Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Chuyện nhỏ thôi!
Cập nhật: 24/11/2018
Bảy năm, một khoảng thời gian không đủ dài nhưng cũng không ngắn, liệu đủ để thay đổi một con người từ bóng tối ra ánh sáng, từ tội lỗi đến thánh thiện, từ xấu ác đến tốt lành?
Tôi biết chú C vào đầu năm 2012, lúc đó tôi mới vào chùa Hoằng Pháp. Chú là một người bình thường, đã ngoài ba mươi tuổi, nước da ngăm đen, mặc bộ đồ màu nâu giống quý thầy, chỉ có khác vì chú là cư sĩ và để tóc. Trong con người của chú đang chảy dòng máu người họa sĩ bởi vì chú thích vẽ và rất say mê. Nhưng lạ một lỗi là chú chỉ thích vẽ chân dung Phật, Bồ-tát mà thôi, không vẽ gì khác nữa. Chú vẽ nhiều lắm, hết bức này đến bức khác. Ngồi nơi đài Quán Âm, dưới bóng mát những gốc cổ thụ. Xoay mặt về phía tượng Bồ-tát và bắt đầu vẽ.
Có lần tôi thấy chú đang sáng tác nghệ thuật, tôi tò mò tiến lại gần để nhìn xem chú vẽ có đẹp không? Bất chợt chú thay đổi sắc mặt có vẻ giận dữ, những đường gân trên mặt hiện lên, rồi một giọng nói cất lên “nhìn cái gì”. Sợ quá, tôi không dám nhìn nữa. vội cúi đầu nói: “Xin lỗi chú! …” Sau đó, tôi bỏ đi theo một hướng khác. Lòng chợt nghĩ con người này kỳ thật, chỉ nhìn chút thôi mà, có chết ai đâu mà khó tính giữ vậy, không cho xem thì thôi. Vẽ Phật, vẽ Bồ-tát mà cái tâm không tốt chút nào. Phật, Bồ-tát là đại diện cho tình thương và sự hiểu biết như thực. Thế mà chú vẽ tranh Phật với cái tâm “sân” thì không giống rồi, nó sai sai sao ấy. Họa chăng có giống thì chỉ là giống hình thức bên ngoài thôi, bên trong thì không giống. Một cái tâm khiếm khuyết thì vẽ Phật, Bồ-tát sao mà đẹp được. Đến lạ, vẽ hình Phật mà tâm chẳng giống Phật chút nào! Phải hoan hỷ…, thì mới được chứ!
Sau lần đó, tôi ái ngại chẳng dám lại gần để xem. Chú vẽ gì mặc kệ! Nói chung, xem như tôi không nhìn thấy để đỡ bực mình. Thỉnh thoảng để ý, tôi thấy những vị khách đi chùa ngồi xem chú vẽ. Tôi không biết họ có được tiếp đón không? Có khen chú vẽ đẹp không? Hay cũng với thái độ không hoan hỷ của chú khi ai đó nhìn chú vẽ. Tôi hy vọng một ngày nào đó nghiệp chướng nơi chú mỏng dần, Phật sẽ độ cho chú.
Sau một thời gian tôi xuất gia. Vì bận học, việc chùa nên tôi ít tiếp xúc với bên ngoài, từ đó cũng ít gặp chú cho đến nhiều năm về sau. Buổi tối hôm trước, tôi gặp chú ngoài bãi giữ xe máy. Vẫn con người đó, nhưng tôi cảm giác có cái gì đó mới mẻ lắm. Chú đã có sự thay đổi, chú biết chắp hai bàn tay nghiêng mình cúi đầu chào tôi: “A Di Đà Phật, con chào thầy!” Ngạc nhiên chưa, tôi có nghe lầm không vậy. Tôi chắp tay chào chú, và hỏi chú: “A Di Đà Phật, chú làm gì ở ngoài này?” Chú đáp: “Dạ con phụ giữ xe”. Tôi cười và nói tiếp: “Chú giỏi quá, biết ra ngoài này tạo phước cơ đấy”. Chú mỉm cười: “Chuyện nhỏ thôi thầy!” Tôi trả lời: “Nhỏ gì mà nhỏ, phước đấy! Chú không nghe kinh Pháp Cú Phật dạy là:
Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng “chưa đến mình”
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn,
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần”.
