Đem tiện lợi cho người là thành tựu chính mình
Nhưng có rất nhiều người chỉ nhìn thấy cái lợi ích hiện tiền trước mắt, chỉ nghĩ đến cái tiện lợi nhất thời, không nghĩ đến nên tạo tiện lợi cho người khác trước, mà cái tiện lợi ấy đối với mình có thể chỉ là trong tầm tay.
Ví dụ như: Có một người vì muốn cho mình được tiện lợi bèn tuỳ tiện bỏ rác bừa bãi, người thứ hai đi ngang nhìn thấy chỗ đó có rác, bèn nghĩ rằng ở đây vốn đã có rác, bây giờ bỏ thêm nữa cũng không sao, rồi bỏ rác thêm vào ngay đó. Đến người thứ ba, người thứ tư cũng nghĩ vậy bèn bỏ thêm rác vào đó. Cho đến khi người thứ nhất quay trở lại thì thấy nơi đây đã thành một đống rác, nghĩ rằng nơi đây trước kia vốn là sạch sẽ chúng ta có thể đứng ở đây kia mà, bèn dọn dẹp nơi đó sạch sẽ, người thứ hai đến đó sẽ không bị ảnh hưởng, không thể làm nơi ấy bị dơ bẩn được, người thứ ba, thứ tư... cũng sẽ như vậy! Như vậy, khi người thứ nhất quay trở lại nơi ấy cũng sẽ cảm thấy sạch sẽ.
Cho nên, một người cũng có thể làm ảnh hưởng đến nhiều người, đây chính là sự tuần hoàn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có người làm lợi cho người khác mười lần, nhưng chính mình chỉ nhận được một hai lần thuận lợi, thậm chí còn bị thâm hụt hoặc không được báo đáp ngược lại. Trong tình huống này, trong lòng liền nghĩ như vậy cũng được rồi! Tôi luôn nghĩ rằng, có làm đến một trăm lần công việc giúp người, nhưng không nhận được một lần báo đáp, cũng vẫn kiên trì thực hiện đến cùng, đó mới chính là sự bền chí vững vàng. Nếu như một xã hội mà trong số mười người, có một hai người là hạng người kiên trì đó, thì từ từ hạng người như vậy sẽ được tăng thêm nhiều! Người có lý tưởng cho người tiện lợi cũng chính là thành tựu cho chính mình, người sống như vậy rất là thực tiễn.
Xã hội của chúng ta vốn không được hoàn hảo, cho nên mỗi người ai cũng lo nghĩ riêng cho mình, người biết lo nghĩ và giúp đỡ người khác thì rất ít. Tuy nhiên, có một số người vì muốn đạt được mục tiêu như: vinh dự, danh vọng, địa vị, quyền lực...vv, nên miệng luôn hô hào: “Cho Người Tiện Lợi, Mình Được Tiện Lợi” nhưng trên thực tế trong cuộc sống của họ không làm được như vậy, khiến câu nói đó chỉ là một câu khẩu hiệu. Hi vọng rằng, trong xã hội nếu ai nói được câu này, thì cũng phải làm được như vậy, chứ không phải chỉ nói cho người khác làm!
Từ lập trường của một tôn giáo, chúng ta có thể khẳng định rằng câu nói này là thiết thực, là có thể nương tựa.
Kinh Duy Ma có đoạn: “Bồ-tát là từ trong chúng sanh mà có”. Bởi vậy Bồ-tát mà thành được quả vị, Phật mà thành tựu Phật quả, là vì có chúng sanh để các Ngài hoá độ, có chúng sanh để các Ngài làm công đức. Cho nên Bồ-tát mới thành tựu quả vị vĩ đại của Bồ-tát, Phật mới hoàn thành được phước đức và trí tuệ của Phật. Nếu như không có chúng sanh để các ngài hoá độ, để các ngài phục vụ, thì các ngài không thể thành tựu quả vị Bồ-tát, quả vị Phật! Chúng sanh không cho các ngài bất cứ báo đáp nào, trong cái không báo đáp đó, các Ngài đã tự mình hoàn thành, tự mình lớn mạnh, tự mình kiến thiết, tự mình thành tựu. Từ quan điểm đó, chúng ta có thể thấy cho người tiện lợi chính là thành tựu cho bản thân, trong thực tại rất có lợi ích, không cần chờ đợi người khác đem cho mình tiện lợi, báo đáp ân đức cho mình.
Dùng tâm lượng này để quảng bá quan niệm cho người tiện lợi là thành tựu tiện lợi cho chính mình, đây chính là một điểm nương tựa thật vững chắc.
Người dịch: Kiều Giang
HT. Thích Thánh Nghiêm