Suy Ngẫm

Con đã có đường đi

Cập nhật: 19/02/2012
...Có lẽ, giờ đây mẹ đã dần hiểu được vì sao con lựa chọn con đường này nhưng con biết chút thương, chút nhớ, chút bùi ngùi khi bất chợt nhìn thấy dáng ai giống con gái mình mỗi chiều đi làm về sẽ làm mắt mẹ cay.
 

Con đã có đường đi

 
 
Mẹ ơi! Sao lúc này con thấy nhớ mẹ ghê. Lặng lẽ nghe bản giao hưởng mà mình chẳng để ý đến tên, chỉ biết sao nó làm con trào dâng bao cảm xúc về mẹ. Vậy là con đã xa mẹ 2 năm kể từ ngày ra trường. Mà có lẽ chính xác là 6 năm rưỡi tính cả thời gian con vào Sài Gòn học. Nhưng đối với con, 2 năm vừa qua con đã thấy mình đổi khác nhiều, khôn lớn và hiểu biết, chứ không trẻ dại, nông nổi và hiếu thắng như hồi còn đại học. Con cám ơn mẹ đã cho con đi theo con đường của mình khi vừa ra trường.
 
Dẫu rằng thời gian đầu mẹ đã mang nhiều khổ tâm và đã rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì con. Vì mẹ không nỡ xa con, muốn con về nhà bên mẹ, mẹ đã chuẩn bị tất cả, nhiều lần mẹ nói với con là mẹ sẽ chuẩn bị mọi thứ, lo liệu mọi thứ để giúp con có việc làm ở nhà, nếu con không tìm được việc ở Sài Gòn. Con băn khoăn, suy nghĩ, và … đành từ chối. Dứt khoát lắm.
 
Con hình như biết mình đã làm mẹ đau. Nhưng tâm trí con lúc ấy chỉ nghĩ đến con đường giải thoát cho chính mình, giải thoát những phiền muộn, khổ đau mà vì vô minh bao đời kiếp trước con đã gây tạo. Con biết rằng chỉ có pháp của Phật mới nhổ tận gốc những nỗi khổ của con. Chỉ có ai biết thương mình thì mới có thể thương người khác. Câu nói ấy con thấy đúng quá.
 
Con không thể làm mẹ vui, không thể bớt làm khổ mẹ khi luôn tự làm khổ mình bằng những tự ti, mặc cảm, những trầm uất của bản thân. Con thấy khổ vì những nốt mụn trên mặt, con thấy khổ vì không thể đi ra đường khi ăn mặc không được đẹp. Con thấy khổ vì những cảm xúc buồn bực, hằn học khi không làm được điều mình muốn. Con thấy khổ vì áp lực học hành...
 
Ngày đó, ngày bé con còn nhiều ích kỹ, vô minh lắm. Những lời khuyên của mẹ không thể lấy đi nỗi khổ của con. Vì tập khí con sâu dày và mẹ cũng chưa phải là chuyên gia tâm lý. Đã bao lần mẹ bất lực, chỉ biết ôm con vào lòng và khóc theo con mà không thể giúp được gì. Đã bao lần mẹ đứng trước cửa phòng con, lặng lẽ nhìn con ngủ mà lòng nặng trĩu. Đã bao lần mẹ mua cho con biết bao thuốc bổ dưỡng, nghĩ ra biết bao buổi dã ngoại, đi chơi để con được vui. Đã bao lần mẹ khuyên con đi chơi với bạn bè, còn con thì… lắc đầu, con không muốn đi, con chỉ muốn ở nhà với mẹ thôi. Mẹ ơi, mẹ đã cố gắng rất nhiều. Nhưng con vẫn khổ và làm mẹ khổ theo. Giờ con mới thấm thía mẹ với con tuy hai mà một, cùng chung nỗi đau, cùng chung hạnh phúc.

Thế nên, mẹ ơi, dẫu những tháng năm đại học đã giúp con ít nhiều hòa nhập với cuộc sống này. Con đã có nhiều bạn bè, đã đi nhiều nơi, đã rất vui vẻ và thích thú với những bộ quần áo mới, với mái tóc duỗi mượt mà óng ả, với khuôn mặt đã xinh đẹp hơn, với những ánh mắt để ý của nhiều bạn trai. Con đã đổi khác, đã vồn vã lao vào cuộc sống mới với những cuộc vui với bạn bè, với muôn trò tiêu khiển mà tuổi thơ mình chưa từng được tiếp xúc.
 
Con nói nhiều hơn, cười nhiều hơn. Những năm tháng ấy, con thấy hạnh phúc. Con thường gọi về cho mẹ, nói rằng con thương mẹ, mẹ ngạc nhiên và vui mừng vì sự thay đổi của con. Và mẹ biết không, con cũng đã yêu. Một lẽ bình thường. Con thích mình đẹp hơn, con mong mình sẽ là bờ vai để người ấy chia sẻ những nỗi niềm. Con muốn mình trở thành một người thật cao cả. Nhưng mẹ có nhận thấy không, chắc có lẽ nhờ hạt giống Bồ-đề đã gieo từ nhiều kiếp trước, con chợt nhận ra rằng những niềm vui, những hạnh phúc mà con đã trải qua không chắc thật.
 
