Cửa đã gõ sao không ai ra mở?
Năm nay, sư em đã ngoài ba mươi. Với vẻ bề ngoài béo khỏe, rắn rỏi, ai cũng nghĩ sư em là một người mạnh dạn, hòa đồng với mọi người. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược: Sư em là một người ít nói, nhút nhát trong giao tiếp, thường sống thu mình trong vỏ bọc do bản thân tạo ra. Cũng chính vì điều này, dường như sư em đã tự tạo nên một bức tường ngăn cách với thế giới xung quanh. Suốt ngày, em chỉ lầm lũi với công việc đại chúng phân công. Nhiều lúc, sự im lặng không cần thiết ấy đã phần nào tạo nên những ấn tượng không tốt trong cách nhìn và suy nghĩ của nhiều người đối với em.
Hiểu được tâm lý sư em nên Sư Phụ và quý sư anh cũng thường nhắc nhở, động viên em thay đổi để hòa nhập hơn với mọi người. Có lẽ, tận sâu trong tâm khảm, ai trong chúng ta cũng đều mong bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, có nhiều phẩm chất tốt đẹp, được mọi người thương mến và làm được nhiều việc có ích cho đời. Tôi nghĩ sư em cũng là một người như thế. Có điều, nhiều khi những thứ ta mong muốn lại chẳng trở thành hiện thực. Phần do tự thân mỗi người chưa thật sự cố gắng để đổi thay; phần do những tác động bên ngoài làm hao mòn ý chí trong ta.
Nhưng trong thời gian gần đây, sư em đã thật sự có những thay đổi khá tích cực. Trong quá trình “thay da đổi thịt” để trở thành một người hoàn thiện, em phải tập nhẫn nhịn, chịu đựng những giông bão của cuộc đời. Tôi thấy trong sư em ẩn chứa một con người biết cầu tiến, biết lắng nghe để thay đổi. Những ngày sắp đi thọ Đại giới, Sư Phụ yêu cầu tất cả anh em đều phải thực hiện đúng các nghi thức tụng kinh, niệm Phật, nếu không tốt thì phải chờ thọ giới vào lần sau. Một phần do chất giọng của sư em không được tốt – hay nói thật ra là hơi “độc và lạ”, khó tìm được phiên bản thứ hai, một phần do thiếu tự tin trước đám đông, nên mỗi khi sư em cất giọng là đại chúng không thể nhịn được cười. Chính vì lý do này, sư em đã bỏ lỡ cơ hội được thọ giới vào những lần trước đó. Biết thế nên mỗi lần đến phiên em tụng kinh, các sư anh thường ngồi kế bên để giữ nhịp và hướng dẫn em tụng niệm.
Thành công nào đạt được mà không phải trải qua nước mắt, mồ hôi hay đôi khi, cả những dòng máu đỏ? Dù ở trên phòng hay đi đâu, làm gì, miệng sư em cũng thường “ngân nga” câu niệm Phật. Những lúc như thế, thảng hoặc có gặp các sư anh, em hay hỏi: “Em niệm Phật vậy đã đúng chưa sư anh?”. Các sư anh luôn cởi mở, nhiệt tình chỉ dẫn những chỗ mà em chưa đúng và ai cũng đều mong muốn sư em sẽ tiến bộ hơn. Nhưng vì thiếu tự tin, đến khi cầm micro lên để tụng kinh hay niệm Phật, em cứ lắp bắp không thành vần điệu. Áp lực trước những ánh mắt chung quanh làm vầng trán và chiếc y của em ướt đẫm mồ hôi. Chiếc dùi mõ được nâng đỡ bằng đôi bàn tay run lẩy bẩy đã làm tay em chảy máu, dán đầy băng keo. Dù vậy, tất cả những điều này không làm em nản chí, em vẫn cố gắng hết mình và hạnh phúc đã nở thành nụ cười trên đôi môi em, khi một lần được Sư Phụ khen rằng: “Nay con đã tiến bộ rồi đó!”
Người đời thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Con người sinh ra ở cõi này, không có ai hoàn hảo cả. Có người tốt mặt này thì lại xấu mặt kia, ai cũng có ưu điểm và nhược điểm của mình. Do đó, chuyện mắc phải sai lầm, không ít thì nhiều, ở mỗi người là chuyện tất nhiên. Điều quan trọng là chúng ta có biết sửa sai hay không? Trong văn Thủy Sám có dẫn lời đức Phật dạy: “Ở đời có hai hạng người mạnh nhất: Một là hạng người không tạo tội. Hai là hạng người tạo tội rồi mà biết ăn năn, sám hối”. Người không tạo tội thì chỉ có bậc Thánh, còn hàng phàm phu chúng ta thì theo kinh Địa Tạng nói: “Khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”. Thế nên đủ biết, trong tâm mỗi người tâm thiện thì ít mà tâm ác thì nhiều.
