ, Hàn Quốc, Úc Châu,… Thành tựu ấy là kết quả của sự phấn đấu không ngừng từ Thầy và một số chư huynh đệ trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Mặc dù bản thân con chưa cống hiến được nhiều cho đạo pháp, nhưng với những thành quả trên của đại chúng, con thật sự cảm thấy vui vì rằng với con, khi tu tập cùng đại chúng, niềm vui của đại chúng cũng là niềm vui của chính mình.

Có lẽ với ai đó trong xã hội hay khi đã xuất gia, tu học Phật pháp, việc bỏ qua những lỗi lầm của người khác mà không có một chút gì phân biệt trong tâm sẽ là rất khó, đặc biệt là khi người gây ra những lỗi lầm là người mà mình thật sự tin tưởng, kỳ vọng, yêu thương và chính mình lại là người chịu sự tác động, ảnh hưởng nhiều nhất từ nhưng lỗi lầm ấy. Nhưng với Thầy là hoàn toàn ngược lại bởi lẽ trước những sự sai trái và phiền muộn mà chúng con đã mang đến cho Thầy, dường như sự bao dung của Thầy là không có hạn lượng. Thật diễm phúc thay cho chúng con khi được tu học trong một môi trường hết sức thuận lợi, không thiếu thốn về mặt vật chất, được thọ giới tại giới đàn trang nghiêm, thanh tịnh nhưng chúng con thật sự hổ thẹn, xấu hổ bội phần vì có một số sư huynh đệ chưa biết trân trọng điều này, không lo việc học hành mà vi phạm nhiều điều không tốt, thậm chí đánh đổi cả việc kết thúc chặng đường tu bao năm qua của mình. Hơn thế nữa, trong khi Thầy đã tích góp kinh phí đóng góp của đại chúng để mở rộng đất đai chi nhánh của chùa nhưng một số chư huynh đệ đã sử dụng vào các mục đích riêng, gây tổn thất rất nhiều đến phước điền Tam Bảo của đại chúng. Những khi chúng con có nhiều sai quấy như thế, con chưa bao giờ nhìn thấy ở Thầy một sự sân giận hay những lời oán trách mà thay vào đó là một sự im lặng ẩn chứa nỗi niềm sâu thẫm trên đôi mắt của Thầy. Nỗi niềm ấy là sự lo lắng cho những hậu quả mà những con ngỗ nghịch, đáng trách này phải gánh chịu sau này vì lý nhân quả, nghiệp báo vẫn đành rành như bóng không rời hình, như xe chân vật kéo và liệu rằng tương lai của những đệ tử ấy sẽ ra sao khi vẫn tiếp tục cách hành xử ấy, với tính cách ấy, lạc lõng, chơ vơ giữa dòng đời đầy cạm bẫy. Làm sao có thể biết trước được chữ ngờ bởi lẽ “cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”, nhưng Thầy đã đối diện với nó bằng một sự từ bi vô hạn như Đức Phật đã dạy: “Với hận diệt hận thù – Đời này không có được – Không hận diệt hận thù – Là định luật ngàn thu” (Kinh Pháp cú số 05 – Phẩm Song Yếu).

