Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Đức tin
Cập nhật: 14/03/2020
Nền tảng của cuộc sống phải chăng nằm ở đức tin. Như vậy, đức tin được hiểu như thế nào trong đạo Phật?
Ngày nay, có rất nhiều Phật tử đến chùa lễ Phật, tụng kinh và làm công quả, ngõ hầu kiếm chút phước để bù lại những ngày bôn ba, vật lộn với cuộc sống, vì họ đã gieo rắc biết bao chủng tử xấu, làm đau khổ cho người cũng như các loài chúng sanh, vì vô tình hay cố ý. Đó là những người may mắn, có phước báu. Họ biết nhìn lại, biết sợ nhân quả. Thật là quý… Nhưng “ngựa chạy đường dài mới biết ngựa nào hay”. Người Phật tử mới vào chùa công quả, quý Thầy mừng và thương lắm. Vì sao, vì tương lai họ sẽ thành Phật, họ đang hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát. Họ tinh tấn tu hành và siêng năng công quả để tạo phước. Một thời gian sau, mọi chuyện đã thay đổi. Giờ họ cũng chẳng biết tội phước là gì nữa, không chịu tu hành, làm trái nội quy. Đôi khi, họ ở gần Phật mà không bao giờ thấy Phật. Vậy họ làm phước hay tạo thêm nghiệp đây…
Trong tất cả tôn giáo, hiển nhiên đức tin nắm giữ một vai trò thật quan trọng. Tuy nhiên, đức tin cần phải được xây dựng bằng những lý do chính đáng. Cổ đức nói rằng, sự hiểu biết và đức tin phải đi đôi và hỗ tương lẫn nhau. Thật vậy, Phật giáo xem đức tin là cần thiết, còn sự hiểu biết mang đến cho ta sự đổi mới về nhận thức, vì hiểu biết là nguồn gốc đưa đến sự giác ngộ. Song đức tin phải được thoát ra từ sự hiểu biết trong sáng, và phải hiểu được tại sao ta tin.
Phật giáo phân chia đức tin thành ba cấp bậc khác nhau: sự cảm ứng, ước vọng và niềm tin vững chắc. Đức tin do cảm ứng là hình thức của ngưỡng mộ. Đó là đức tin của một người khi đọc một văn bản nào đó, khi xem một nhân vật thần tượng, hoặc khi nghe nói về đức Phật hay một vị Thầy nào đó trú xứ tại ngôi già lam nổi tiếng. Còn đức tin của ước vọng hàm chứa khái niệm của một sự cố gắng. Chúng ta ước vọng được hiểu biết, được đào sâu thêm để có thể giống như người mà ta ngưỡng mộ. Cả hai thứ đức tin đó không có tính cách vững bền, vì không dựa vào sự hiểu biết đích thực. Đức tin vững chắc được thiết lập trên sự hiểu biết minh bạch, tin rằng những gì mà ta ước vọng sẽ thực hiện được. Đức tin ấy dựa trên lý trí.
Trong kinh, đức Phật có dặn dò các đệ tử của Ngài không nên tin một cách mù quáng vào những lời Ngài giảng, mà hãy xem những lời nói của Ngài giống như người thợ rèn đem binh khí nung nấu, để kiểm chứng độ nóng chảy của nó. Do vậy, đức tin của chúng ta không thể mơ hồ đặt trên sự hiện diện hay lòng cảm mến của một người nào đó được. Đức tin của tôi hay tất cả quý Phật tử ở đây là lòng tin đức Phật, tin vào những lời dạy vàng ngọc của Ngài để lại cách đây hơn 2.600 năm, là Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… tất cả nằm trong 37 phẩm trợ đạo. Nó là những liều thuốc chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, phiền não, tham sân si, u bi, khổ não, tùy bệnh mà uống thuốc. Cho nên, chúng ta đến chùa là để tiếp nhận những lời giáo huấn của đức Phật, học tập, hiểu biết và thực hành, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. Vì vậy, đức tin của quý Phật tử phải có lý trí, sự hiểu biết đúng đắn và có một lòng tin thanh tịnh nơi Tam Bảo.