Đời Người Như Một Bộ Phim
Giả như chúng ta được sinh ra trong rạp hát. Chúng ta không biết những gì đang và sẽ xảy chỉ là một buổi chiếu phim. Chúng ta không biết rằng đó chỉ là một bộ phim mà thôi, không hơn không kém, và các sự kiện trong phim không thực sự tồn tại. Tất cả mọi thứ chúng ta nhìn thấy trên màn hình – hỉ, nộ, ái ố, bạo lực, hồi hộp, cảm giác mạnh - thực chất chỉ là hiệu ứng của ánh sáng chiếu qua cuộn phim. Nhưng vì không có ai nói với chúng ta điều này nên chúng ta ngồi đó theo dõi, gắn bó, khóc cười như lên đồng với bộ phim. Nếu ai đó cố gắng nói với chúng ta điều gì, ngay lập tức ta bảo: "Im đi!" Ngay cả khi ta có việc quan trọng, ta cũng không muốn làm mà hoàn toàn mê mải và bị cuốn theo những tình tiết phù phiếm giả tạo đang diễn ra trước mắt.
Bây giờ giả sử có ai đó ở ghế bên cạnh nói rằng: "Hãy nhìn xem, đây chỉ là một bộ phim, chúng không phải là sự thực”. Đó là cơ hội và chúng ta cũng có thể hiểu rằng những gì chúng ta đang thấy là tình tiết hư cấu. Chúng không thực tế và không phải là sự thật.
Điều này không có nghĩa là chúng ta đứng dậy và rời khỏi rạp chiếu phim. Chúng ta không cần phải làm điều đó. Chúng ta chỉ cần thoải mái và đơn giản là xem nội dung bộ phim diễn tiến ra sao, nói về điều gì. Đó có thể là câu chuyện về tình yêu, chuyện kinh dị tội phạm hoặc bất cứ điều gì khác. Chúng ta có thể trải nghiệm cảm giác mà bộ phim mang lại. Và nếu chúng ta biết rằng đây chỉ là một suất chiếu, chúng ta có thể tua lại xem đoạn trước, đi nhanh để xem đoạn kế hay là xem lại trọn bộ phim theo ý ta muốn. Chúng ta cũng có thể rời đi bất cứ khi nào ta thích, và trở lại vào một thời điểm khác để xem lại một lần nữa. Một khi tin chắc rằng chúng ta có thể đi bất cứ lúc nào ta muốn, chúng ta sẽ cảm thấy tự do tự tại, không còn áp lực với việc rời đi hay ở lại. Chúng ta có thể thoải mái ngồi và thưởng thức bộ phim.
Có khi một đoạn trong bộ phim có thể khiến chúng ta dâng tràn cảm xúc. Một khoảnh khắc bi thảm trong phim có thể đánh vào điểm yếu trong tâm hồn của chúng ta và ta quên mất đâu là sự thực và đâu là ảo tưởng. Từ sâu thẳm trong trái tim, ta được mách bảo rằng những cảnh tượng đó không thật, rằng đó không phải là một vấn đề lớn.
Đây là những điều mà các hành giả học Phật Pháp cần phải hiểu - rằng toàn bộ luân hồi, hay niết bàn, không phải là sự thật tối thượng cũng không phải là mục tiêu cuối cùng mà ta nhắm đến, chúng cũng như bộ phim vậy. Chừng nào ta chưa nhận thấy điều này, thì ta vẫn còn gặp trở ngại khi mở cửa tâm trí để Phật Pháp thâm nhập vào. Chúng ta cứ bị cuốn đi, bị quyến rũ bởi những vinh quang và vẻ đẹp của thế giới này, bởi tất cả những thành công và thất bại trước mắt. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhìn thấy, dù chỉ trong một giây hay thậm chí trong một sát na, rằng những sự việc, những điều gây hỉ nộ ái ố cho ta là ảo ảnh, không thật, chúng ta sẽ có được một sự tự tin nhất định. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải vội vàng chạy đến Nepal hay Ấn Độ để xuất gia. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục công việc của mình, ăn mặc thanh lịch, thắt cà vạt và xách cặp đi đến văn phòng mỗi ngày. Chúng ta vẫn có thể yêu một ai đó, tặng hoa cho người yêu, trao nhẫn… Nhưng ở đâu đó sâu thẳm bên trong, ta biết rằng tất cả đều không phải sự thật tối thượng, không phải là mục tiêu giải thoát của cuộc đời.
Rất quan trọng và rất cần để ta có cái nhìn như vậy. Nếu chúng ta có một cái nhìn thoáng qua về toàn bộ cuộc sống của mình như thế, chúng ta có thể hạnh phúc trong phần đời còn lại của mình.
