Suy Ngẫm

Cuộc sống đầy những khó khăn và sáu phương pháp ứng phó – Phần 2

Cập nhật: 06/04/2017
Thường thì chúng ta hay đánh đồng đức tính kiên nhẫn với sự thụ động và ù lì. Trong mắt ta, kiên nhẫn trông chẳng hay ho, long lanh và được khen ngợi ngang với những phẩm chất khác như tình yêu, lòng từ bi hay sự sáng suốt chẳng hạn. Thế nhưng khi vấp phải khó khăn trở ngại đời thường, khi tình yêu trở thành nỗi phiền toái, lòng từ bi bị nỗi sợ hãi lấn át và sự sáng suốt bốc hơi khỏi tâm trí của ta, thì sự kiên nhẫn bắt đầu tỏa sáng và trở nên có ý nghĩa. Cho nên đối với tôi, đó là đức tính đáng kể nhất, ích lợi nhất và đáng tin cậy nhất trong tất cả các phẩm chất tinh thần. Không có kiên nhẫn, tất cả các phẩm chất khác đều dễ dao động và thiếu tính bền vững.
 

Cuộc sống đầy những khó khăn và sáu phương pháp ứng phó – Phần 2

 

Việc thực hành tính kiên nhẫn cũng khá đơn giản. Khi gặp khó khăn, hãy để ý đến những điều mà chúng ta cố gắng né tránh, dù là một cách rõ ràng hoặc mơ hồ, trong lời nói và việc làm của chúng ta. Những điều nho nhỏ nhưng lại khiến ta phải chùn chân, e sợ hoặc mím môi, nắm chặt tay lại, cồ gắng kềm chế, ví dụ như một câu nói hay một hành động của người khác chẳng hạn.

Thực hành kiên nhẫn là nhận ra những động thái, cảm xúc trên và mạnh dạn đối diện với chúng. Ta có thể dùng phương pháp kiểm soát hơi thở hoặc giữ chánh niệm nhìn ngắm chúng và để cho mọi việc qua đi hơn là phản ứng lại. Khi chúng ta thấy chính mình đang chạy trốn, hãy giữ mình đứng lại và đảo ngược tình hình, tập trung vào những cảm xúc phiền não bên trong chúng ta, hiểu rằng chúng là đương nhiên và bình thường trong những hoàn cảnh như thế này. Ta biết rằng trốn tránh không phải là giải pháp.

Chúng ta ngăn không cho bản thân mình lúng túng hay bối rối khi đối diện với những cảm xúc đó. Thay vào đó, cứ để chúng xuất hiện một cách tự nhiên. Ta tha thứ cho chính mình vì đã để cho chúng xuất hiện. Ta tha thứ cho ai đó vì họ đã gây trở ngại hoặc đau khổ cho ta. Và với lòng dung thứ đó (dù là chỉ tạm thời), trong ta sẽ xuất hiện cảm giác nhẹ nhõm và thậm chí là biết ơn. Điều này nghe có vẻ cường điệu, xa vời và khó tin, nhưng đó chính là các bước huấn luyện tâm. Chúng ta không nói về phép lạ; chúng ta không nói về niềm tin hay mong ước. Chúng ta đang nói về việc rèn luyện tâm. Nếu bạn ngồi thiền hàng ngày và tâm luôn ghi nhớ khẩu hiệu “hãy biến tất cả thành con đường”, viết chúng ra, và lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Bạn sẽ thấy tâm và trí của mình dần thay đổi như tôi nói. Cái cách mà tâm bạn phản ứng với khó khăn không phải là cố định, mà có thể thay đổi và có thể rèn luyện để trở nên tinh tấn.

