Bài viết

Đầu năm đến chùa bình an

Cập nhật: 19/01/2023
Phong tục người Việt Nam và một số nước Á Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore,… đều đến chùa vào đầu năm âm lịch.
 

Đầu năm đến chùa bình an

 

XƯA…

Theo dòng lịch sử, mái chùa là nơi bảo hộ và che chở cho cả dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Điển hình như vào thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547) đã xây dựng chùa Khai Quốc và đến đời vua Lê Hy Tông đã đổi tên là chùa Trấn Quốc. Ngày nay chùa nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông

(Nhớ Chùa – HT. Thích Mãn Giác)

Ngày xưa kia, tức là cái ngày mà kỹ thuật công nghệ hiện đại của phương Tây chưa trở thành một làn sóng ồ ạt tiến vào phương Đông, thì chùa là nơi nương tựa tinh thần của một làng, một xã. Con cái đau ốm, người dân đến chùa. Cầu xin bình an, người dân đến chùa. Thiếu gạo thiếu ăn, người dân đến chùa. Vướng mắc gia đình, người dân đến chùa. Xin được học đạo, người dân đến chùa. Chùa trong tâm khảm của người dân Việt như một “trung tâm văn hóa” của làng xã. Lời kinh tiếng kệ, tiếng mõ tiếng chuông trong thời công phu như “món ăn tinh thần” không thể thiếu, giúp xoa dịu những tổn thương bên trong, giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau của con người. Mỗi khi chuông đại hồng vang lên là vọng thức tâm hồn. Nghe tiếng chuông sớm là mọi người biết giờ vác cuốc đi đồng áng, nghe hồi chuông chiều là dân làng biết đến giờ nghỉ tay.

Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới

Xa xôi tăm tối cũng đều nghe

Những ai lạc bước mau dừng lại

Tỉnh giấc hôn mê thấy nẻo về.

(Kệ thỉnh chuông đại hồng)

…VÀ NAY

Xuân khi xưa trong chùa cũng nhẹ nhàng với những nồi bánh chưng, bánh tét. Cứ đến những ngày giáp Tết là dân làng lại tụ họp về chùa để cùng nhau gói bánh và trang trí mai, đào. Vài lời kinh thanh thoát trầm bổng khiến cho ngày Tết thêm phần ấm cúng.

Thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ kỹ thuật số. Con người có nhiều hình thức vui chơi giải trí hơn thế hệ ông bà ngày xưa. Dần dần, nếp cũ bị mai một và quên lãng. Có chăng chỉ được nhìn thấy và tái hiện trong những mùa triển lãm lễ hội dân tộc.

Cùng trong tinh thần nhập thế, các chùa ngày nay đã trang trí và làm các mô hình vui tươi nhằm phục vụ thị hiếu ngày Tết của du khách thập phương. Cụ thể là chùa Hoằng Pháp, hằng năm vẫn duy trì và tiếp tục thực hiện các tiểu cảnh, mô hình phù hợp với không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài mai đào, mọi người có thể đứng “tạo dáng” bên những ô cửa sổ, những chiếc xe lam, những vòng hoa hay mô hình linh vật của năm. Đi một vòng quanh chùa, đâu đó bạn sẽ phát hiện những nồi bánh, những bếp lửa, những ngôi nhà tre lợp lá dân dã, những bụi chuối thôn quê… Bất giác sẽ khiến bạn bùi ngùi, xao xuyến.

Chùa cũng tặng lộc lì xì đầu năm cho du khách đến viếng kèm theo một vài câu thơ ý nghĩa về mùa xuân và cuộc sống. Nhờ đó, mọi người vừa được vãn cảnh, vừa được một chút phần quà tinh thần. Niềm hoan hỷ sẽ nở trên môi du khách và trong lòng cũng tràn đầy niềm vui sướng.

Tết chùa ngày nay tuy không nhẹ nhàng, im ắng như ngày xưa nữa, cũng bởi thế sự đã đổi thay. Tuy nhiên, trong biến đổi phù sinh ấy vẫn hiển hiện sự tùy duyên bất biến để làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Một câu kinh, một lời Phật dạy, tuy ngắn thôi, cũng có thể chữa lành tâm hồn và đánh thức sự tỉnh giác nơi tâm mỗi người trong chúng ta.

Chùa là chốn về bình yên, là bến đỗ yêu thương, là suối nguồn hạnh phúc!

Cầu chúc mọi người gia đạo bình an và cát tường như ý trong ngày đầu năm mới!

Tâm Cung

Tin tức liên quan

Lễ kỷ niệm 12 năm thành lập nhóm Hộ Pháp
11/01/2024
Trùng Sinh Ân Nặng
22/06/2023
Nâng Niu Cảm Xúc
17/06/2023
Có Phật đời bớt khổ
27/05/2023
Người hiền sống trong tỉnh thức
13/05/2023