Bài viết

Đạo tràng của Bồ tát

Cập nhật: 11/05/2007
Ngày xưa ở một ngôi chùa lớn tại Trung Quốc, có một vị sư nổi tiếng là khùng. Thầy không bao giờ ở chùa, quanh năm mặc cái áo rách đi lang thang la cà khắp các trà đình tửu điếm bạn với những kẻ côn đồ, xì ke, ma túy. Những kẻ này sau khi giao thiệp với thầy, phần lớn đâm ra hiền lương và trở thành những hiệp sĩ ưa giúp đời. Chúng tụ tập tại các bến xe, đỡ đần gánh nặng cho những người già yếu, sản phụ trẻ con. Sau những giờ làm việc nghĩa, chúng hội họp ôn lại những lời dạy bảo của vị sư khùng. Ðược biếu món gì ngon chúng để dành cúng dường vị thầy yêu mến vì lâu lâu chúng mới chúng mới thấy được bóng thầy ngất ngưỡng trở về đô thị một lần. Thầy đi đâu? Thì ra chỗ hóa duyên của thầy là một làng đánh cá ở ven biển. Thầy thường ở trong làng đó, thỉnh thoảng mới trở về chùa một vài ngày, vào các dịp giỗ lớn.
 

Đạo tràng của Bồ tát

 
    Chúng tăng trong chùa rất bực bội về bề ngoài của thầy khùng, thật là mất hết thể thống của một vị tăng. Nhất là khi họ thấy thầy không thường trai như quy luật nhà chùa. Thầy không đòi ăn gì khác hơn đại chúng mỗi khi về chùa, nhưng buổi sáng thầy về thì buổi chiều họ đã thấy "bổn đạo" của thầy ở biển gánh tới chùa một gánh cá biển, tôm, cua, đủ thứ sơn hào hải vị để cúng dường. Thầy quát mắng:

   - Tiên sư tụi bay, ta ăn gì hết mà gánh tới nhiều dữ vậy? Lần sau có muốn đem cho thì chỉ cho tao một con cá là đủ.

   Một điều quái lạ, mặc dù thầy đối với họ có vẻ thô lỗ cộc cản, những người đánh cá xem ra rất kính trọng thầy. Họ xoa tay cười nịnh:

  - Dạ để thầy biếu bà con trong chùa... Chúng con nghĩ là chùa đông người.
  - Ý, tụi bay ngu. Các thầy chùa không có hạp thứ này, hiểu chưa? Chỉ có tao. Thôi, về đi.

  Họ riu ríu kéo nhau ra về, hớn hở sau khi được cúng dường thầy vài con cá, và được gặp thầy. Ðến giờ thọ trai, thầy ngồi vào bàn chư tăng, xách theo con cá biển mới luộc. Tăng chúng không chịu nổi mùi tanh, vác chén chạy, tránh ngồi gần thầy. Thầy cười hề hề điềm nhiên gắp cá luộc chấm nước tương ăn qua bữa.

   Chỉ có vị phương trượng hình như rất hiểu và thương thầy, do đó tăng chúng không dám bàn ra tán vào mặc dù thái độ nghêng ngang của thầy. Vì lâu lắm thầy mới về chùa, nên phương trượng cùng ngồi chung bàn với các đệ tử vào những dịp ấy. Ðó là một biểu lộ rõ rệt của lòng ưu ái nơi bậc thầy khả kính. Có thầy, phương trượng vui hẳn lên. Hai thầy trò đàm đạo rất tương đắc. Phương trượng dường như không mấy may quan tâm tới mùi tanh nồng nặc của con cá thầy đang ăn, mặc dù chính ngài thì đang dùng rau muống luộc.

   Trong bữa ăn ấy, thầy khùng lỡ đánh rắm kêu cái đùng. Thầy điềm nhiên bỏ đũa, ra trước đại chúng lạy ba lạy sám hối. Lạy xong, trở về chỗ cũ tiếp tục ăn. Vài người không nhịn cười được, vừa ăn vừa cười khúc khích. Thầy quắc mắt, mắng:

   - Tiên sư tụi bay, ta đã lạy sám hối, còn cười cái gì? Ngồi ăn trước mặt thầy không được cười giỡn.

   Bẵng đi một dạo khá lâu, thầy không trở về chùa. Một buổi chiều nọ, tăng chúng thấy thầy thất thểu bước lên đồi, dẫn đến chùa, mặt mày nghiêm trang khác hẳn mọi khi. Chúng ra chào thầy:

  - Hôm nay sao sư huynh nghiêm trang thế?
  - Ngày mai về giỗ tổ, ta về bái biệt thầy đây.
  - Sư huynh đi đâu?
  - Về chầu tổ.

   Ðại chúng cười rộ, không tin lời thầy. Nhưng đến giờ ngọ hôm sau, tắm rửa xong thầy vào nhà lạy phương trượng ba lạy từ biệt và bảo đại chúng:
  - Hãy lên chuông trống bát nhã đi. Tây phương tam thánh sắp đến rước ta rồi.

  Ðại chúng chưa tin hẳn, nhưng nhìn ra thì thấy cả làng đánh cá ùn ùn kéo lên chùa tiễn đưa sư phụ của họ về Tây phương. Một mùi hương lạ xông khắp, và trên hư không, mọi người đều trông thấy ba luồng ánh sáng chói lòa của Tây phương tam thánh (Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí) đến rước người con yêu dấu của các Ngài khi vị này đã mãn duyên hóa độ.

  Ba hồi chuông trống vang rền, trong khi sư khùng điềm nhiên tọa tịch trong tư thế kiết già. Ðại chúng rơi lụy sặp lạy sám hối trước con người mà họ thường báng bổ vì không thể hiểu thấu hành tung của Ngài. Sau khi ngài thị tịch, đại chúng hỏi phương trượng:

   - Bạch thầy, thì ra sư huynh chúng con tu mật hạnh khó nghĩ bàn. Nhưng tại sao người phải làm như vậy, sao không sống bình thường như những vị khác?

   - Ðể hóa độ những dân dao búa, đệ tử ta phải là như vậy. Nhờ ông ấy mà cả làng đánh cá mới quy y theo Phật, đa số bỏ hẳn nghề ác. Cho nên xét người, các ông chớ nên chỉ xét bề ngoài. Ðức Phật đã dạy: "Nếu thấy tướng mà không chấp tướng mới thấy được Phật", các ông phải nhớ lấy điều ấy.

(Theo chuyện kể của Hòa thượng Thiền Tâm)

Tin tức liên quan

CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Tưởng niệm Tổ Sư khai sáng chùa Quang Đức - Cần Thơ lần thứ 34
29/11/2024
GÁNH MẸ
29/11/2024
EM CÒN NỢ EM
26/11/2024
Lễ huý kỵ nhớ về Sư Tổ
19/11/2024