Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Chuyện đi học
Cập nhật: 15/07/2020
Tôi sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo hẻo lánh, quanh năm gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy, vì vậy việc học rất hạn chế, chỉ đến lớp chín là nghỉ. Một nhân duyên may mắn đã thay đổi cuộc đời, tôi đã không đi theo lối mòn cũ của gia đình là dựng vợ gả chồng, mà đã lựa chọn con đường xuất gia theo đức Phật. Chính nhờ đi tu mà tôi được gặp thầy hiền bạn tốt, lại có cơ hội tiếp tục đi học bổ túc văn hóa, hoàn thành hết chương trình lớp mười hai. Và hơn thế nữa, còn được trên Sư phụ cho đi học lớp sơ – trung cấp Phật học. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Nhớ lại lúc còn nhỏ, mỗi lần được mẹ dìu dắt đến trường, nắm tay mẹ mà lòng vui sướng lạ thường. Ở lớp, được quen với các bạn mới, được chơi những trò chơi hay vào những giờ giải lao. Lớn lên, ba mẹ cho một chiếc xe đạp để đi học trên những chặng đường xa; đi học về thì phụ gia đình nấu cơm, dọn dẹp công việc nhà… Những ngày tuổi thơ ấy, những kỷ niệm ấy, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được, dù sau này đi đâu, hay làm gì đi chăng nữa thì những ký ức vẫn còn đọng mãi trong tôi.
Dòng thời gian vẫn cứ trôi. Ai rồi cũng khôn lớn trưởng thành, rời xa mái ấm gia đình thân thương, đi tìm những vùng đất mới để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. Hôm nay, ngồi trên chiếc ghế thân thuộc dưới mái hiên chùa, đàn chim bồ câu vẫn nhào lượn trong khuôn viên đúng giờ, đúng số vòng như thường lệ vào mỗi buổi chiều, mà lòng chợt nhớ về những tháng ngày đã qua. Năm nay là năm cuối của lớp Trung cấp rồi! Nhanh quá!
Chợt nghĩ! Được đi học là một điều hạnh phúc, bởi vì không phải ai cũng có được diễm phúc ấy. Ngoài kia, biết bao mảnh đời bất hạnh chưa từng biết đến con chữ, không biết đến trường, chẳng biết đến tuổi thơ của học sinh là như thế nào. Bởi hoàn cảnh đã đưa đẩy họ vào con đường mưu sinh vất vả, chưa từng dám mơ ước hay nghĩ tới việc đi học. Bản thân tôi tưởng rằng việc học chỉ gói gọn hết lớp chín ở vùng quê nghèo, nhưng duyên lành đã đưa tôi đến với Phật pháp, đến với môi trường tốt, từ đó một tương lai mới đã hé mở. Ở đây, Sư phụ luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho anh em chúng tôi học. Người còn dặn rằng còn trẻ là phải học, phải học thật giỏi, học đến nơi đến chốn thì sau này mới làm được nhiều việc, mới giúp được nhiều chúng sanh thoát khổ, tìm thấy niềm vui. Quả thật vậy, những năm tháng được sống dưới chốn thiền môn là những tháng ngày tuyệt vời nhất, vừa được trau dồi thêm những kiến thức cho mình, vừa làm được những điều lợi lạc cho chúng sanh.
Sau khi xuất gia, hầu như anh em tôi chỉ có việc học và tu tập, những việc thường nhật trong chùa Sư phụ sắp xếp cho những người khác và Phật tử phụ giúp, để cho anh em chúng tôi có nhiều thời gian hơn trong việc học, trừ lúc chùa có khóa tu và ngày lễ thì tất cả đều cùng nhau làm việc. Có thể nói, môi trường nơi tôi xuất gia là một môi trường tốt và lý tưởng nhất đối với một người tu sĩ, có thể thực hiện được những ước mơ và hoài bão của mình như đi du học ở các nước Phật giáo để nâng cao kiến thức, làm giảng sư, để hoàn thành sứ mệnh của một người trụ trì...
