Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Chói sáng khu rừng Gosinga
Cập nhật: 29/12/2019
Một hôm, vào đêm trăng Rằm, tại khu rừng Gosinga, các vị Thượng tọa đệ tử nổi tiếng như Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả Ly-bà-đa, Tôn giả A-nan… đã cùng nhau có suy nghĩ rằng: “Hạng Tỳ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga?”. Lúc bấy giờ, các vị Tôn giả mỗi người có mỗi ý kiến khác nhau. Có vị cho rằng phải thọ hạnh đầu đà; có vị cho rằng phải đa văn, nghe và nhớ nhiều giáo pháp của đức Thế Tôn; có vị cũng cho rằng phải thiền định giỏi thì khi ấy mới có khả năng chói sáng cả khu rừng Gosinga, vượt bậc trong Tăng chúng.
Chính vì mỗi người mỗi ý kiến, nên tất cả đã đến trình bày với đức Thế Tôn, và Ngài đã dạy rằng:
- Và này các Ông, hãy nghe Ta nói, hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga? Ở đây, này Xá-lợi-phất, Tỷ-kheo nào sau buổi ăn, sau khi đi khất thực về, ngồi kiết già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, và nghĩ rằng: “Ta sẽ không bỏ ngồi kiết già này cho đến khi tâm của ta được khéo giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ”. Này Xá-lợi-phất, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
(Trích Trung Bộ Kinh, số 32, Đại Kinh Rừng Sừng Bò).
Cũng vậy, trong việc tu hành của chúng ta, không nhất thiết phải có trí tuệ cao siêu, không nhất thiết phải hành thiền thật giỏi, thật miên mật, nhưng nhất định phải có chánh niệm và tỉnh giác.
Chánh niệm tỉnh giác như ngọn đèn dầu soi sáng chúng ta trên hành trình đi tìm sự giải thoát. Chánh niệm giúp ta ý thức được trọn vẹn việc mình đang làm, giúp tâm ta không phóng dật, không nghĩ về quá khứ cũng không tưởng đến tương lai, mà chỉ có mặt ngay trong giây phút hiện tại.
“Thở vào tôi thấy rõ tôi
Thở ra tôi biết bên tôi có người
Trong hơi thở có nụ cười
Trong gió động cả một trời tịnh không”.
Các hành giả khi mới thực hành chánh niệm, trở về với giây phút hiện tại, thì nên quán niệm hơi thở. Thở ra ta biết đang thở ra, thở vào ta biết đang thở vào. Tu hành không phải là làm một việc gì đó cao siêu, mà chính là quay trở về nương tựa hơi thở của chính mình. Khi ấy, chúng ta mới quan sát được tâm của mình một cách thuần khiết và quân bình nhất.
Khi tâm có một ý niệm khởi lên, thì ta đừng loại bỏ chúng, mà hãy đứng ở ngoài quan sát và tự nhủ rằng: “Đây chỉ là một ý niệm, ta không nên đồng nhất với nó”. Sau đó, hãy trở về lại với hơi thở quen thuộc. Mỗi ngày, hành giả dành từ 10 đến 15 phút để quan sát tâm, quan sát vọng tưởng, thì lúc ấy mới phát hiện rằng chánh niệm quan trọng biết bao. Nhờ có chánh niệm mà tâm ta mới có chỗ an trú, nhờ có chánh niệm mà tâm ta mới có được những giây phút an lạc, bình yên.
Vì rằng tâm ta như ngôi nhà vậy. Một ngôi nhà nhưng người chủ không chịu ở, một ngôi nhà đầy rác rến. Người chủ suốt ngày đi trọ ở những ngôi nhà khác, mà không dọn dẹp lại ngôi nhà của mình. Cũng vậy, tâm ta lúc nào cũng nghĩ đến những chuyện vẩn vơ, nhớ thương người này người kia, phóng dật lung tung, đi trọ ở khắp nơi nhưng chưa một lần trở về với ngôi nhà của chính mình.
Một vị thầy môn phái Dzongdzongchen Tây Tạng vĩ đại đã nói rằng: “Có một thứ chúng ta luôn luôn cần đến, đó là một người canh cửa có tên là chánh niệm – đó là người bảo vệ, luôn trông chừng cho chúng ta khỏi bị lôi cuốn vào thất niệm”. Chánh niệm giúp chúng ta dọn dẹp căn nhà tâm đầy rác, khéo léo giúp chúng ta chuyển hóa từng cơn cảm xúc, có đôi lúc cũng mạnh mẽ lôi ta ra những cơn bão suy nghĩ điên cuồng. Và chúng ta, rất cần người bạn này bên cạnh mọi lúc mọi nơi.
Thế nhưng, làm cách nào để người bạn này xuất hiện? Cách nhẹ nhàng và tốt nhất đó chính là hành thiền.
Ở đây, bây giờ, tỉnh giác – chính là giáo lý căn bản nhất trên con đường hành thiền. Hành thiền không nhất thiết phải là ngồi xuống, lưng thẳng, nhắm mắt, quán niệm hơi thở, mà hành thiền là những lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc… chúng ta đều biết rõ và nhận thức một cách trọn vẹn. Từng lời nói, từng hành động đều được chúng ta quan sát dưới cái tâm tỉnh thức. Chúng ta phải học cách nhận diện khi tâm đang đi lạc, ngay tức khắc phải điều phục tâm trở về bằng cách quán niệm hơi thở vào – ra.
Con đường đi đến giác ngộ giải thoát chỉ có một con đường duy nhất. Độc bước trên con đường này không phải là điều dễ dàng. Hành trang mà hành giả mang theo để vững bước trên đạo lộ này, đó chính là giáo lý – lời dạy từ đức Thế Tôn.
Trong giáo lý của đức Thế Tôn thì bốn nền tảng chánh niệm, được gọi là Tứ niệm xứ, được xem là căn bản nhất.
- Thế nào là bốn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống quán thân trong thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, đã chế ngự tham đắm và ưu phiền đối với cuộc đời. Vị ấy sống quán thọ trong thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, đã chế ngự tham đắm và ưu phiền đối với cuộc đời. Vị ấy sống quán tâm trong tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, đã chế ngự tham đắm và ưu phiền đối với cuộc đời. Vị ấy sống quán pháp trong pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, đã chế ngự tham đắm và ưu phiền đối với cuộc đời”.
(Trích Trung Bộ Kinh, số 10, kinh Niệm Xứ).
Lại nữa:
- Này các Tỷ-kheo, vị nào tu tập bốn niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
- Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này như vậy trong sáu năm, trong năm năm, trong bốn năm, trong ba năm, trong hai năm, trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
- Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
- Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong sáu tháng, trong năm tháng, trong bốn tháng, trong ba tháng, trong hai tháng, trong một tháng, trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
- Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập bốn niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.
- Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Ðó là bốn niệm xứ”.
(Trích Trung Bộ Kinh, số 10, kinh Niệm Xứ).
Qua đây, chúng ta thấy được đức Phật đã khẳng định rằng “chánh niệm đưa đến Niết-bàn”. Vì thế, chúng ta cần phải rốt ráo tu tập, cần phải tinh tấn miên mật, cần phải chánh niệm tỉnh giác mọi lúc mọi nơi. Hãy để tự thân chúng ta chói sáng màn u minh đang che mờ mắt. Hãy là đứa con học theo hạnh của Ngài, dùng tâm mình chói sáng cả khu rừng Gosinga – khu rừng mà đức Thế Tôn đã an trú lúc còn tại thế.