Bài viết
Con Phật
Cập nhật: 20/07/2012
Ba thân yêu!
Con cám ơn ba vì ba đã cho con ra đời, cho con biết yêu tiếng hát nụ cười, yêu thiên nhiên cây cỏ, biết sống có đạo lý. Nhưng ngàn lần con xin cám ơn ba đã cho con biết đến lời kinh, câu kệ, biết tiếng niệm Di-đà, biết giáo lý cứu khổ của đức Thích-ca. Tuổi thơ của con là mỗi chủ nhật được ngồi sau yên xe, để ba cúc kích chở con đến chùa đi Gia Đình Phật tử. Con mặc chiếc váy lam, đội mũ hình chóp cụt, trên ngực áo cài huy hiệu hoa sen. Còn ba trong bộ đồng phục áo lam, quần short thật năng động, khỏe khoắn. Trong cái nắng chang chang trưa hè, con bé nhỏ ngây thơ đôi mắt xoe tròn ngồi sau lưng ba hồn nhiên ngắm cảnh vật hai bên đường. Con chẳng biết con đường còn bao xa thì mới đến chùa, chỉ biết khi thấy lưng áo ba ướt đẫm mồ hôi và chiếc xe đạp từ từ chậm lại, thấy bóng nắng hai cha con mình mất hút trong bóng râm của cây xoài ngay trước cổng chùa, là khi ấy con biết hai cha con mình đã tới nơi. Ba dựng chiếc xe cũ kỹ cho ngay ngắn lại, còn con chạy lon ton ùa vui cùng đám bạn oanh vũ đang chờ. Ba là ba và cũng là anh, vì ba làm huynh trưởng. Con chẳng biết xưng hô với ba thế nào mỗi khi ba gọi con lên trả bài thi lên bậc. Con cứ a ú ớ “Thưa ba… à quên, thưa anh” khiến mấy đứa bạn cứ cười bò ra. Giờ này mà còn đi gia đình, chắc con sẽ không như thế nữa. Anh hay ba gì cũng xong, trong đạo pháp chỉ có người đi trước, kẻ đến sau. Với con, ba mãi là cây cổ thụ vững chãi để con nương tựa, mãi là con trâu đầu đàn chắc nịch dẫn con qua sông đến chỗ cỏ mềm, nước trong để an tâm, dưỡng tánh.
Ba ơi! Không có ba, bây giờ con đã lạc đến nơi nào chẳng biết. Ngày con mới ra trường, ba nhìn con ba chân bốn cẳng chạy xin việc làm mà thấy đau đáu lòng. Con nhớ mãi câu nói của ba ngày ấy: “Rồi con cũng đi làm, lấy chồng, sinh con à!”. Con giật mình, nhìn sâu vào mắt ba, có cái gì đó man mác mà tĩnh tại, như sự chấp nhận của con người trước quy luật chung. Con nộp hồ sơ chỗ này chỗ khác, ba ngày ngày cuốc đất trồng rau. Thế rồi, tới một ngày, con nhìn thấy mắt ba chợt sáng và lóe lên một niềm hy vọng khác thường mà ngày đó con không thể nào cắt nghĩa được vì sao, khi con nói với ba con vừa tìm được một công việc ở chùa, con sẽ làm ở đó một thời gian.
Cũng như mọi lần con lên xe vào Sài Gòn, ba chở con ra bến xe và đợi khi nào con lên xe ba mới về. Trong những giờ phút mà người ta thường xem như tiễn biệt, xa cách, một điều thật lạ, ở bên ba con chẳng có cảm giác đó. Những chuyện trò của hai cha con trước giờ lên xe chỉ là những câu chuyện hiện tại, chuyện ông xe ôm bên cạnh, chuyện chiếc xe tải đang tới. Ba ngồi bệt xuống đất như ông nông dân trong ba vẫn quen làm, ba cười thiên hạ sao lắm người thích ngồi sang mặc đẹp, thích cơm bưng nước rót. Giọng ba oang oang cả bến xe, khiến ai cũng nhìn. Người ta sẽ nghĩ ông này lập dị, còn con, những gì ba nói đã như thành khuôn đúc cho tâm linh, tính cách con mà tới giờ con mới phát hiện mình đã chịu ảnh hưởng rất nhiều.
