Trong phẩm Phổ Môn thứ 25 thuộc kinh Diệu Pháp Liên Hoa có một đoạn với đại ý như sau: Sau khi được nghe đức Phật kể về công hạnh giáo hóa chúng sanh cũng như những ứng hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm hiện ra trong đời, Bồ tát Vô Tận Ý tán thán công hạnh đó và tháo chuỗi ngọc quý giá của mình đang đeo trên cổ ra cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm. Ban đầu ngài Quán Thế Âm từ chối không nhận, nhưng sau khi được đức Thế Tôn khuyên bảo, Bồ tát đã đồng ý nhận chuỗi ngọc nhưng Ngài không sử dụng cho riêng mình mà lại chia chuỗi ngọc làm hai phần dâng cúng lên đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo. Qua đoạn kinh trên ta sẽ rút ra nhiều bài học trên bước đường tu của mình.
Bồ tát Vô Tận Ý dâng cúng chuỗi ngọc:
Trên bước đường tu chúng ta không thể chỉ đi một mình mà rất cần những bạn đồng hành. Những người bạn này sẽ giúp đỡ chúng ta tinh tấn hơn trên con đường đạo. Trong đạo Phật chúng ta có khái niệm “Linh Sơn cốt nhục” cho thấy rằng dù người đệ tử Phật chúng ta tuy có nhiều điểm khác nhau. Nhưng cùng tôn thờ chung một đức Phật, cùng đi chung trên đạo lộ giải thoát, giác ngộ thì phải xem nhau như anh em sống chung trong cùng một gia đình (gia đình Phật pháp). Quan niệm về tình bằng hữu trong đạo Phật rất rộng, không chỉ bó hẹp xung những người thân xung quanh mình, những người ở cùng chùa với mình, hay những huynh đệ đồng đạo với mình. Thế nhưng có đôi khi thấy một người bạn đạo của mình đạt được nhiều thành công, giáo hóa được nhiều người đi theo thì chúng ta lại khởi tâm đố kỵ, ganh ghét. Chúng ta sợ họ sẽ lấy hết đồ chúng đang theo mình, sợ họ sẽ giành hết uy tín, địa vị của mình. Từ đó sinh ra tâm tật đố không muốn ai hơn mình, thậm chí còn tìm cách hãm hại người hơn mình.
Hình ảnh của Bồ tát Vô Tận Ý tượng trưng cho một người có tấm lòng bao la rộng lớn, không chấp trước vào những lẽ hơn thua thường tình ở đời. Khi thấy Bồ tát Quán Thế Âm giáo hóa được nhiều chúng sanh thì khởi tâm hoan hỷ và dâng cúng chuỗi ngọc. Chúng ta cũng nên như vậy. Khi thấy một người bạn đồng tu của mình thành công thì phải thật tâm tùy hỷ với những gì mà họ đã làm được. Ngoài ra còn phải hết lòng giúp đỡ nếu thấy người bằng hữu của mình thiếu thốn vật chất phương tiện, giúp họ có cơ hội hoàn thành tốt hơn nữa những việc làm đem đến lợi ích cho chúng sanh.
Bồ tát Quán Thế Âm từ chối nhận chuỗi ngọc:
Nếu một người làm được nhiều điều thiện, thường hay giúp đỡ cho người khác, thì khi quả báu tốt lành đến, được nhiều người ca ngợi, tán thán, được người kính trọng, được có tài sản địa vị thì họ dễ phát sinh tâm lý tự mãn, tự quan trọng hóa những gì đã làm được. Lẽ thường ở đời gieo nhân thì chắc sẽ gặp quả, làm thiện sẽ được hưởng phước, dù có mong cầu hay không thì phước cũng tự đến. Có phước thì hưởng phước, chỉ chăm chăm hưởng phước thì sẽ hết phước. Hết phước thì trở lại cảnh nghèo túng, trong lúc nghèo khó chúng ta khởi niệm lành làm các việc thiện thì lại có phước, cuối cùng không lẽ người tu chúng ta cứ luẩn quẩn trong cái vòng làm thiện, hưởng phước này hay sao. Chúng ta phải làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng này?
Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho hình ảnh một người khi quả báu lành đến, Ngài khước từ không nhận lấy. Bồ tát với công hạnh hiện thân ở đời đã giáo hóa được vô số chúng sanh, khi công viên quả mãn Ngài được Bồ tát Vô Tận Ý cúng dường chuỗi ngọc, Ngài liền từ chối. Qua hình ảnh Ngài chúng ta học được bài học về tinh thần vô chấp, vô cầu, không chấp trước, không có tâm mong cầu quả báu. Chúng ta phải thấy rõ ràng rằng, nhân quả là một chân lý tất yếu. Dù có mong cầu hay không khi đã gieo nhân thì quả sẽ tự đến. Đến lúc đó dù mình không muốn ai ca tụng khen ngợi họ cũng tự tìm đến khen ngợi, tán thán mình. Không muốn có tiền cũng sẽ tự có người đem tiền đến cho mình sử dụng. Không cần thiết phải đánh trống, khua chuông báo cho mọi người biết “việc này tôi đã làm được, việc kia tôi đã làm được…”. Vậy khi những cây trái ngọt lành trổ quả, quả báo tốt lành tự đến chúng ta phải đối diện và ứng xử ra sao?
Nếu người không có trí tuệ thì sẽ hưởng thụ hết những gì đã làm được. Ngược lại người có trí tuệ, người học Phật chân chánh, người biết thực hành theo hạnh nguyện của Bồ tát thì khi phước lành đến họ biết khước từ, không hưởng thụ cho riêng mình. Ví như có người đến khen ngợi mình, chúng ta không được chấp trước vào lời ca tụng đó, trong tâm không được khởi lên ý muốn tự hào. Người đem tài sản đến trao tặng cho chúng ta, chúng ta cứ nhận lấy không cần phải từ chối, nhưng đem những tài sản đó tiếp tục làm điều phước thiện, dần dần phước càng tích lũy càng lớn sẽ phát sinh phước báu vô lậu, hướng ta thẳng tiến trên đạo lộ giác ngộ, không còn quay trở lại hưởng phước báu nhân thiên nữa.
Bồ tát Quán Thế Âm dâng cúng chuỗi ngọc lên đức Phật:
Có một phương pháp khác giúp chúng ta khước từ quả báu đó là quán chiếu rõ ràng nhân duyên của mọi sự mọi việc, để thấy rằng những gì ta đã làm được không phải chỉ do một mình ta mà còn có rất nhiều nhân duyên khác tác động vào. Ví như có một người có tài năng, thông minh, học giỏi, nghiên cứu đóng góp cho cộng đồng xã hội được nhiều phát minh. Khi thành quả đến nhiều người biết đến, anh được nổi tiếng thì anh không thể vơ hết những thành công này về cho mình mà cần phải thấy có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự thành công của anh như ngày hôm nay. Đầu tiên phải kể đến chính là cha mẹ của anh, người đã sinh ra và nuôi lớn anh. Tiếp nữa phải kể là người thầy đã dạy dỗ và truyền trao cho anh kiến thức, ngoài ra còn nhiều yếu tố tác động mới dẫn đến sự thành công như ngày hôm nay. Nếu chịu suy xét ngọn nguồn như vậy thì anh sẽ không còn tự hào với những gì đã làm được nữa. Hay một vị tướng dẫn quân ra trận, chiến đấu và giành chiến thắng, người ta ca ngợi vị tướng này là một người tài giỏi, nhưng có ai biết rằng để đánh đổi lấy thành công của vị tướng này đã biết bao nhiêu người phải ngã xuống, bao nhiêu người phải hy sinh máu xương. Nếu vị tướng biết suy nghĩ sâu sắc như vậy thì chắc ông cũng không còn quá tự hào về những chiến công của mình.
Bồ tát Quán Thế Âm sở dĩ khi quả báu tốt lành đến Ngài không hưởng cho riêng mình mà đem tất cả dâng cúng lên đức Thế Tôn, vì Ngài đã quán sát thấy rõ nhân duyên của mọi việc. Từ đó Ngài cho rằng tất cả những Phật sự mà mình làm được đều do thầy của mình tức là đức Phật, luôn luôn đi theo âm thầm gia hộ, âm thầm giúp đỡ. Nhờ vậy mới làm được, còn riêng bản thân mình không thể nào làm được. Đấy chính là tâm khiêm hạ của một vị đại Bồ tát.
Đoạn kinh ngắn này đã cho ta được rất nhiều bài học quý giá trên bước đường tu. Chúng ta biết học theo công hạnh của Bồ tát Vô Tận Ý biết hoan hỷ tán thán và sẵn sàng giúp đỡ bạn đồng tu với mình và phải biết chuyển hóa những tâm lý ganh ghét đố kị. Chúng ta cũng phải noi theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm không được dính mắc vào những quả báu thế gian, biết khước từ những vinh quang thường tình ở đời, có như thế mới có thể thăng tiến trên con đường giải thoát.