Có khi một vị thiện tri thức nào đó đến và thì thầm với ta rằng, "Hey! Đây chỉ là một bộ phim”, nhưng chúng ta lại không nghe thấy vì chúng ta đang bị phân tâm. Có lẽ ngay lúc đó có một vụ tai nạn xe hơi lớn trong phim khiến ta thổn thức, hay tiếng nhạc ầm ĩ lấn át mất, vì vậy chúng ta không nhận được thông điệp này. Hoặc là ta có thể nghe thấy, nhưng cái tôi của chúng ta lại hiểu sai ý. Chúng ta vẫn còn nhầm lẫn và tin rằng có một cái gì đó thật sự, rằng các tình tiết trong phim là mục tiêu giải thoát của cuộc đời. Tại sao điều đó xảy ra? Bởi vì chúng ta thiếu công đức. Công đức vô cùng quan trọng. Tất nhiên, sự hiểu biết (prajna), là rất quan trọng. Lòng từ bi (karuna), cũng rất quan trọng. Nhưng công đức là tối quan trọng. Không có công đức, chúng ta giống như người hành khất mù chữ ngu ngơ, trúng xổ số nhiều triệu USD nhưng không biết phải làm gì với số tiền và làm tiêu tán nó ngay lập tức.
Nhưng giả sử chúng ta có một chút công đức và thực sự nhận được thông điệp từ vị thiện tri thức kia, thì người Phật tử chúng ta có nhiều lựa chọn khác nhau. Theo quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, chúng ta choàng tỉnh và rời khỏi rạp chiếu phim, hoặc nhắm mắt lại để khỏi bị lôi cuốn vào nội dung bộ phim. Chúng ta chấm dứt đau khổ theo cách đó. Ở cấp độ Đại Thừa, chúng ta giảm bớt khổ đau phiền não nhờ vào việc hiểu rằng những tình tiết xảy ra không có thật. Tất cả chỉ là một suất chiếu phim và hoàn toàn trống rỗng. Chúng ta không ngưng buổi xem phim, nhưng chúng ta nhận biết rằng về mặt bản chất, bộ phim không có sự tồn tại cố hữu. Hơn nữa, chúng ta cũng đang quan tâm đến những người khác cùng khóc cười, khốn khổ theo từng thước phim; đang hiện diện trong rạp. Cuối cùng, theo Kim Cương thừa, chúng ta biết rằng đó chỉ là một bộ phim, chúng ta không bị lừa, và chúng ta chỉ thưởng thức chương trình. Bộ phim càng gợi nhiều cảm xúc, chúng ta càng đánh giá cao tài năng của nhà sản xuất. Chúng ta chia sẻ những hiểu biết của chúng ta với những người cùng xem phim trong rạp, những người mà chúng ta tin tưởng rằng họ cũng có thể đánh giá cao và thấy những gì chúng ta thấy, hiều những gì chúng ta hiểu.
Nhưng để thực hiện điều này trong thực tế đời sống, chúng ta cần phải có công đức. Trong Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada), người ta tích lũy công đức thông qua sự từ bỏ. Chúng ta thấy rằng bộ phim làm cho chúng ta đau khổ và chúng ta dừng việc xem nó. Trong Đại thừa, chúng ta tích lũy công đức nhờ lòng từ bi. Chúng ta có tâm rộng mở, quan tâm nhiều hơn đến sự đau khổ của người khác.
Mặt khác, sự biến đổi – từ việc bị cuốn vào dòng xoáy của bộ phim sang vị thế nhìn thấy sự trống rỗng của các sự kiện trong phim, để chăm sóc cho hạnh phúc của người khác - có thể mất một thời gian rất, rất dài. Đây là lý do tại sao trong Kim Cương thừa, chúng tôi di chuyển vào làn đường cao tốc và tích lũy công đức thông qua sự tận tâm, cống hiến. Chúng tôi tin tưởng vị Thiện tri thức đã nhờ vào sự thấu hiểu đó mà đạt được giải thoát rồi chia sẻ điều ấy lại cho chúng ta biết. Chúng ta không chỉ tin nhận những thông tin mà anh ta mang đến cho chúng ta, mà chúng ta còn trân trọng cái tâm giải thoát và chiều sâu tâm hồn của anh ta. Chúng ta biết rằng chúng ta cũng có thể được giải thoát như anh ta vậy, và điều này càng làm cho chúng ta trân trọng anh ấy hơn. Chỉ cần một giây thôi với một khoảnh khắc của lòng trân trọng biết ơn như vậy sẽ giúp tạo công đức rất lớn. Nếu chúng ta đang lắng nghe lời chỉ dẫn của người thiện tri thức, anh ta có thể giúp chúng ta nhận chân ra sự thật. Anh ta có thể giúp chúng ta thấy những khán thính giả còn lại trong rạp bị cuốn đi theo bộ phim như thế nào và những điều đó là không cần thiết ra sao.
Người Thiện tri thức đưa chúng ta đến một sự hiểu biết về bản chất của những gì ta đang nhìn thấy. Nhờ đó chúng ta trưởng thành hơn và trở thành một người có thể an nhiên thưởng thức cuốn phim của cuộc đời. Và lúc đó, chúng ta có thể trở thành người Thiện tri thức thì thầm với những người khác về cách thưởng thức cuốn phim cuộc đời thay vì bị cuốn vào dòng xoáy và khổ đau trôi lăn trong đó.
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa
Dzongsar Khyentse Rinpoche - Lion’s Roar