Trước giờ lên xe, con nhìn vào mắt ba rồi ngập ngừng hỏi: “Con ở chùa ban ngày, buổi tối con lên thành phố đi học thêm gì đó nha ba?”. Ba cười như biết bụng dạ con còn muốn hai tay bắt cá. Ba bảo: “Có ai đi một chân mà tới nơi không? Một chân nơi này, một chân nơi khác, chỉ làm con người ta thêm mỏi mệt mà thôi. Con muốn kiếm tiền à? Có người trúng số một lần mà bằng cả đời đi làm đó con. Con cứ ở chùa đi, biết đâu sau này trúng số!” Nói rồi ba cười lớn lên làm tan biến trong con những viễn cảnh, ước ao thường tình. Và rồi, con lên xe trong cái không gian ồn ào, chen chúc. Đất chật người đông. Trên vệ đường, có dáng ai khắc khổ nắng mưa đứng dõi theo. Dưới ánh đèn đường, chiếc bóng dài già nua in hình chắc nịch. Con đưa tay lên môi ngăn tiếng nấc nghẹn “Con hiểu rồi, Ba ơi!” Một đời ba, một đời mẹ, quần quật với sương gió cuộc đời là quá đủ rồi, con phải khác, phải sống cho khác đi, phải bước những bước mới. Con đường ba mẹ đi đã mòn lối rồi. Ba à! Con phải đi đường lớn phải không ba!”.
Những bông đùa, yêu thích, nhu yếu tình cảm, vật chất thế gian rồi cũng có ngày hanh tạnh, giờ đây, con chỉ thấy mình còn được ở chùa ngày nào là còn hạnh phúc ngày đó. Hạnh phúc đang có mặt và dần lớn lên trong con từng ngày. Gió bão cuộc đời, gió bão tâm hồn không lớn bằng hạnh phúc đang có mặt trong con. Bởi con biết hạnh phúc ấy được xây bằng niềm tin khác thường của ba nơi con. Ba biết con của ba, ba biết con đang bước đi bằng những khó khăn, thao thức, trở trăn của cả ba và mẹ trong cuộc mưu sinh, trong những vai trò xã hội đã không đủ thời giờ và điều kiện tâm linh để đi tìm cái cần phải tìm. Chúng ta là ai?
Ba ơi! Những khi tụng kinh con hay khóc. Khuôn mặt ba rám đen nắng ruộng đồng, khuôn mặt mẹ lấm lem tóc trong mưa, hình ảnh ấy hiện lên soi vào đáy tim con. Con bật khóc. Không có ba làm sao có con. Rồi trong thinh lặng, câu nói ai đó bất chợt hiện về “Trong đêm không trăng, tôi nghe tiếng cha mẹ mình không thấy mặt…”. Là tất cả, chỉ vì con đã quên.
“Có tiếng chim líu lo trên cành xanh. Có con vừa ra đời từ muôn kiếp trước!”
Tạ ơn ba!
Con
Con cám ơn ba vì ba đã cho con ra đời, cho con biết yêu tiếng hát nụ cười, yêu thiên nhiên cây cỏ, biết sống có đạo lý. Nhưng ngàn lần con xin cám ơn ba đã cho con biết đến lời kinh, câu kệ, biết tiếng niệm Di-đà, biết giáo lý cứu khổ của đức Thích-ca. Tuổi thơ của con là mỗi chủ nhật được ngồi sau yên xe, để ba cúc kích chở con đến chùa đi Gia Đình Phật tử. Con mặc chiếc váy lam, đội mũ hình chóp cụt, trên ngực áo cài huy hiệu hoa sen. Còn ba trong bộ đồng phục áo lam, quần short thật năng động, khỏe khoắn. Trong cái nắng chang chang trưa hè, con bé nhỏ ngây thơ đôi mắt xoe tròn ngồi sau lưng ba hồn nhiên ngắm cảnh vật hai bên đường. Con chẳng biết con đường còn bao xa thì mới đến chùa, chỉ biết khi thấy lưng áo ba ướt đẫm mồ hôi và chiếc xe đạp từ từ chậm lại, thấy bóng nắng hai cha con mình mất hút trong bóng râm của cây xoài ngay trước cổng chùa, là khi ấy con biết hai cha con mình đã tới nơi. Ba dựng chiếc xe cũ kỹ cho ngay ngắn lại, còn con chạy lon ton ùa vui cùng đám bạn oanh vũ đang chờ. Ba là ba và cũng là anh, vì ba làm huynh trưởng. Con chẳng biết xưng hô với ba thế nào mỗi khi ba gọi con lên trả bài thi lên bậc. Con cứ a ú ớ “Thưa ba… à quên, thưa anh” khiến mấy đứa bạn cứ cười bò ra. Giờ này mà còn đi gia đình, chắc con sẽ không như thế nữa. Anh hay ba gì cũng xong, trong đạo pháp chỉ có người đi trước, kẻ đến sau. Với con, ba mãi là cây cổ thụ vững chãi để con nương tựa, mãi là con trâu đầu đàn chắc nịch dẫn con qua sông đến chỗ cỏ mềm, nước trong để an tâm, dưỡng tánh.
