Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Đời sao méo mó
Cập nhật: 17/11/2018
Sống trên cuộc đời này có lẽ tôi và bạn đã không ít lần từng nghe, từng thấy, từng suy nghĩ và từng nói những câu như: Con thành ra thế này là tại ba mẹ; anh ra nông nỗi này là tại em; cháu trở nên thế này là tại bác;… Luôn luôn là “tại những người xung quanh”, còn bản thân mình thì luôn luôn đúng, từ đó mới sinh tâm trách móc, hờn dỗi, tức giận người kia đã không chịu hỗ trợ, không nâng đỡ, không quan tâm mình... suy nghĩ nhỏ nhen này cũng vẫn cho là đúng tuốt. Người xưa nói: “Gieo một hạt tử tế sẽ thu về một rừng hạnh phúc”.
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều đã từng có rất nhiều lần suy nghĩ như thế. Nghĩa là mọi sự việc không may, không như ý, không tốt đến với mình đều tại “người ta”, chứ chẳng phải tại mình. Nghe qua thì cũng thấy đúng thật, là tại vì người đó không hỗ trợ, không nâng đỡ, không quan tâm, không lắng nghe, không là điểm tựa tinh thần… . Thế nhưng, khi ngẫm lại mới thấy sự trách móc ấy mới thật là “vô duyên” làm sao! Sở dĩ ta không được người ta quan tâm, nâng đỡ, hỗ trợ là tại vì sao? Là do đâu?
Người xưa dạy:
“Trách người một, trách ta mười
Bởi ta tệ trước, nên người bạc sau”.
Thật vậy, vì sao lúc người đó gặp khó khăn, bế tắc, phiền muộn, sợ hãi,… thì mình không chịu chia sẻ, không chịu lắng nghe, không quan tâm giúp đỡ để họ bước qua những bước ngoặc khó khăn. Để rồi giờ đây khi mình gặp khó khăn, bị vấp ngã, gặp trắc trở, bế tắc, đau khổ,… thì ta lại yêu cầu họ phải giúp đỡ, phải quan tâm, phải lắng nghe, chia sẻ,…với mình. Khi ta không nhận được mọi sự hỗ trợ thì quay lại hờn mác, trách móc, sân si, nói xấu.
Ta không gieo một hạt tử tế nào mà lại muốn thu về cả rừng hạnh phúc. Thật vô lí phải không? Chúng ta thường có chung một thói quen là “đổ thừa”. Luôn luôn là tại một người nào đó đã gây ra cho mình những điều tồi tệ không như ý. Thế nhưng, lúc ta thành công hay thắng lợi thì chẳng bao giờ nhắc đến người đã hỗ trợ, giúp đỡ mình cả. Có phải chúng ta đã vô tình đánh mất hai chữ Tàm và Quý chăng?
Bài thơ “Tự Sự” của Lưu Quang Vũ có hai câu rằng:
“Ta cứ trách cuộc đời hay méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”.
Thôi thì từ hôm nay, tôi và bạn sẽ cùng nhau thực tập và quán chiếu những điều mà cổ nhân đã dạy là “Phản quang tự kỷ” để cùng sửa lại bản thân tốt hơn, làm mới lại những mối quan hệ bị đổ vỡ, làm mới lại chính con người mình để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn ở ngay tại “quán trọ ven đường” này bạn nhé! Những gì đã qua thì hãy cứ vui vẻ chấp nhận bỏ nó lại phía sau, dù đó là những niềm vui, nỗi buồn, hay một cái gì đó đi nữa. Bởi những thứ ấy bây giờ đã trở thành quá khứ, quá khứ là những thứ đã bị chết, mãi mãi không thể nào thay đổi được, thế nên mọi sự tiếc nuối, mọi sự ân hận đều trở nên vô nghĩa, chẳng có chút ích lợi gì.
Cái mà chúng ta, tôi và bạn cần làm lúc này là tập sống có trách nhiệm, sống biết cho đi và sống biết nuôi dưỡng đức tính tự lập. Lắng lòng mình để nhìn rõ được những gì chưa đẹp, chưa tốt của mình rồi sửa lại cho đẹp, cho tốt. Nếu lỡ như làm chưa được như ý thì khi có một sự việc gì xảy đến khiến mình đau khổ, phiền não, bế tắc,… thì hãy sẵn sàng đối mặt chấp nhận nó, vì dù sao nó xảy đến với mình là tại mình sửa đổi chưa hay, chưa tốt, chưa hoàn thiện, và vì nó là kết quả của một sự cố gắng nỗ lực hết sức để làm mới chính mình. Do vậy, đừng bao giờ than trách “Đời Sao Méo Mó” nữa nha.