Suy Ngẫm

Đức Phật nhà đại giáo dục

Cập nhật: 11/12/2012
...Trong suốt cuộc đời của ngài từ khi Đản sanh cho đến xuất gia, thành đạo và nhập Niết-bàn, ngài là một tấm gương sáng là đóa sen nở thơm ngát giữa biển đời “bẩn nhơ xấu đủ cả năm”. Trong từng phút giây có mặt ở thế gian, Ngài đều cho ta bài hoc quý báu từ thân - khẩu – ý. Nên nói: “Đức Phật – nhà đại giáo dục”...
 

Đức Phật nhà đại giáo dục

 
 
“Không ai giáo dục cho bằng
Thế Tôn giáo dục vĩnh hằng an vui”

Cách đây hơn 2500 năm ở xứ Ấn Độ, vị Thái tử Tất-đạt-đa con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-da – vì liễu tri cuộc đời là vô thường đau khổ, sinh – già – bệnh – chết không ngoại trừ một ai. Ngài quyết định rời hoàng cung ra đi tìm đạo giải thoát, thực hành hạnh nguyện “khai thị chúng sinh ngộ Phật nhập tri kiến”. Chính nhờ sự tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngài đã thành tựu quả vị Bồ-đề, hiệu là Mâu-ni.

Trong suốt cuộc đời của ngài từ khi Đản sanh cho đến xuất gia, thành đạo và nhập Niết-bàn, ngài là một tấm gương sáng là đóa sen nở thơm ngát giữa biển đời “bẩn nhơ xấu đủ cả năm”. Trong từng phút giây có mặt ở thế gian, Ngài đều cho ta bài hoc quý báu từ thân - khẩu – ý. Nên nói: “Đức Phật – nhà đại giáo dục”.

Khi thị hiện ở cõi Ta-bà dù sống trong cảnh: cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, quyền cao chức trọng, kẻ hầu người hạ và tương lai sẽ kế vị ngai vàng, ngài vẫn khắc khoải xem đó là thứ hạnh phúc giả tạm như “bóng nước, mây tan, ngọn đèn treo trước gió”, hợp tan sinh diệt trong từng sát-na, trẻ trung, khỏe mạnh đó rồi già, bệnh, chết.
 
“Hãy buông bỏ dưới chân này
Biết bao dục vọng tràn đầy hiểm nguy.”

Sau khi giác ngộ giữa đời, tìm được hạnh phúc chân thật và đem nguồn hạnh phúc ấy ban trải đến chúng sinh đang đau khổ. Với lòng từ bi “Thương chúng sinh như mẹ thương con”, ngài “chuyển bánh xe pháp” giáo hóa tất cả mọi người. Với nhân duyên hội ngộ đầy đủ, ngài đã khai mở tâm thức, giác ngộ cho những chúng sinh đang mê lầm. Trước tiên, hóa độ năm anh em Kiều Trần Như, tại vườn Lộc Uyển với bài pháp đầu tiên – Tứ diệu đế. Từ đó hình thành Tam Bảo, dần dần hóa độ nhiều người, quần chúng Phật tử ngày càng đông, xây nên tòa nhà Phật pháp, lưu truyền mãi cho đến ngày nay những chân lý bất diệt và lý tưởng giải thoát cao đẹp.

Tùy thuận vào nhân duyên của mình và người, ngài dùng phương tiện hóa độ khắp xứ Ấn Độ, từ giai cấp cao quý cho đến những người thuộc giai cấp hạ tiện trong xã hội. Như vua A-dục trước là một con người độc ác, từ khi theo đạo Phật đã trở thành một vị vua nhân từ, lo nước thương dân. Chiên-đà-la là một người sống bằng nghề hốt phân – thuộc giai cấp hạ tiện trong xã hội, khi gặp Phật cũng được ngài hóa độ. Đức Phật tự dắt người gánh phân xuống sông hằng tắm rửa sạch sẽ, đưa về tịnh xá Kỳ Hoàn cho xuất gia làm Sa-môn. Người gánh phân tu hành tinh tấn, cần khổ, chuyên tâm, chưa đầy một tuần chứng quả A-la-hán, thần thông tự tại.

Mỗi cử chỉ hành động của Ngài đều là tấm gương sáng, một sự giáo dưỡng sâu kín và thâm thúy. Từ những điều có thể nói bằng lời, bằng thân và cả những điều không lời. Có khi ngài nhặt lá gom lại bỏ ở tịnh xá, lại có lúc vá áo cho đệ tử,...
 
“Học đạo quý vô tâm
Làm nghĩ nói không lầm
Sáng trong mà lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm.”
 
Ai trong chúng ta khi đọc, nghe, nghĩ đến giáo pháp của ngài, đều cảm nhận và được hương vị pháp lạc, tìm về chính mình, hướng đến chân – thiện – mỹ. Cho nên, càng trân quý lời dạy của ngài:
 
“Tránh xa việc ác chớ hành
Gắng công tu tập hạnh lành vui theo
Giữ nguồn tâm ý trong veo
Lời xưa chư Phật nhớ giao ngọc vàng.”

Với trí tuệ như thật, hoàn toàn viên mãn, ngài có tám vạn bốn ngàn pháp môn để hướng dẫn chúng sinh hành theo, tùy bệnh mà chữa, thoát ra nhà lửa, hướng đến sự giải thoát cao quý. Với hạnh nguyện: “Khai thị chúng sinh ngộ Phật nhập tri kiến”, ngài đã vượt qua tất cả những gì xấu nhơ ở cõi Châu Diêm Phù Đề này! Ngài luôn từ bi thương yêu, đem những tinh tú nhiệm mầu làm con thuyền Bát-nhã giúp người thoát khổ được vui.

Ngày nay giáo pháp của ngài vẫn tồn tại và phát triển. Điều quan trọng là lớp người đi sau làm như thế nào để Phật pháp được hưng thịnh và đem lại lợi lạc cho mọi người. Với ý niệm hoằng truyền giáo pháp, tăng ni phải siêng năng cần mẫn tu học, lấy trí tuệ làm sự nghiệp xóa đi mê mờ của tự thân, không để bị ngũ dục lôi kéo, dụng tâm tu tập, vun trồng ruộng phước, gieo mầm an lạc tỉnh thức từ sự “chân tu thực học”.

“Mặt trăng có thể làm nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi nhưng các chân lý mà đức Thế Tôn đã dạy thì không thể làm cho khác đi được!”. Đến với sự giáo dục của ngài là ta đón nhận từ mặt trời dịu êm, nguồn suối mát từ dòng sông thanh thoát. Từ ấy trong ta được thấm nhuần chân lý nhiệm mầu với những giá trị chân – thiện – mỹ hướng đến con đường an vui, giải thoát.

Thiên Ấn

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018