
Đôi dòng cảm xúc trước đêm Di Đà
Thông thường, người ta chỉ viết thư cho một ai đó đã đi xa hoặc viết cho bản thân như một cách giảm stress. Còn ngay lúc này, khi tôi không biết liệu một mai có được ở tại nơi đây hay không, tôi lại khao khát được viết, không phải chỉ là viết cho một ai đó đặc biệt mà tôi muốn viết cho tất cả những gì ở tại ngôi chùa này. Nhưng điều đó lại thật khó! Bởi bao câu chữ, tôi từng nghĩ ra như lặn mất tăm. Tôi chỉ còn biết đắm mình vào những xúc cảm lẫn lộn trước đêm vía Di-đà. Và tôi tự hỏi, không biết liệu có phải tôi nhạy cảm lắm không, khi cảm xúc của tôi lại nhiều đến thế và lại chớm nở sớm đến thế! Bởi đêm mai, mới thực sự là đêm của những người con Phật, là đêm hội hoa đăng, là lúc mà người ta gạt bỏ đi tất cả những gì còn vướng bận trong lòng để hướng tới Đức Từ Phụ. Và rồi trong giây phút thiêng liêng, trong ánh nến lung linh, trong niềm tin bất diệt, tình Cha tình con như kết tinh trở thành một khối bao trùm cả hư không vũ trụ, tạo nên một hội Liên Hoa ở ngay cõi Ta-bà đầy mâu thuẫn, và đau khổ này.
Còn nhớ lần đầu tiên, biết tới vía Di-đà, cũng là lần đầu tiên tham dự lễ vía ở tại đây. Tôi giống như một đứa trẻ, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp huyền diệu của cả một không gian chỉ có nến và đèn hoa. Có lẽ, chưa có khi nào sân chùa lại sáng và rực rỡ như vậy! Bởi nó không chỉ được soi bằng ánh nến, ánh đèn mà còn được soi bằng chính mắt của những người con Phật. Trong những đôi mắt ấy, có biết bao điều chất chứa muốn tỏ bày cùng Cha, cùng sư huynh đệ bởi hơn cả ngày Tết, hôm nay là ngày vía của Cha dù có đi bốn phương trời, có bộn bề lo toan bao công việc thì chúng con vẫn không thể quên được giây phút này dẫu cho thời gian có trôi qua nhanh hay chậm theo quy luật tự nhiên. Bởi chỉ có ngày này, chúng con mới có thể cùng nhau tề tựu ở tại nơi đây với tất cả các bạn đồng đạo hướng về Đấng Cha Lành để cảm thọ tình yêu bao la rộng lớn mà Cha trao cho. Để rồi từ đó, chúng con đem tình yêu đi khắp cùng ngõ hẻm chia sẻ cùng tất cả muôn loài. Bỗng chốc, con hiểu được tại sao ngày thường, khi thắp một ngọn nến đem ra giữa trời ngọn nến lại dễ tắt đến vậy, còn ngay trong giây phút này hàng nghìn ngọn nến cùng với nhịp đập của hàng nghìn con tim lại vững vàng và sáng rực đến vậy. Vẻ mong manh, lẻ loi thường ngày của chúng biến mất thay vào đó là một vẻ đẹp huy hoàng và bền bỉ. Một vẻ đẹp mà tưởng chừng như chẳng có gió bão nào có thể dập tắt được. Có được như vậy, có lẽ là bởi ngày hôm nay việc thắp và truyền ánh sáng không đơn thuần chỉ là thắp sáng một ngọn nến. Mà nó còn là biểu tượng của sự truyền trao trí tuệ và tình yêu, là sự chia sẻ tới tột cùng của những đạo hữu nơi đây. Vì chẳng có gió nào có thể dập tắt được ngọn lửa của Trí Tuệ, của Lòng Từ. Còn gì cao đẹp hơn khi bạn đem tất cả trí tuệ và tình yêu của bạn trao tặng cho một người tưởng chừng như là xa lạ đứng kế bên? Nhưng những nghĩa cử cao đẹp ấy cũng chỉ là một phần nhỏ mà chúng ta học theo hạnh của Cha mình. Và vượt lên tất cả, cùng với niềm hân hoan nghĩ về Cha, là sức nóng của tình yêu thương lan tỏa khắp không gian nơi đây, nên dẫu cho Thần Đêm có tỏ hết uy lực cố gắng làm cho mọi người phải biết lạnh là gì thì cũng không thể xóa đi được nụ cười lấp lánh sáng bừng trên khuôn mặt của những người con nơi đây.
Nhưng rồi, những giây phút thiêng liêng chỉ còn sống mãi trong kí ức của mọi người mà thôi, bởi cuộc hội ngộ nào cũng đến giờ phút chia tay. Khi tất cả nến đã cháy hết, cũng là lúc mọi người lục đục chia tay, người gần thì về nhà, kẻ xa thì tá túc ở lại chùa qua đêm.