Vì nó nhỏ mà nhiều người bỏ không làm. Người ta thích việc lớn, việc đại sự cơ. Một hôm khác, chú thấy tôi từ phía dưới bãi xe đi lên. Chú vội đứng dậy nhường ghế và mời tôi ngồi. Tôi đáp: “Cám ơn chú, sư đi lại cho dễ chịu, chú cứ ngồi đi đừng ngại!” Lát sau tôi thấy chú cầm trên tay chai nước lọc mời tôi uống. Tôi nhìn chú và trả lời: “Cám ơn chú, sư không khát”. Vì tôi không nhận nến chú nói: “Thầy không uống con buồn đó!” Ái dà! Chú hôm nay khá nghen, biết cúng dường sư chai nước cơ đấy”. Chú cười nói: “Con biết rồi mà!” Nhiều lần sau đó mỗi khi gặp tôi cùng quý thầy khác chú đều chắp tay chào rất thành kính. Thời gian này tôi để ý chú rất tinh tấn lên chùa làm công quả, tham gia vào nhóm Hộ Pháp phụ làm cơm hộp, thật tốt biết mấy.
Kỳ sám hối vừa qua ngồi giữ xe cùng chú tôi bắt chuyện: “Chú C này! Chú còn nhớ, cách nay khoảng hơn sáu năm về trước sư thấy chú là một con người khác, không giống bây giờ. Sư còn nhớ hồi đó chú hay nóng giận, khuôn mặt khó nhìn, chẳng ai dám lại gần, so với bây giờ thì khác hẳn. Chú biết phụ quý thầy giữ xe, biết tụng kinh, phụ làm cơm hộp…, biết tu tập theo lời Phật dạy. Sư nói chú nghe trong kinh Tăng Chi Bộ chương Bốn pháp Phật dạy có bốn hạng người:
Từ bóng tối, hướng đến bóng tối
Từ bóng tối, hướng đến ánh sáng
Từ ánh sáng, hướng đến bóng tối
Và từ ánh sáng, hướng đến ánh sáng.
Chú sinh ra không được như mọi người, sáu căn khiếm khuyết, chân đi khập khiễng, miệng thì nói ngọng, học thì không bằng người ta chỉ biết được ít chữ…, chú phải thấy được nghiệp báo của mình. Đời nay sinh ra như vậy thì phải cố gắng tu tập để tạo nhân tốt cho mình. Có nhân tốt, duyên tốt thì quả sẽ tốt, sẽ thù thắng. Sư thấy trong cái họa lại có cái phước, nhờ như vậy mà chú biết đi chùa, biết ăn chay, niệm Phật”.
Chú cười đáp: “Dạ không có gì, chuyện nhỏ thôi”.
Tôi hỏi: “Chú Quy y Tam Bảo chưa?”
Chú đáp: “Dạ rồi”.
Tôi hỏi tiếp: “Chú có phát nguyện giữ năm giới không?
Chú trả lời: “Dạ có!”
Tôi cười vậy là giỏi quá rồi. Gặp được Phật pháp không phải dễ đâu chú. Nước Việt Nam gần một trăm triệu dân mà số người biết Phật pháp được bao nhiêu người đâu. Nhiều người thiếu phước, thiếu duyên họ có tin đâu, họ còn cho Phật giáo là mê tín nữa. Có người còn dùng “Binh khí miệng lưỡi” mà hủy báng Phật nữa đấy…, chú cố gắng tu tập cho tốt. À dạo này chú còn vẽ Phật nữa không. Chú đứng chắp tay thưa với tôi: “Dạ còn, lúc nào có thời gian thì con vẽ”. Nhìn vào con người chất phác nơi chú, tôi nói: “Sư tin là tranh chú vẽ giờ đẹp hơn xưa rồi. Chú có biết tại sao không? Khi tâm mình đẹp thì vẽ Phật sẽ đẹp thôi, phải không? Chính vì vậy, từ trong bóng tối mà biết hướng đến ánh sáng là người có chút ít trí tuệ rồi đó.
Tôi chào chú rồi bước đi giữa hai hàng xe máy, với những suy nghĩ miên man trong đầu. Không biết trong quá khứ chú đã tạo nghiệp xấu gì mà kiếp này thân hình như vậy? Lại không biết trong kiếp nào chú đã gieo duyên với Phật mà đời này biết quay về nương tựa Tam Bảo…, phàm phu như tôi sao mà hiểu được, nếu như đức Phật còn tại thế thì suy nghĩ của tôi có câu trả lời rồi! Lạy Phật.