Giảng lược kinh Pháp Cú - phần 4
Trong thời pháp thoại, Đại đức giảng giải kệ ngôn 364 thuộc phẩm “Tỳ Kheo” gồm hai phần: Duyên khởi đức Thế Tôn nói lên các kệ ngôn này; Chúng ta học hiểu kệ ngôn này như thế nào để ứng dụng vào đời sống đối với người xuất gia và tại gia.
Qua câu chuyện “Sự tinh tấn của Tỳ kheo Dhammārāma”, đức Phật nói lên bài kệ: “Vị tỳ kheo thích pháp/ Mến pháp, suy tư pháp/ Tâm tư niệm Chính pháp/ Không rời bỏ Chính pháp”. Vừa nghe xong, Tỳ kheo Dhammārāma phát khởi lòng tịnh tín bất động nơi giáo pháp, buông các phiền não liền chứng Thánh quả.
Chữ “Pháp” trong Chú giải kinh Pháp Cú có nghĩa: Thứ nhất, Pháp ở đây chỉ cho thiền chỉ và thiền quán. Thứ hai, Pháp là nơi trú ẩn của một vị Tỳ kheo trong 4 đề mục: thân, thọ, tâm và pháp. Thứ ba, Pháp của một vị Tỳ kheo luôn tưởng nhớ 37 phẩm trợ đạo và 9 pháp siêu thế (bốn Thánh đạo, bốn Thánh quả và Niết bàn).
“Tỳ kheo” trong Chú giải có nghĩa: Thứ nhất, Tỳ là phá, kheo là phiền não. Tỳ kheo là người có khả năng biết buông bỏ phiền não. Thứ hai, Tỳ kheo có ba nghĩa: bố ma (làm cho ác ma phải khiếp sợ); khất sĩ; phá ác (đoạn trừ phiền não). Thứ ba, người vô dục, không dính mắc trong danh sắc được gọi là Tỳ kheo. Thứ tư, Tỳ kheo cần thọ trì Tứ thanh tịnh giới và bốn thiền bảo hộ.
Chữ “Thiền” trong Chú giải có nghĩa: Thứ nhất, thiền là đốt cháy phiền não; Thứ hai, thiền là thức tỉnh năm thiền chi (có tầm, có tứ, có hỷ, có lạc và nhất tâm) để đối trị, đoạn trừ năm triền cái (hôn thụy, hoài nghi, sân hận, trạo hối và tham dục); Thứ ba, thiền là sự chấp nhận buông, để tu dưỡng - huấn luyện và kiểm soát tâm, làm phát khởi những phẩm chất tốt đẹp, tuệ giác - thanh tịnh và hòa hợp ngay nơi tự thân; Thứ tư, thiền có hai là “chỉ và quán”. Thiền chỉ, chỉ là sự dừng lại, tập trung tâm ý vào một đối tượng và nương theo hơi thở để dừng những vọng niệm dấy khởi trong tâm. Thiền quán, là sự chú tâm, quan sát; khi chú tâm lâu thì có niệm có định, và quan sát chính là tuệ. Khi có học hiểu lời Phật dạy, có sống chánh niệm thì tự nhiên chúng ta sẽ nhận ra các pháp hữu vi có sinh có diệt, là vô thường, khổ và vô ngã, nhân duyên có rồi lại mất – học Phật hiểu được như vậy là người có chánh kiến, hiểu biết đúng.
Bên cạnh đó, quý Thầy còn sách tấn quý Phật tử tinh thần tự học tu, giữ vững niềm tin nơi Tam bảo, sống phụng sự chân thật thì dễ buông, bởi khi chết là ta phải buông thôi! Qua kệ ngôn: “Vị tỳ kheo thích pháp/ Mến pháp, suy tư pháp/ Tâm tư niệm Chính pháp/ Không rời bỏ Chính pháp” cho chúng ta thấy được sự dụng tâm khôn khéo của vị Tỳ kheo Dhammārāma, biết thực hành giáo pháp là sự cúng dường cao thượng đến đức Thế Tôn. Cũng như vậy, mỗi chúng ta hãy tinh tấn học tu để tăng thượng giới, định, tuệ mỗi ngày cũng là cách tri ân, báo ơn đến thầy Tổ, đến Tam bảo.
Hình ảnh ghi nhận: