Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Chuyến đi vội vàng
Cập nhật: 16/11/2022
Chiều nay, tôi trở lại chùa sau thời gian về thăm Tổ đình Hoằng Pháp. Mỗi lần đi hay về, tôi hữu duyên đều có anh Phật tử phát tâm đưa đón. Lần này cũng thế, tôi gọi điện anh đồng ý ngay. Gần đến giờ khởi hành mãi không thấy anh lên, tôi gọi điện hỏi thì anh xin lỗi vì đầu tuần nhiều việc quá nên không về sớm được. Tôi hiểu, thông cảm với anh, rồi tranh thủ đặt grab đi kẻo muộn. Biết giờ này cao điểm, grabcar đi sẽ muộn, tôi gọi phương tiện là grabbike để có thể luồn lách nếu không may kẹt xe.
Kẹt xe là “đặc sản” của mỗi thành phố, là nỗi ám ảnh với người dân khi ra đường vào giờ cao điểm. Tôi ngồi trên tuyến đường như mọi khi, nhưng lần này cảm giác nó dài lê thê, đi mãi không đến do kẹt xe. Cũng may anh tài xế có tâm, rất nhiệt tình, hăng hái. Anh hỏi tôi mấy giờ bay để tranh thủ đi nhanh hơn. Đoạn nào vắng người, anh phi như bay. Tôi ngồi sau một tay ôm cái vali, một tay vịn tay cầm phía sau vì sợ té. Đoạn nào kẹt xe quá, anh lấn lên vỉa hè, chen vào làn xe ôtô, bóp kèn inh ỏi… Tôi chạnh lòng bởi cảm thấy vừa nguy hiểm cho cả hai vừa thương anh vô ngần.
Lúc mới lên xe, tôi và anh rảnh rỗi nên có thời gian nói chuyện. Anh hỏi tôi về chuyện tu hành ở chùa, còn tôi hỏi anh về chuyện cơm áo gạo tiền. Qua những lời anh tâm sự, tôi nhận thấy bản thân thật may mắn và dâng lên niềm thương cảm với những gì anh đang trải qua. Nhà anh có bốn người, đứa con lớn học lớp mười một, đứa nhỏ lớp năm, vợ mới thất nghiệp hai tháng nay. Anh kể trước kinh tế cũng đỡ, có nhà, có vợ đi làm nên phần nào san sẻ bớt các khoản chi tiêu. Hiện tại ở nhà thuê, do bố anh làm ăn thua lỗ nên bán để trả nợ. Đến cuối tháng, là thời gian anh lo lắng, sợ hãi nhất, vì phải thanh toán nào tiền nhà, tiền điện nước, tiền các con đi học, tiền ba bữa cơm canh,… đều chất chồng lên đôi vai anh.
Vào thời điểm kinh tế suy thoái, đồng tiền lạm phát, đời sống của anh lại thêm muôn phần khó khăn. Để duy trì chiếc xe máy là chiếc cần câu kiếm cơm cho cả gia đình, anh phải xếp hàng từng giờ mới có thể đổ mấy chục nghìn tiền xăng. Xoay sở mãi, chạy cả ngày lẫn đêm cũng không đủ chi tiêu, hai vợ chồng anh phải vay thêm tiền ở ngân hàng. Để tiết kiệm, anh nhịn luôn bữa trưa. Có những lúc anh đói, chạy xe cứ bị run tay nhưng luôn động viên bản thân: “cố gắng lên, thà mình chịu đói chứ không để vợ con phải đói”. Anh kể đến đây, giọng như nghẹn ngào nói không nên lời. Có lẽ “trưa nay anh cũng chưa ăn?”.
Tôi ngồi im nghe anh tâm sự như thấm thía thêm nỗi khổ của một kiếp người. Có lẽ anh đã quá mệt mỏi bởi cuộc sống trần ai này, nhưng vì trách nhiệm, tình yêu thương vợ con mà cố gắng từng ngày. Tôi khẽ chạm vai anh, vỗ nhẹ mấy cái như đồng cảm với những gì anh đang trải qua: “Anh cố giữ gìn sức khoẻ nha. Hy vọng thời gian khó khăn này của gia đình sẽ sớm trôi qua, con cái sớm hiểu chuyện học hành chăm ngoan, chị nhà sớm có công việc trở lại”.
Chật vật mãi, cuối cùng anh cũng đưa tôi đến sân bay vừa kịp giờ check-in. Tôi vội tạm biệt, cảm ơn anh, rồi khẩn trương lấy hành lý để kịp vào làm thủ tục và không quên gửi thêm anh ít tiền. Nhìn những giọt mồ hôi ròng rã trên khuôn mặt khắc khổ mệt nhoài, và trên tay đang đếm kỹ lưỡng từng đồng tiền tôi vừa mới gửi. Những đồng tiền ít ỏi tôi gửi thêm dù không nhiều để có thể thay đổi hoàn cảnh thực tại của anh, nhưng đấy là cả một tấm lòng, như lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến với anh và gia đình.
Giờ cao điểm, từng dòng người đổ ra đường mỗi lúc một đông. Tôi ngẫm trong dòng người vội vã, tấp nập đang trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài ấy, có bao người rơi vào hoàn cảnh như anh? Thế nhân biết bao người giàu có, do họ đã tích luỹ phước đức từ vô lượng kiếp. Còn những người đang nghèo khó là do họ kém may mắn chưa biết vun trồng cội phước. Hy vọng mọi người đều hiểu rõ bản chất của nhân quả, không nên than trời trách đất mà hãy học cách chấp nhận, để rồi thay đổi chuyển hoá nghiệp báo của chính mình.