Đúng 9h00 đạo tràng cung thỉnh ĐĐ. Thích Tâm Hạnh, chư Tăng Tổ đình Hoằng Pháp, chia sẻ thời Pháp thoại với chủ đề Lịch sử Đức Phật Thích ca Mâu Ni. trong thời pháp thoại, Đại đức giảng sư đã nói về ý nghĩa thật cụ thể, dùng từ ví dụ và tương tác thật ví von làm cho thời pháp thêm sinh động, nhưng không kém phần trang nghiêm.
Tiền thân của đức Phật Thích Ca là Bồ tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất. Khi sắp hết thọ mạng thì ngài quan sát và chọn thời kỳ thích hợp, chọn châu quận, quốc độ, dòng tộc, chọn người mẹ thích hợp, chọn tuổi thọ của chúng sanh, ngày tháng thích hợp. Đức Phật đản sinh vào năm 624 trước Tây lịch, ngày Trăng tròn tháng Vesak, và được đặt tên là Siddhattha (Siddartha, Sarvarthasiddha) có nghĩa là “Người thành đạt nguyện vọng” hay còn gọi là Tất Đạt Đa, tại vườn Lâm Tỳ Ni – nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha, Nepal.
Vesak là gì? Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, Vesak là tên gọi của một tháng theo lịch xưa của nước Ấn Độ trong thời đức Phật, tháng Vesak tương đương tháng Năm Dương lịch, và tháng Tư Âm lịch. Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo (Tích Lan) được tổ chức từ 25/05 đến 08/06/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật Đản quốc tế là ngày Rằm tháng Tư Âm lịch.
Sau thời pháp thoại, đạo tràng cung thỉnh chư Tôn đức Tăng Ni lân cận và chư Tăng trong tông phong Tổ đình Hoằng Pháp quang lâm Pháp đường cùng đạo tràng làm lễ Phật Đản cũng như sái tịnh, tắm Phật,
“Con nay rưới tắm các Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh năm trược rời trần cấu
Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân…”
(Trích kệ tắm Phật)
Chùa Đăng Pháp đang trong thời kỳ hoàn thiện xây dựng Chánh điện nên tổ chức ở góc sân. Tuy vậy, đạo tràng với gần 400 người luôn tập trung chăm chú lắng nghe theo dõi thời pháp thoại cũng như trang nghiêm làm lễ.