Đối với tôi, đây là một môi trường tốt nhất. Dù thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ trân quý những tháng năm được tu học ở nơi đây. Tuy nhiên, chuyện đời không phải lúc nào cũng êm thuận. Những người ở môi trường tốt, đủ mọi điều kiện thì lại không thích học, không chịu nỗ lực, kiên trì; còn những người ở những môi trường vất vả, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng lại rất siêng năng trau dồi học tập. Khi học tại trường trung cấp, tôi quen biết được một số thầy. Có thầy ở quê lên thành phố học, xin ở tại một ngôi chùa trong thành phố để thuận tiện trong việc đi lại. Một mình ở nơi xứ lạ, không thầy, không huynh đệ, tiền bạc phải tự mình lo để đóng học phí và những sinh hoạt hằng ngày. Có thầy thì tự mình vào thành phố xin đi học mà không được sự hỗ trợ nào từ thầy tổ, tất cả đều tự bươn chải. Có những thầy đi học rất xa, đi xe máy gần hai tiếng mới tới trường, chưa kể những ngày trời mưa to, nắng gắt, đi tới trường là một sự gian nan, lúc về đến chùa cả người mệt lả. Còn tôi, có xe ô tô đưa đến trường học, có xe đưa về tới tận chùa; dù có mưa hay nắng, đôi khi tôi cũng không hề hay biết, chỉ biết trên đường đi học lúc nào cũng cũng mát lạnh; còn học phí và những sinh hoạt hằng ngày đã có Sư phụ lo. Nhưng những thầy đó lại học rất giỏi, những kỳ tổng kết đều có phần thưởng, còn tôi có những môn học suýt nữa phải thi lại.
Thường lẽ đời là vậy, sướng quá đôi khi là một chướng nạn, trở ngăn trên con đường học đạo và tu tập. Ở môi trường đó, nếu không tỉnh giác thì rất dễ bị những cám dỗ đưa mình đến tội lỗi lúc nào không hay. Thời đại khoa học tiến bộ, chúng ta đã thừa hưởng được rất nhiều thành quả của những người đi trước, đặc biệt là internet, nơi đó là cả một kho tàng kiến thức của nhân loại. Nếu ai biết tận dụng thì rất có ích, nó hỗ trợ rất nhiều trong công việc và tương lai của mình. Tuy nhiên, nếu như ta không sáng suốt thì bờ vực khổ đau và tội lỗi sẽ tiếp nối liền kề, học thì ít mà chơi thì nhiều, siêng năng thì ít, lười biếng thì nhiều, tự mình làm thì ít, sao chép của người khác thì nhiều. Tóm lại, nếu không có nền tảng vững chắc thì rất dễ sa ngã và đọa lạc. Môi trường tu học đầy đủ là một việc tốt, nhưng nếu tinh thần tự giác kém thì rất dễ gục ngã.
Thầy của chúng tôi dạy “từ bùn sen nở, từ khổ người tài”. Phải chăng trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, mới biết ai là người tài, kẻ tầm thường là ai? Có lẽ, tôi sẽ ghi nhớ những điều này suốt chặng đường tu học của mình. Có những lúc, tôi gần như mất hết động lực để học và tu tập, mặc dù tất cả mọi chuyện đều có thầy và đại chúng lo, tôi chỉ có việc là học và học, nhưng lại không chịu học. Tôi nguyện sẽ cố gắng học tốt hơn, nương nhờ vào nhân duyên tốt đẹp này để tiếp nối sự nghiệp của thầy tổ đã dày công gầy dựng, đưa Phật pháp đến với mọi người, mang bình an đến với chúng sanh.
Thấm thoát vậy là cũng gần mười năm. Mười năm trôi qua thật nhanh quá! Hôm nay là ngày tôi có đôi dòng nhật ký ghi lại những hình ảnh đã qua, những cung bậc cảm xúc của bản thân về đời sinh viên tu sĩ. Có thể là rất vụng dại hoặc rất buồn cười. Nhưng tôi tin rằng, đây là cơ hội có thể bày tỏ được lời cảm ơn, lời tri ân chân thành nhất đến những người xung quanh đã dìu dắt, để tôi có cơ hội đi học. Và điều vui hơn là nếu mai này có xa mái trường, xa thầy cô bạn bè, khi lật lại trang nhật ký có một cái gì đó làm kỷ niệm.
Có thể thời gian trôi đi thì không còn quay trở lại, nhưng chính nhờ những dòng chữ quen thuộc, có thể nhắc nhở và sách tấn tôi trong việc tu học trên con đường đã chọn.