Ba ơi! Không có ba, bây giờ con đã lạc đến nơi nào chẳng biết. Ngày con mới ra trường, ba nhìn con ba chân bốn cẳng chạy xin việc làm mà thấy đau đáu lòng. Con nhớ mãi câu nói của ba ngày ấy: “Rồi con cũng đi làm, lấy chồng, sinh con à!”. Con giật mình, nhìn sâu vào mắt ba, có cái gì đó man mác mà tĩnh tại, như sự chấp nhận của con người trước quy luật chung. Con nộp hồ sơ chỗ này chỗ khác, ba ngày ngày cuốc đất trồng rau. Thế rồi, tới một ngày, con nhìn thấy mắt ba chợt sáng và lóe lên một niềm hy vọng khác thường mà ngày đó con không thể nào cắt nghĩa được vì sao, khi con nói với ba con vừa tìm được một công việc ở chùa, con sẽ làm ở đó một thời gian.
Cũng như mọi lần con lên xe vào Sài Gòn, ba chở con ra bến xe và đợi khi nào con lên xe ba mới về. Trong những giờ phút mà người ta thường xem như tiễn biệt, xa cách, một điều thật lạ, ở bên ba con chẳng có cảm giác đó. Những chuyện trò của hai cha con trước giờ lên xe chỉ là những câu chuyện hiện tại, chuyện ông xe ôm bên cạnh, chuyện chiếc xe tải đang tới. Ba ngồi bệt xuống đất như ông nông dân trong ba vẫn quen làm, ba cười thiên hạ sao lắm người thích ngồi sang mặc đẹp, thích cơm bưng nước rót. Giọng ba oang oang cả bến xe, khiến ai cũng nhìn. Người ta sẽ nghĩ ông này lập dị, còn con, những gì ba nói đã như thành khuôn đúc cho tâm linh, tính cách con mà tới giờ con mới phát hiện mình đã chịu ảnh hưởng rất nhiều.
Trước giờ lên xe, con nhìn vào mắt ba rồi ngập ngừng hỏi: “Con ở chùa ban ngày, buổi tối con lên thành phố đi học thêm gì đó nha ba?”. Ba cười như biết bụng dạ con còn muốn hai tay bắt cá. Ba bảo: “Có ai đi một chân mà tới nơi không? Một chân nơi này, một chân nơi khác, chỉ làm con người ta thêm mỏi mệt mà thôi. Con muốn kiếm tiền à? Có người trúng số một lần mà bằng cả đời đi làm đó con. Con cứ ở chùa đi, biết đâu sau này trúng số!” Nói rồi ba cười lớn lên làm tan biến trong con những viễn cảnh, ước ao thường tình. Và rồi, con lên xe trong cái không gian ồn ào, chen chúc. Đất chật người đông. Trên vệ đường, có dáng ai khắc khổ nắng mưa đứng dõi theo. Dưới ánh đèn đường, chiếc bóng dài già nua in hình chắc nịch. Con đưa tay lên môi ngăn tiếng nấc nghẹn “Con hiểu rồi, Ba ơi!” Một đời ba, một đời mẹ, quần quật với sương gió cuộc đời là quá đủ rồi, con phải khác, phải sống cho khác đi, phải bước những bước mới. Con đường ba mẹ đi đã mòn lối rồi. Ba à! Con phải đi đường lớn phải không ba!”.
Những bông đùa, yêu thích, nhu yếu tình cảm, vật chất thế gian rồi cũng có ngày hanh tạnh, giờ đây, con chỉ thấy mình còn được ở chùa ngày nào là còn hạnh phúc ngày đó. Hạnh phúc đang có mặt và dần lớn lên trong con từng ngày. Gió bão cuộc đời, gió bão tâm hồn không lớn bằng hạnh phúc đang có mặt trong con. Bởi con biết hạnh phúc ấy được xây bằng niềm tin khác thường của ba nơi con. Ba biết con của ba, ba biết con đang bước đi bằng những khó khăn, thao thức, trở trăn của cả ba và mẹ trong cuộc mưu sinh, trong những vai trò xã hội đã không đủ thời giờ và điều kiện tâm linh để đi tìm cái cần phải tìm. Chúng ta là ai?
Ba ơi! Những khi tụng kinh con hay khóc. Khuôn mặt ba rám đen nắng ruộng đồng, khuôn mặt mẹ lấm lem tóc trong mưa, hình ảnh ấy hiện lên soi vào đáy tim con. Con bật khóc. Không có ba làm sao có con. Rồi trong thinh lặng, câu nói ai đó bất chợt hiện về “Trong đêm không trăng, tôi nghe tiếng cha mẹ mình không thấy mặt…”. Là tất cả, chỉ vì con đã quên.
“Có tiếng chim líu lo trên cành xanh. Có con vừa ra đời từ muôn kiếp trước!”
Tạ ơn ba!
Con