Bài viết

Dòng sông

Cập nhật: 07/02/2020
Dòng sông quê con ghi bao kỷ niệm thời thơ ấu. Nước sông này đã giữ tận đáy thẳm sâu hình ảnh chân tay con quờ quạng khi dầm mình bơi lội, cùng đôi chân ướt đã nhiều ngày băng ngang qua những chiếc cầu chông chênh, nguy hiểm và đã in dấu chân nhỏ bé trên lối mòn nhỏ dẫn về làng. Không biết đã có bao nhiêu đêm con ngồi ngắm trăng bên bờ sông, nghe tiếng dế gảy đàn, ếch nhái kêu inh ỏi…
 

Dòng sông

 

Mấy mươi năm trôi qua, giờ đây ngắm nhìn dòng sông (một trong những tiểu cảnh rất đẹp của chùa Hoằng Pháp) được quý Thầy khéo léo tạo nên vào dịp đón Tết Nguyên Đán mà lòng bồi hồi, thổn thức nhớ về thuở dấu yêu.

Vượt thời gian, không gian, chúng con lại nhớ về dòng sông Hằng tại Ấn Độ, đã gắn kết sinh hoạt với người dân nơi đây như bóng với hình.

Ấn Độ – cái nôi của Phật giáo – nơi những chứng tích chỉ còn là tàn tích qua nhiều biến cố lịch sử. Dù vậy, họ vẫn đang phát huy rất tốt những giá trị tại các di tích Phật giáo của mình bằng mô hình du lịch tâm linh.

Với tên gọi Hoằng Pháp mà Sư Tổ khai sáng chùa đã đặt tên, nên tâm nguyện giúp mọi người biết đến Phật pháp của Sư phụ và quý Thầy đã xây dựng chùa là nơi tu học, áp dụng nhiều hình thức khác nhau, sao cho phù hợp với từng căn cơ và tuổi tác, như khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè, khóa tu Phật thất, khóa tu thiếu nhi…

Chùa còn là nơi đào tạo Tăng tài, có thể thay thế, kế thừa và phát triển các Phật sự hoằng pháp trong tương lai.

Bằng nhiều phương tiện dìu dắt chúng sinh, nhưng thu hút nhất, hấp dẫn nhất vẫn là những ngày Tết cổ truyền. Quý Thầy như những nhà nghệ thuật tài hoa, thiết kế sân chùa mang vẻ đẹp lãng mạn, đầy mộng mơ, tức cảnh sinh tình.

“Tim tôi chia sẻ nhiều ngăn
Ngăn cho bằng hữu, ngăn hằn dấu yêu
Ngăn chung đầy ắp tình người
Cho tim tôi đập bồi hồi nhớ thương!”
.

Đời trăm ngả, chim bay trăm hướng. Chúng con dù có tung cánh bay xa đến đâu, cũng không quên thăm lại ngôi chùa Hoằng Pháp vào dịp Xuân về, để được nhận quà pháp bảo Tặng Phẩm Xuân, lộc lì xì từ Sư phụ; thưởng thức những lồng đèn thư pháp, tham khảo sách Bài Học Thiếu Nhi, Bài Học Tuổi Thơ, Bài Học Nhớ Ơn… Tất cả đều toát lên những nét đẹp của Phật giáo, chứa đựng nhiều hình ảnh, tâm huyết sâu sắc từ Sư phụ và quý Thầy, đem lại lợi ích cho chúng sinh, như hoa sen tỏa ngát khắp ngôi chùa.

Danh ngôn có câu: “Sẽ không có sự nghiệp lớn, nếu không có thử thách lớn”. Thật vậy, thông thường người đời theo dòng nước chảy xuôi, được xem là thuận lợi, nhưng biết đến bao giờ mới xóa hết nỗi khổ, niềm đau liên miên, vô tận; biết bao giờ mới giác ngộ, giải thoát sinh tử luân hồi? Đó là cách nghĩ, cách nhìn còn hạn hẹp, chưa biết đến Phật pháp.

Còn người tu được ví như đi ngược dòng nước, tất nhiên phải gian nan, trắc trở, thử thách vô vàn. Nếu bản lĩnh, giữ vững ý chí, nghị lực phi thường trước phong ba bão táp của cuộc đời, thực hành theo lời Phật dạy, tinh tấn tu Bồ-tát đạo, thăng hoa tri thức và đạo đức, thể hiện cuộc sống chân thiện mỹ, thì cuộc sống này sẽ ý nghĩa vô cùng. Đó chính là con đường đi đến Phật đạo.

Nguyễn Thanh Thảo

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024