Bên cạnh đó, một số chư huynh đệ do chưa hiểu được tình cảm của Thầy dành cho mình, nghĩ mình “học rộng, tài cao” nên thường khinh khi người khác, xem thường Thầy rồi buông ra những lời lẽ không hay, thậm chí bịa đặt, nói xấu Thầy với mọi người nhằm công kích, hạ thấp danh dự, uy tín của Thầy, làm ảnh hưởng đến những vị chưa có dịp tiếp xúc, học tập với Thầy hoặc mới xuất gia tu học khi sanh tâm nghi hoặc, phỉ báng. Hơn thế, một số chư huynh đệ hoặc do vô minh, không hiểu biết; hoặc do sự lôi kéo của vật chất xa hoa phù phiếm; hoặc do sự kiêu hãnh “cái tôi”, “cái ta” quá lớn đến tai hại,… mà đã rời bỏ đại chúng, xa rời Thầy. Với những vị ấy, Thầy luôn mở rộng vòng tay để đón nhận trở về bằng tình yêu thương không ngằn mé, không hạn lượng mà không một lời trách móc, oán than. Tất cả đều xuất phát từ một lý rất đơn giản mà Thầy vẫn thường nhắc sau mỗi bữa ăn rằng Đức Phật từng nói: “Có hai hạng người đáng được khen ngợi là người không phạm lỗi lầm và người phạm lỗi lầm mà biết ăn năn sám hối”. Qua thời gian, con đã dần hiểu ra những gì mà Thầy đã làm, tất cả là vì chúng con mà chúng con như người ngu chẳng biết. Thầy đặt ra những quy định trong đại chúng để chúng con nương theo đó mà giữ gìn phạm hạnh, oai nghi nhưng khi phạm phải sai lầm thì chúng con lại trách móc Thầy tại sao lại đưa ra những quy định nghiêm khắc như thế. Chúng con đã rời bỏ Thầy chẳng chút hoài tâm tư niệm về những ân nghĩa mà Thầy đã trao cho chúng con. Để rồi Thầy vẫn đón nhận chúng con trở về mái già lam thân thương này khi chúng con chùn chân mỏi gối giữa dòng đời xuôi ngược. Và giờ đây, khi chợt nhìn lại, con vội trách mình sao đến bây giờ mới hiểu được một cách sâu sắc, vẹn tròn về những tâm tư, nỗi niềm của Thầy từ sâu tận tâm thức. Phải chăng khi ở tuổi 30 của đời người với hơn 10 năm gắn bó cạnh Thầy con mới mới chợt nhận ra những điều bình dị ấy bởi lẽ mỗi một giai đoạn trong cuộc đời là một sự trưởng thành trong nhận thức và khi sống với giây phút hiện tại, so với thời gian khi mới xuất gia, thọ giới Sa di, con thật sự tư duy, chiêm nghiệm về những chặng đường tu đã qua, dần trưởng thành và chính chắn hơn. Có lẽ qua thời gian, con đã hiểu nhiều hơn, cảm nhiều hơn về tình Thầy để rồi tự nhủ với lòng mình về việc học tập từ quý Thầy, ý thức hơn về nhiệm vụ và bản hoài người xuất gia.

Thế đấy, tình yêu thương của Thầy dành cho chúng con thật sự vẹn tròn từ khi chúng con bắt đầu được sinh ra trong đạo pháp, được thế phát xuất gia với Thầy cho đến khi chúng con trưởng thành hơn trong nhận thức. Thế nhưng, mặc dù trong suốt chặng đường ấy, chúng con đã gây ra cho Thầy biết bao là lo toan, phiền muộn nhưng Thầy chưa một lời than vãn, oán trách. Và con nghĩ rằng, tình thương ấy của Thầy vẫn còn chảy tràn, chảy tràn như suối thác mãi không ngừng để rồi trở thành điểm tựa, là cội nguồn cho chúng con về nương tựa. Dù biết rằng thời gian vẫn cứ trôi nhanh như lý vô thường sanh diệt vẫn cứ tiếp diễn nhưng chúng con vẫn mong Thầy có thật nhiều sức khỏe, cửu trụ Ta bà để tiếp tục là ngọn đuốc sáng trong tâm thức chúng con, luôn dõi theo bước của chúng con trên con đường tu nhân học Phật và thực hiện sự nghiệp Hoằng pháp lợi sanh. Chắc hẳn sẽ có người nhận xét rằng tất cả những gì con viết về Thầy chỉ là hư ảo, không chân thật hay thậm chí là những lời nịnh nọt, giả tạo; thế nhưng, đối với con, lời nhận xét này dù đúng hay sai đã không còn quan trọng vì rằng đến tận bây giờ, điều mà con thật sự tự hào trong cuộc đời mình là đã tìm được và quy ngưỡng một bậc ân sư vẹn toàn như thế!

Tâm Nhuận

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023