Tôi đứng đó bàng hoàng nhìn lại cảnh vật xung quanh, và sự thực trước mắt vẫn hiển hiện để cho tôi nhìn. Để rồi lòng tôi lại ngổn ngang với bao câu hỏi? Có phải chăng nến đã hết, đèn đã tắt, mọi người đã chìm vào giấc ngủ yên bình thì cảnh tượng hỗn độn mới nổi lên? Vì có tới hàng chục ngàn người tới đây trong đêm Vía Di-đà nên việc thiếu chỗ ngủ là đương nhiên. Thế là cảnh tượng mọi người nằm ngủ la liệt ở khắp nơi như phơi bày cái khổ cực của cõi này. Bất chợt, tôi lăn tăn nghĩ lại cảnh tượng xô bồ mua bán ở một góc nhỏ của chùa, người mua đông nghẹt cố chen chân vào mua vài đĩa rồi hồ hởi đi ra. Chẳng có suy nghĩ gì nhưng những hình ảnh đó như tự động bấm máy chiếu rọi vào trong tôi để rồi cùng với cảnh tượng này làm cho tôi thấy nao nao. Nhưng rồi cơn buồn ngủ kéo ríp hai mắt tôi lại, chẳng để tôi có cơ hội quan sát sự biến chuyển cảnh tượng ra sao. Thế nên tôi đã mang trong lòng một quyết tâm nhất định sang năm sẽ vào chùa sớm hơn để biết được sự chuẩn bị cho ngày vía Di-đà như thế nào? Để hiểu tại sao lại vẫn có những vết sạn dù là rất nhỏ như vậy? Phải chăng tôi là người cầu toàn?
Và lúc này đây, khi đồng hồ bắt đầu chỉ sang ngày Vía Đức Phật A-di-đà cũng là lúc tôi trả lời được những thắc mắc bấy lâu còn ấp ủ trong lòng. Tôi đã hiểu tại sao người ta lại có thể tổ chức được một buổi lễ lớn đến vậy với một sức chứa hơn 20.000 người. Bởi trong những ngày qua, được sống và làm việc cùng quý thầy, quý chú và các cô chú tu tập thường xuyên ở đây tôi mới hiểu thế nào là yêu thương? Thế nào là cống hiến? Rồi còn hiểu làm thế nào để báo ân Đấng Từ Phụ? Tất cả những thắc mắc trước kia từ từ được những con người nơi đây lặng lẽ giải đáp cho tôi bằng chính những việc làm thiết thực của họ.
Cảnh tượng đầu tiên tôi bắt gặp là hình ảnh quý chú hào hứng làm việc chuẩn bị cho ngày lễ vía. Là cảnh có chú phải trèo lên đỉnh cây cao chót vót giữa trưa nắng để mắc sợi dây điện nhưng chú vẫn chẳng hề sợ nắng, sợ cao miệng cười chúm chím tay thoăn thoắt vắt những sợi dây đèn sao cho có hình dáng thật đẹp. Ngạc nhiên hơn, khi hỏi ra mới biết chú mới chỉ có 18 tuổi. Có lẽ sớm thoát khỏi sự ô trọc ở đời, sống trong sự thanh bần ở ngôi già lam này nên 18 tuổi nhưng trong chú ngoài sức sống của tuổi trẻ còn có cả sự cứng cáp của một người biết đường mình phải đi. Đem tất cả sức lực của tuổi trẻ, đem tất cả nỗi thành kính dâng lên Cha, và hơn hết mong sao cho tất cả mọi người được hưởng trọn niềm vui của đêm vía Di-đà nên các chú chẳng quản ngày đêm lao mình vào công việc trang hoàng lễ đài sao cho kịp thời gian bởi ngoài việc làm cho chùa các chú còn được cử đi một số chùa khác để giúp các sư huynh đệ trang trí cho đêm vía Di-đà. Để đêm vía Di-đà trở thành một đêm không thể quên đối với không chỉ người con Phật mà còn là cả một đêm đầy sắc mầu nghệ thuật. Công việc không chỉ dừng lại ở việc dựng lễ đài, dường như đó chỉ mới là công đoạn đầu của việc chuẩn bị buổi lễ. Bởi hai đêm nay, đến lượt các thầy các chú bên phòng làm phim phải chuẩn bị tới hệ thống âm thanh và hình ảnh để làm sao cho tất cả Phật tử có thể đều nhìn thấy những gì diễn ra ở lễ đài. Chẳng thế mà 7 màn hình lớn đã được lắp đặt quanh chùa, để đâu đâu cũng thấy được giây phút thiêng liêng truyền đăng làm ấm lòng bao người. Để rồi hòa chung với không khí ở lễ đài chính, cũng giống như những ngọn nến được truyền từ người này qua người khác, cái dư âm đó vang đi thật xa tưởng chừng như có thể mở cửa địa ngục thắp sáng lòng từ cho những ai đang bị giày xéo bởi tham sân si dưới kia được đắm mình trong hồng danh đức Phật. Nhưng đối với những ai đang hiện diện ở nơi đây, tiếng vọng đó lại cũng thật gần vì nghe đâu đó nó đang xốn xang trong lòng mỗi người để từ từ lớn lớn dần đến độ thức tỉnh cả muôn loài trong hư không vũ trụ.
Đó mới chỉ là công việc bề mặt của buổi lễ, còn biết bao nhiêu việc chuẩn bị để đón chào hàng nghìn người con trở về nhà đón ngày Vía của Cha. Nhưng có lẽ cực nhọc nhất vẫn là nhà bếp, bởi biết bao phần ăn sẽ phải làm? Mặc dù chùa đã chuẩn bị hơn 10.000 phần cơm hộp và hơn 40.000 phần bánh dành cho quý Phật tử tới tham dự buổi lễ nhưng vẫn không đủ. Chẳng thế mà cho tới giờ này, quý thầy quý chú cùng những người công quả vẫn đang thức trắng đêm để nấu sao cho thật ngon như muốn gửi gắm cả nỗi lòng mình vào từng tô canh chén cơm. Vâng, chỉ là một chút lòng của những người muốn lo chu toàn cho buổi lễ mà thôi! Chẳng lẽ chỉ là vậy thôi sao? Tôi không tin là chỉ có thế! Bởi công việc thì rất nhiều, làm việc cũng rất cực nhọc nhưng trái ngược hẳn với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi là gương mặt sáng rỡ vì niềm vui ngày mai sẽ có rất nhiều sư huynh đệ của chúng ta trở về cùng đón ngày lễ vía Cha.
Vươn mình, tôi đứng dậy đi dạo quanh chùa, chuẩn bị đi ngủ vì còn phải giữ sức để tối còn có thể vui tươi đón lễ vía thì thấy cảnh bà cụ đang lom khom nhặt lá, tiến lại gần, tôi nhẹ nhàng hỏi bà:
- Bà ơi! Sao bà dậy sớm vậy?
- À! Già rồi cũng chẳng ngủ được bao nhiêu! Thôi thì dậy quét cái rác để chùa sạch sáng còn đón mọi người tới chùa dự lễ vía nữa chứ. Chẳng biết bà làm sao ấy! Ở đây bao nhiêu năm rồi, đón biết bao nhiêu ngày vía rồi, mà lần nào cũng háo hức như lần đầu đón ngày vía ấy.
Tạm biệt bà cụ, tôi hiểu thêm được một điều, đối với những người con Phật ngày vía không chỉ còn là một ngày lễ lớn mà dường như đó còn là ngày để họ hướng về Cha báo đáp ân trọng của Người. Bỗng chốc, nhớ lại cuộc nói chuyện hồi tối với một chị ở phòng phát hành. Đem thắc mắc của năm trước ra hỏi chị, tôi mới hiểu một điều không phải mấy chị không thích ra dự lễ, và cũng không phải là vì phải bán hàng nên không ra được. Mà chỉ đơn giản, có rất nhiều người Phật tử rất hiếm khi có thời gian đến chùa, họ chỉ tranh thủ được ngày này tới chùa để làm lễ và nhân thể mua thêm được vài cái đĩa để có thể xem nhằm tăng thêm sự hiểu biết về Phật pháp, nếu mình không bán họ sẽ mất cơ hội mua. Đợi tới lúc họ rảnh rang tới chùa để mua đĩa thì điều đó quả thực rất là khó! Vì lẽ đó, chị vui vẻ chấp nhận từ bỏ đi niềm vui dự lễ để làm tròn trách nhiệm của một người con Phật – đó là dành phần thiệt thòi về mình để sao cho những người xung quanh có được niềm vui, có được sự lợi ích. Bỗng chốc tôi cảm thấy giận mình vì đã ngờ nghệch không hiểu sự tình mà vội thầm trách trong chùa lại có cảnh đó, để rồi đem cái thành kiến về chùa từ đó đến nay. Tôi đã không cảm nhận được cái ân tình của những con người đó, là sự hết lòng hoằng dương vì Phật pháp dù chỉ là một công việc nhỏ mà thôi. Tôi chợt hiểu tại sao mọi người lại nói phụng sự chúng sinh là cúng dường mười phương chư Phật. Mọi người ở đây đã đem cái tâm đó ra để làm việc chứ không như tôi chỉ lóng ngóng đứng đó nhận xét lung tung. Tôi thật đáng trách vì đã không chịu nhìn kĩ để rồi lầm tưởng ngọc quý trở thành viên sạn!
Tạm biệt với đôi dòng tản mạn, chuẩn bị cho một ngày mới và quan trọng hơn ngày hôm nay là ngày vía Di-đà, tôi tự nhủ nhất định từ nay trở đi mình cũng phải giống như mọi người ở nơi đây, sẽ coi như ngày nào cũng là ngày vía Di-đà để hướng tới Cha, noi theo Cha mà làm việc tốt, dẫu chỉ là một việc rất nhỏ như xếp ghế cho mọi người mà thôi. Nhất định tôi phải mang cái tư tưởng này đi theo mình mới được.
Ngọc Diệp