Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Cõng mai
Cập nhật: 14/02/2020
Nếu giống như sử sách ghi lại thì buổi sáng hôm đó, chắc là khoảng tháng giữa Đông, vị khách lạ kia gõ cửa tu viện với một cành mai to nặng, đương độ vác trên vai. Khi đó, gió mùa Tây Bắc đang ào ào thổi, tuyết rơi trùm phủ khắp cả xứ này…
Đó là câu chuyện được chép từ một ngọn núi, nơi tu viện phía Bắc thị trấn Odeti, Nhật Bản – chùa Thiên Môn, vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX.
Tổ sư khai sơn vốn là trưởng một tông phái võ học danh tiếng. Sau khi ngộ đạo, Tổ sư lập chùa, Tăng tục muôn xứ quy tụ về cầu đạo. Tông phong của tu viện, như cách mà người xưa gọi là “đãi cát tìm vàng”, môn sinh phải trải qua một quá trình công phu khổ hạnh, trước khi tự thấy có thể xuống núi tùy duyên hạnh nguyện.
Chỉ có điều… biết bao đệ tử của Tổ xuống núi rồi mà chưa thấy một ai trở về nguyên vẹn. Đó là điều đau đáu mà cho tận khi Ngài viên tịch năm 845, khi mà Hoàn Vũ Thiên Hoàng thiên đô từ Nại Lương về Koyoto năm thứ mười, vẫn một lòng mong mỏi…
Tổ sư tịch rồi, chỉ còn sư đệ, sư huynh. Người xuống núi, người trấn yên tu viện. Thời thế thay đổi, cứ thế xoay vần, tông phong lắm khi ngỡ rằng đã bị tuyết phong vùi lấp.
Thế mà giáp Tết năm ấy, giữa mùa Đông giá buốt, có một sự việc đặc biệt diễn ra nơi tu viện. Một lão khách lạ vác một cỗi mai đang độ khai xuyến, lấm lem gân guốc, tuyết trắng xóa cả người, gõ cửa tu viện.
Đại chúng hoang mang, vô cùng kinh ngạc, không ai quen biết. Hòa thượng Thiên Môn đang ngồi đọc sách ở Thính Tâm Đường, khi nghe thưa chuyện thì vội bước chạy ra phía trước. Gặp lão khách, Hòa thượng rùng mình, tay chân bủn rủn, bỗng nghiêm trang lớn tiếng:
“Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa”.
(Cưỡi lừa qua cầu nhỏ
Cảm thương mai rụng hoa).
Rồi hai câu tiếp thốt ra từ lão khách như nghìn phong vọng lại:
“Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà”.
(Người xưa sầu bạc tóc
Nước chảy mấy thu là!).
Hai người nhìn nhau, khách chủ đẫm lệ tròng như chìm vào cuộc hội ngộ nghìn năm muôn thuở. Sử sách xem cuộc trùng phùng này như điểm thời mai đào nở rực giữa mùa Đông ngút ngàn dài dặc.
Đó là bài thơ xưa, Tổ sư chép ra từ bức tranh thi họa cổ với một niềm mong mỏi: “Các con ơi! Đời tu hành lập nguyện đều như thế cả. Mai này các con có xuống núi, Thầy mong rằng được nhìn thấy chỉ một cành mai nguyên vẹn cũng đã thỏa mãn lắm rồi”.
Dù là muộn, nhưng là cuộc trở về lời hẹn với sơn tùng, tuế nguyệt…
Lão khách kia là sư huynh của Hòa thượng tu viện, trưởng tử tài hoa của Tổ sư. Bao nhiêu năm, tưởng chừng như chẳng bao giờ gặp lại. Giờ đây, huynh đệ tương phùng, “cỗi mai hoa như thỏi vàng duy nhất được gạn lọc bởi cả núi đồi sỏi đá”. Đây là lòng tri ân sâu sắc của người đệ tử, sau hơn nửa đời người dấn thân vào cuộc đời, tóc nay đã bạc, mắt đã mờ, nhưng tâm đã sáng, trí đã tinh, vầng trán vằng vặc như nguyệt:
“Ngã kim bạch vân quá
Không xứ cố vong gia”.
(Quên quê nhà, quên chốn
Ta nay mây trắng qua).
Bao nhiêu năm, một cành mai nguyên vẹn, nguyên sơ, xin gởi về lời mong mỏi xa xưa của bậc tiền bối:
“Thiên hạ minh mông, vị tằng nhất hữu
Môn trung lạc bạc, hà dĩ duy vô”.
(Thiên hạ mênh mông rộng lớn, chưa từng có một (người đệ tử)
Trong cửa (chùa) đơn sơ ít ỏi, (tuy thế), há lại không (có ai).
Đã hơn cả nghìn năm trôi qua, cuộc trùng phùng, sự trở về của cỗi mai kia còn nguyên giá trị cho lớp lớp người đi sau. Dẫu vận thế thay đổi, tuế nguyệt đã phủ lên vẻ nguyên sơ của nó.
Phật pháp không rời thế gian, “bất ly thế gian giác”, nhưng thật không dễ gì khi thân xác này, tâm hồn này còn chui lủi trong dòng đời ngũ trược thế gian. Hàng Đại sĩ ngày xưa, ví đời tu hành như một cuộc lội ngược dòng trước ngọn cuồng thác ngũ dục. Người không gan dạ, một phen lỡ bước liền bị cuốn phăng đi:
“Một bước sa chân muôn thuở hận
Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm”.
Phải là người có một nghị lực, ý chí phi thường mới bước chân hết được con đường của bậc Đại sĩ, mà vẫn uyên nguyên vác trên vai lão mai còn đúng vẻ nguyên sơ của nó. Mỗi hành giả khi cất bước, muốn đi tận cùng con đường không cùng tận, nhất định phải mang trong mình “tông phong” đó. Ngày xưa, thiền sư Hoàng Bá lúc thượng đường thường hay nhắc nhở đại chúng:
“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”.
Người xưa thường nói: “Xuất gia không phải là việc mà quan văn, quan võ có thể làm được”. Phải là kẻ chịu được một phen buốt thấu xương thì mới có thể ngửi được hương hoa mai. “Đời tu hành lập nguyện đều là như thế cả”, kẻ thiền môn phải dấn thân vào đạo, tìm cho được cỗi mai của mình và lan tỏa hương thơm cho thế gian. Dẫu biết rằng, con đường đó chẳng dễ gì, giữ được bản thân trong cuộc đời ngũ trược, vác cho được cành mai trở về là biết bao gian truân và nước mắt. Hãy vững bước, còn đó Thầy Tổ, còn đây huynh đệ cùng ta trên con đường vô thượng. Phải là cõng mai, chứ đừng vác trên mình cành củi khô, để sao chẳng phải một lòng hổ thẹn với lời người đi trước.
“Các con hỡi! Những huynh trưởng của các con thành tài, xin xuống núi, thế là hơn mười năm rồi, không có ai trở lại. Thế là đã như ông lão trong bức tranh kia, suốt bao ngày lặn lội, công phu tìm kiếm trên non cao tuyết giá, lúc về làng, qua cầu, ngoảnh nhìn lại – thì nhành mai tuyệt đẹp chỉ còn là nhánh củi khô!”.
(Được viết dựa trên Đạp Tuyết Tầm Mai – HT. Giới Đức).