Mỗi ngày, chúng ta xem tin tức trên những trang báo, thấy những chuyện cướp của, giết người rùng rợn: con giết cha mẹ chỉ vì không được cho tiền để ăn chơi; vợ chồng giết nhau chỉ vì những phút ghen tuông; bạn bè thanh toán lẫn nhau vì một câu nói khích... Chuyện thị phi, chỉ trích xảy ra mọi lúc mọi nơi. Do đó, chúng ta sống cần phải có lập trường vững chắc. Khi nghe những lời khen chê, chỉ trích, phê bình, chúng ta phải bình tĩnh để xem xét sự việc, xem có đúng như lời họ nói không; nếu có phạm sai lầm thì mình sửa đổi, còn không có thì coi như không nghe, giữ cho tâm thanh thản. Điều quan trọng nhất là sợ chính mình làm sai mà không biết, do cái tôi quá lớn. Vì thế, điều thứ năm trong mười bốn điều dạy của Phật là “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”. Có khi, chúng ta đánh mất mình vì sức mạnh đồng tiền, sắc đẹp, hoặc địa vị danh vọng... Và kết quả là chúng ta đánh mất cả tương lai, lý tưởng, hoài bão của người tu sĩ khi không thể làm chủ được chính mình. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy:
“Dù tại bãi chiến trường,
Thắng hàng ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng”.
Ở một chiến trường khác, chúng ta đừng biến mình thành bản sao của nhân vật Chí Phèo mà nhà văn Nam Cao đã xây dựng. Một con người mất nhân tính, một con quỷ dữ đã phá tan bao cơ nghiệp, đập nát bao yên vui, hạnh phúc, làm máu và nước mắt của biết bao người lương thiện phải chảy. Để rồi một ngày chất người trong Chí trỗi dậy, ý thức về nhân phẩm trở lại khi tình yêu với Thị Nở nảy mầm, Chí Phèo bỗng cảm thấy “thèm lương thiện” và “muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Câu hỏi cuối cùng của Chí Phèo: “Ai cho tao lương thiện?” là câu hỏi chất chứa phẫn uất, đau đớn, cứ mãi làm day dứt lòng người. Làm thế nào để con người sống được một cuộc sống lương thiện, bình dị giữa cái xã hội tàn bạo, ngột ngạt, vùi dập nhân tính ấy?
Cũng vậy, một người muốn thay đổi bản thân, nhưng những người trong gia đình, xã hội lại không bao dung, nâng đỡ, yêu thương, giúp đỡ, đồng cảm,… thì làm sao người ấy có động lực để vượt qua chướng ngại của chính mình. Suy rộng ra tới những người đã có quá khứ sai đường, lạc lối trên đường đời, khi mà họ muốn tái hòa nhập cộng đồng, thử hỏi xã hội này có chấp nhận triệt để hay không? Loài người được xem là động vật thông minh nhất, nhưng đôi khi lại hành xử thiếu tinh tế, thiếu cảm thông và nhân văn, vậy nên mới không thể dành cho người khác một cơ hội làm lại cuộc đời. Chúng ta thường cố tạo nên những bức tường định kiến để phân biệt đối xử, ruồng bỏ và bình phẩm nhân cách của họ. Nhưng thật ra, họ là những con người đáng được trân trọng! Theo lời dạy của đức Thế Tôn, họ là những người có sức mạnh, đủ dũng khí khi tạo tội rồi lại biết ăn năn, sám hối. Một hành giả tu theo lời dạy của đức Phật mà lại thiếu vắng tình thương yêu, quả thật là một thiếu sót rất lớn. Chúng ta đã không thể giúp cho tâm hồn họ nở hoa, thì cũng đừng nên làm những hạt giống thiện trong họ khô héo. Vì đó là việc làm ngăn cản con đường hướng đến quả vị an vui, giải thoát của mỗi người. Đừng biến mình thành cá thể trong một xã hội vô tâm, thiếu tình người, cũng đừng để mình bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất đang lên ngôi, làm mất dần đi giá trị đạo đức vốn có trong tâm hồn.
Martha Washington có một câu nói rất hay: “Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh”. Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu biết biến khuyết điểm thành lợi thế thì điều đó còn kỳ diệu hơn. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta giúp người khác một điều đơn giản, nhưng ý nghĩa và sức ảnh hưởng của nó thì lại không hề nhỏ. Hãy để tâm mình luôn rộng mở, bạn đừng khóa tâm hồn mình lại, vì khi khóa rồi sẽ rất khó để tìm được chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn ra một lần nữa. Tệ hại hơn, nếu chiếc chìa khóa ấy không thể tìm ra thì tương lai bạn sẽ trở nên vô định, như một chuyến đò mãi chẳng cập bến, trôi nổi trên dòng biển sinh tử, để rồi sau cùng chịu cái nạn khổ đau miên viễn. “Mỗi người bạn là một món quà mà cuộc sống trao tặng cho chúng ta”. Vì vậy, hãy luôn mở cánh cửa tâm hồn của mình ra, để giúp họ có thêm cơ hội đổi thay, làm mới cuộc đời. Và điều quan trọng nhất, khi làm vậy là bạn đã trao cho họ niềm tin vào chính mình, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua mọi trở ngại của bản thân. Đừng đợi đến khi có người gõ cửa bạn mới loay hoay kiếm tìm chiếc chìa khóa thì đã quá muộn màng!
Cao Tâm