Một khi bạn có thể phản ứng một cách tích cực hơn so với cách bạn vẫn làm, bạn sẽ cảm thấy được khích lệ, và lần sau bạn sẽ có thể làm tốt hơn nữa. Khi gặp phải khó khăn, bạn cố gắng không thốt ra câu, "Chết tiệt! Tại sao cái điều quỷ quái này lại xảy ra chứ? " hay là dùng những ngôn từ nhiếc móc thô lỗ khác. Thay vào đó, bạn bắt đầu nói," Ồ, chuyện bình thường thôi mà. Mình có thể tận dụng cơ hội này để rèn luyện, tinh tấn, mình nên thấy biết ơn vì cơ hội này thay vì giận dữ ". Bởi vì đây thật sự là dịp giúp bạn ý thức được rằng bạn đang sống chứ không phải chết, sống trong thân này chứ không phải là một thân nào khác. Đây là cõi tục chứ không phải thế giới siêu phàm. Bởi vì loài người chúng ta chính là như vậy, và những điều tồi tệ sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là điều đương nhiên và quá đỗi bình thường trên cuộc đời này, không thể tránh được và cũng đừng ngạc nhiên khi nó xảy ra. Đó không phải sai lầm gì ghê gớm hay là tội lỗi tày đình của ai đó. Chúng ta có thể tận dụng những cơ hội này để tăng thêm lòng biết ơn và lòng trắc ẩn trong ta.

2. Quy lỗi cho 1 đối tượng duy nhất

Khẩu hiệu thứ hai trong việc chuyển đổi hoàn cảnh khó khăn này là: quy tất cả mọi tội lỗi về 1 mối. Nghĩa là sao? Nghĩa là: cho dù bất cứ điều gì xảy ra, ta đừng bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai hay bất cứ vật gì ; mà hãy quy về cho chính mình. Nhưng mà thường thì chúng ta rất biết cách tự trách mình. Đâu cần câu khẩu hiệu này dạy thì ta mới biết chứ!

Thực ra, câu này mang một ý nghĩa khác. Đó là đừng trách cứ, truy tìm hoặc quy lỗi cho bất kỳ ai, kể cả chính bạn, khi có một điều gì đó tồi tệ xảy ra. Thậm chí nếu đó thực sự là lỗi của một ai đó, bạn cũng đừng trách họ. Việc gì xảy ra thì cũng xảy ra rồi, trách cứ không thể giải quyết hay thay đổi được gì cả. Vậy tại sao ta không biến chúng thành cơ hội hữu ích cho ta?

Tất cả những gì xảy ra, ví dụ như thảm họa chẳng hạn, cho dù có là lỗi của ai đó hay không thì chúng luôn ẩn chứa một lợi ích hoặc một bài học tiềm tàng trong đó cho ta. Nhiệm vụ của ta là hãy đọc được ý nghĩa của sự kiện này. Vì thế câu khẩu hiệu này có nghĩa rằng: bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trong cuộc đời bạn.

“Ồ điều này thật là tồi tệ”, “đây không phải là những gì tôi muốn”, “chúng thật là phiền toái và rắc rối”. Thế nhưng… tôi sẽ làm gì với nó? Tôi có thể học được gì từ sự việc này? Tôi sẽ dùng nó như thế nào để mang lại lợi lạc cho con đường tu học của tôi? Đây là những câu hỏi, và ta hoàn toàn có quyền trả lời chúng theo cách ta muốn. Điều này tùy thuộc vào khả năng và sức mạnh của bạn. Quy tất cả các lỗi lầm về một mối là cách thực hành vĩ đại để vượt qua cái thói quen than phiền và rên rỉ của con người, tìm thấy mặt tích cực của vấn đề và chuyển hóa mọi sự vật buồn vui ta gặp trong đời thành con đường, thành Đạo nghiệp. Bạn đang ở ngay đây, đối mặt với vấn đề này. Không có đường vòng để né tránh mà phải trực diện giải quyết chúng và tiến lên. Bạn hãy lặp lại khẩu hiệu này nhiều lần để thực tập.

Còn tiếp

Việt dịch: Diệu Liên Hoa

NORMAN FISCHER– Lion’s Roar

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018