Nó có khổ đau. Nó khiến con bất an. Khi con ăn mặc không được đẹp ra đường, con thấy mất tự tin, khi con không thể chia sẻ, lắng nghe và giải quyết được những khúc mắc của người yêu mình, con cảm thấy mình mất giá trị. Khi con sống hòa đồng, trải lòng yêu thương với tất cả mọi người và được yêu quý tương xứng lại, con thấy mình đáng được tôn trọng… Con đã sống như vậy để rồi nhận ra một điều: con thương bản thân mình nhất.
 
Tất cả chỉ là hư dối, chỉ là để khỏa lấp sự thèm khát được yêu thương của con. Và con buông trôi tất cả, để nhìn lại, để tìm ra cho mình một lối thoát. Không thể là sự che đậy, khép mình, không cho cái tôi, cái ích kỹ bộc phát, cũng không thể lao vào đời khoe bày và yêu thương tất cả để trá hình cho sự vị kỷ tinh vi.
 
Con không còn muốn uống chút nước giải khát với đủ các loại hương vị, màu sắc. Con muốn đi tìm giếng nước thơm trong của đời mình, để không bao giờ còn bị khát. Và thật vô tình, con đã nhìn thấy, nhìn thấy pháp của Phật, đó mới là hạnh phúc chân thật mẹ ơi, mới cứu giúp đời con không còn làm kiếp cùng tử, lang thang nữa.
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết xa quê vạn dặm trường”
Những nỗi khổ của con người, mẹ ơi, dường như chỉ loanh quanh, lẩn quẩn trong chừng ấy thôi. Không vướng mắc cái này thì cũng vướng mắc cái khác. Lục căn cứ chạm phải lục trần là phát khởi ý niệm được mất, hơn thua, ít nhiều. Để rồi cả đời cứ mãi ngụp lặn, trôi lăn trong biển khổ. Có người khổ vì người thân chết, có người khổ vì thân thể tật nguyền, có người khổ vì thương nhớ người yêu, cũng có người khổ chỉ vì một cái mụn trên mặt...
 
Mẹ biết không, con nhận ra một điều, người ta nhìn nhau, nhận ra nỗi khổ của nhau, có khi cho rằng cái điều đau khổ của người kia có gì đáng để khổ. Bản thân con cũng nhận thấy có những người khổ vì những điều thật kỳ cục. Con có rơi vào trường hợp đó không nữa, mẹ nhỉ! Nhận ra rồi, con thấy mình bớt khổ, thấy bình thường với tất cả. Đó là bài học lớn nhất khi con ở đây, tại ngôi chùa Hoằng Pháp thân thương này. Cám ơn cuộc đời, cám ơn mẹ, cám ơn Bụt. Con đã thấy không khổ nữa rồi.

Bản nhạc đã ngừng. Tâm con rỗng lặng. Chỉ thấy con đường đi phía trước đang rộng mở. Về với Bụt đi con. Về với Bụt đi con…Có lẽ, giờ đây mẹ đã dần hiểu được vì sao con lựa chọn con đường này và con biết chút thương, chút nhớ, chút bùi ngùi khi bất chợt nhìn thấy dáng ai giống con gái mình mỗi chiều đi làm về sẽ làm mắt mẹ cay.
 
Nghĩ vậy, con càng cố gắng tu tập hơn để trong mẹ không còn cảm giác mất  con, xa con mà đang có con, gần con hơn từng ngày. Mẹ không thấy mẹ con mình hiểu nhau hơn sao. Con không còn những buồn giận vu vơ, những ích kỹ, vụng dại để làm buồn mẹ nữa. Con có biết bao thời gian có mặt cho mẹ, chuyện trò, và vui đùa với mẹ. Những ngày về nghỉ tết, con cùng mẹ giặt đồ, nấu ăn, xem phim và bình luận.
 
Con kể cho mẹ nghe biết bao chuyện vui ở chùa. Đúng thật là cái khoảng cách địa lý có là chi, chỉ có cái xa cách tâm hồn mới thật đang sợ. Và hơn hết, khi tâm con lắng dịu bao phiền não, con đã nhìn thấy mẹ, những điều thật đặc biệt. Mẹ chẳng học hành chi nhiều, nhưng hiểu biết và sự chịu đựng, đức hy sinh, đối với con thì vô cùng lớn lao. Quê mình đó, toàn là những người mẹ như vậy, những người nông dân chất phác, thật thà, luôn cất giấu trong tim, trong khối óc mình những tình người và trí tuệ thật diệu kỳ.

Mẹ à, chiều nay gió lạnh về, hình như con bị cảm lạnh, con sẽ không nhắn tin cho mẹ biết đâu. Con chỉ biết là phải nhanh chân mà nhảy vào nồi nước xông thơm ngào ngạt mùi lá xả, lá chanh, lá bưởi… như mẹ đã từng làm khi bị cảm. Con phải biết chăm sóc lấy mình, như vậy là đang chăm sóc mẹ, đang cho mẹ niềm thảnh thơi. Ồ! con chợt nhận ra, con phải biết chăm sóc lấy mình, như vậy là đang chăm sóc những người bên cạnh, chăm sóc hành tinh, quả đất này. Hình như là như vậy nhỉ?!

Con yêu mẹ thật nhiều.

Con gái của mẹ!
                                                                                      Bình An

Tin tức liên quan

Không đề
06/06/2021
Bóng mát giữa trời
27/08/2018
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
23/08/2018
Vĩnh biệt anh
14/07/2018
Đánh mất tuổi thơ
02/07/2018