Chuyện cây đề đỏ
Kể ra thì chuyện cũng không có gì đáng nói, nếu như cây đề đỏ đừng bao giờ rụng trái. Nghe có vẻ ngạc nhiên lắm phải không? Cây có trái, thì đến lúc chín thì nó phải rụng thôi. Tại sao lại bắt chúng đừng rụng? Tôi nhớ không lầm thì một năm chúng rụng trái từ hai đến ba lần, thời gian rụng khoảng tầm từ bảy đến mười ngày. Có thể nói, đó là thời gian hầu như ai cũng căm ghét cây đề đỏ, giận đến nổi, mọi người bảo với nhau, nếu sau này ai có trồng thì đừng trồng giống cây này hoặc bứng cây này đi chỗ khác cho rồi. Bởi vì, những trái chúng rụng xuống dơ quá. Khi trái chín nó sẽ rụng xuống, rụng đầy cả sân và con đường mọi người đi qua, rất khó để tránh và ai cũng dẫm đạp lên nó. Khi đạp xong thì trái nó bể ra và trây lên mặt đường rất dơ, nó còn dính dưới đôi dép, khi mình đi sang chỗ khác lại dơ thêm. Trong đó, con đường mà mọi người hay đi rụng nhiều nhất. Vì thế, khoảng thời gian đó, con đường rất bẩn, chổi quét vẫn không thể nào sạch. Lấy nước xịt chà quét thật mạnh vẫn chỉ đỡ được phần nào, nhưng lát nữa nó lại rụng đầy và nhiều hơn nữa. Vì trái của chúng rất nhiều, chi chít trên cây. Mấy lần đầu ai cũng cố gắng dọn dẹp cho sạch, nhưng được mấy lần nghĩ rằng thôi, để cho nó rụng hết một lần rồi dọn luôn một lần. Nói chung là, không ai thích nó rụng trái cả vì dơ quá. Nhưng một điều lạ là khi chúng hết rụng trái, con đường sạch trở lại thì không ai còn nghĩ đến chuyện muốn bứng cây đi chỗ khác, hoặc ghét chúng nữa. Vì bóng mát của chúng khiến ai cũng vui lòng.
Có ai đã từng nói rằng, chuyện của cây cũng là chuyện của người. Và tôi nghĩ rằng, chuyện của cây đề đỏ là một minh chứng cho câu nói ấy. Đã có biết bao nhiêu trường hợp, cũng vì không chấp nhận được mặt trái, sự khiếm khuyết của người khác mà vội vã nói lời chia tay, hoặc đôi khi muốn “bứng” nó đi chỗ khác. Biết bao nhiêu cặp đôi từng yêu nhau say đắm, thề non hẹn ước, mãi mãi là của nhau, yêu nhau đến suốt đời, nhưng rồi cũng nói lời chia tay. Chuyện tình cảm giữa con cái và cha mẹ, những mối quan hệ giữa người thân với nhau cũng chỉ vì những sự thật khiếm khuyết mà đưa đến đổ vỡ, ganh tỵ, ghen ghét lẫn nhau, nói xấu nhau. Bạn bè chơi thân với nhau, nỡ lòng nào gặp phải những yếu kém của đối phương mà không nhìn mặt nhau… Tất cả những điều đó chỉ vì con người không bao giờ biết chấp nhận và tha thứ cho nhau. Họ không bao giờ chấp nhận và tha thứ cho sự thất bại và khiếm khuyết, cuộc chơi này không có chỗ cho sự thất bại. Sự nỗ lực của một cá nhân hoặc tập thể nào đó đạt được nhiều thành công trong nhiều năm liền, nhưng đến khi họ bị vấp ngã, phạm một sai lầm nào đó dù nhỏ đến thế nào đi chăng nữa, cũng khiến cho người ta quên đi những đóng góp của họ, và đương nhiên sẽ mãi khắc ghi trong tim, nhớ đến thất bại, sai lầm mà thôi, giống như mực lem giấy trắng. Làm trăm nghìn điều tốt, không bằng làm một điều xấu.
Chấp nhận và tha thứ chính là phương thuốc diệu kỳ đưa con người xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ mặc cảm, khoảng cách trong cuộc sống. Chấp nhận chính là biết yêu thương tất cả những gì thuộc về người đó, dù người đó có như thế nào, mình vẫn thương yêu và che chở cho họ. Dù biết đối phương có những hạn chế, vẫn sẵn sàng chấp nhận nó giống như chấp nhận những hạn chế của bản thân mình. Tha thứ chính là bỏ qua những điều người khác làm cho mình đau khổ mà không tính toán, suy nghĩ. Bởi vì, không ai sinh ra là hoàn hảo, nhân vô thập toàn, được mặt này thì lại kém mặt khác, hoặc đã làm người thì ai cũng có lầm lỗi. Chúng ta không thể vì người kia có những điểm xấu mà bỏ qua những đóng góp tích cực của họ, giống như cây đề đỏ kia, chúng vẫn còn nhiều điểm tốt và giá trị lắm chứ. Chúng ta đừng vì một chút yếu kém nào đó của người khác mà vội chê trách hoặc bứng họ đi chỗ khác.
“Tâm hồn cứ mở rộng ra
Niềm vui hạnh phúc, hương hoa tràn vào”.
Tâm Trọng