Suy Ngẫm

Cuộc sống đầy những khó khăn và sáu phương pháp ứng phó – Phần 5

Cập nhật: 09/04/2017
5. Làm điều thiện và tránh điều ác, trân trọng những giây phút lỗi lầm hoặc điên rồ của bạn, và cầu nguyện để được trợ giúp.
 

Cuộc sống đầy những khó khăn và sáu phương pháp ứng phó – Phần 5

 

Giờ thì khẩu hiệu thứ năm đưa chúng ta trở lại mặt đất. Nếu các giáo lý tâm linh thực sự hữu ích và có thể biến chuyển cuộc đời chúng ta, cần phải có sự liên kết giữa tâm linh và thế tục. Nếu ta có khả năng thực hành sâu sắc nhưng lại không thể ứng dụng vào thực tế thì cũng không tốt. Nếu chúng ta có đầy đủ những hiểu biết sâu xa, tuyệt vời về mặt tâm linh nhưng lại thiếu khả năng sống và trải nghiệm tất cả những sự việc của thế tục với tâm an lạc trong 1 ngày thì cũng chưa phải là khéo tu. Nếu chúng ta có thể tu học đến độ siêu việt, có lòng từ bi vô bờ, nhưng lại không thể giải quyết một vấn đề bình thường của con người trên thế giới trần tục này thì đây chính là lúc các vị Thiền sư cho chúng ta một gậy để cảnh tỉnh và nói, "Hãy đi rửa chén và dẹp ông Phật đi!". Ngược lại, nếu chúng ta quá tập trung giải quyết các vấn đề trần tục một cách khéo léo, nếu chúng ta quá quan tâm đến các chi tiết như cảm nhận của chúng ta và người khác như thế nào, họ cần gì hoặc muốn gì, thì trí huệ, Phật tánh không thể hiện tiền. Lúc này, chúng ta sẽ ngập chìm trong rất nhiều thứ như là nghĩa vụ, các chi tiết, và các công việc sự vụ hàng ngày. Đây chính là lúc vị Thiền sư lại xuất hiện và cảnh tỉnh ta. Chúng ta cần cả triết lý tôn giáo, tâm linh sâu sắc và cả các hiểu biết lẫn kỹ năng ứng xử đời thường. Nhu cầu song đôi này, tùy theo từng hoàn cảnh, rất cần thiết đối với con người. Chúng ta đã chiêm nghiệm thực tại chính là Phật và thực hành tánh Không. Điều đó là quan trọng. Bây giờ đã đến lúc trở lại trái đất.

Thứ nhất, hãy làm điều tốt; làm những việc tích cực như:

* Chào hỏi và mỉm cười với mọi người,

* Quan tâm và gửi lời chúc mừng vào ngày sinh nhật của mọi người

* Lắng nghe, nói những lời chia sẻ, cảm thông, sẵn lòng hỗ trợ khi người khác gặp chuyện không may.

Đây là sự tử tế và lịch thiệp trong xã hội văn minh mà người ta thường nói và làm hàng ngày. Nhưng để thực hiện theo phương diện tu học thì ta cần phải thực hành sâu hơn, để ý đến những gì mình nói và gửi gắm cả tấm lòng vào đó. Chúng ta thực lòng nỗ lực để trở nên hữu ích, nhân ái và chu đáo trong từng việc nhỏ cũng như lớn mỗi ngày.

Thứ hai, tránh điều xấu, ác:

Ta cần phải chú ý đến các hành động của thân, khẩu, ý, quán sát xem chúng ta có làm, nói, hoặc nghĩ những điều có hại hoặc không được tử tế, thiếu thân thiện với người khác hay không. Đến giai đoạn này, chúng ta không thể không nhận biết lúc những suy nghĩ tồi tệ xuất hiện trong đầu. Khi nhận ra chúng, ta biết điều đó là xấu chứ không tự biện hộ như trước kia: "Chà, tôi nói điều đó chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc. Cần phải nói rõ ra thì người khác mới nhận ra được vấn đề. Nếu không động chạm đến tôi thì tôi đã không nói. Đó là lỗi của cô ấy…” Giờ thì chúng ta thấy rằng tất cả những điều đó chỉ là sự bào chữa để tự bảo vệ mình (xin nhớ cho rằng chúng ta đang thực hành quy tất cả những lỗi lầm về một mối, không đổ lỗi cho ai và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì chúng ta đã làm). Vì vậy, chúng ta quán sát những điều chúng ta nói, suy nghĩ, và làm, không thành kiến, không yêu cầu sự tinh tế hoàn hảo, nhưng nhìn thẳng vào vấn đề với sự thấu hiểu và khoan dung. Cuối cùng chúng ta thanh lọc hầu hết những suy nghĩ và lời nói không lành mạnh ra khỏi thân tâm.

Hai thực hành cuối cùng trong phần này: đánh giá cao sự điên rồ của bạn và cầu nguyện để được giúp đỡ. Điều này có liên quan đến hai đối tượng bên trong bạn: ma quỷ (thế lực xấu ác ngăn cản và quấy phá khi bạn siêng năng tu học thực hành) và những vị hộ pháp (thế lực tốt hộ trì, hỗ trợ, giúp bạn tu học tinh tấn). Tuy nhiên, đối với các mục đích của chúng ta bây giờ, tốt hơn là nên xem xét vấn đề với quan điểm rộng hơn.

Đối với thế lực xấu ác trong ta, chúng ta có thể áp dụng thái độ "đồng cảm với những giây phút điên rồ hay yếu lòng của bạn." bao gồm cả sự yếu đuối, sự điên khùng, sự phản kháng của riêng bạn. Thay vì có thái độ sân si, thù hằn, lên án hay muốn tiêu diệt những điều xấu ác đó, bạn hãy hài hòa và chấp nhận thực tế rằng trong ta có những tật xấu như là ích kỷ, rối rắm, lười nhác, phẫn nộ và vân vân. Chúng ta thừa nhận sự tồn tại của chúng trong ta và tiếp nhận chúng một cách trung thực. Chúng ta đã được đào tạo bài bản để nhận biết chúng, để thay đổi và tiến lên. Đây là những điều kỳ diệu trong đời chúng ta, từ cách ta được nuôi dạy, từ xã hội mà ta đang sống. Chúng ta tận dụng những điều tiêu cực mà ta gặp phải trong đời để tinh tấn và phát triển, đồng thời, cố gắng chế ngự và nhẹ nhàng chuyển biến chúng hướng về nẻo tốt. Ta có thể gọi điều này là cúng dường cho thế lực ma quỷ bên trong chúng ta, tự hài hước với sự ngớ ngẩn, ngu ngơ, kém cỏi của mình. Chúng ta thân thiện với yếu điểm của bản thân, có thể tự trào phúng, tự cười chính mình và cả người khác nữa.

Còn tiếp

Việt dịch: Diệu Liên Hoa

BỞI NORMAN FISCHER – Lion’s Roar

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018