Nước Ngoài

Chiến tranh là đau khổ, hòa bình là yên vui

Cập nhật: 09/05/2018
Vào lúc 21h00, ngày 13/04/2018, Mỹ tấn công Syria. Nghe tin này xong, lòng tôi xót xa vô cùng cho đất nước Syria đang phải gánh chịu những quả tên lửa oanh kích. Tôi chợt nhớ đến bài kinh “Tám Điều” trong thời khóa công phu vào mỗi buổi tối thứ sáu:
 

Chiến tranh là đau khổ, hòa bình là yên vui

 

“Thứ nhất biết thế gian không chắc,

Hiểu rõ ràng cõi nước yếu nguy

Thân này nào có ra chi

Đất, nước, gió, lửa hợp về lại tan...”

Phật dạy thật chí lý. Mọi thứ trên đời đều phải chịu sự chi phối của luật vô thường, không có gì là mãi mãi, thường còn. Thân này vay mượn hơi thở, khi không còn thở nữa chính là mệnh chung. Cho dù thân hình xinh đẹp như hoa hậu, người mẫu thì có ngày cũng bị già và chết, giống như bông hồng đẹp đẽ, ngát hương rồi có lúc cũng phải héo tàn, lá úa. Tâm này cũng thế, suy nghĩ trước như vầy, suy nghĩ sau đã khác, nhận thức, hành vi cũng biến chuyển theo thời gian, tư tưởng cũng thay đổi. Xưa người dân tôn sùng đạo Khổng, Lão nhưng nay tôn sùng khoa học. Khi trước nhiều người tin có Thượng đế trên trời nhưng nay gặp được chân lý mới biết Thượng đế là do con người tưởng tượng ra. Ngày trước nhiều người nghĩ rằng xuất gia là trốn nợ, bỏ đời nhưng nay người ta biết rằng xuất gia là lý tưởng cao thượng, giúp mình độ người qua bể khổ sông mê.

Chiến tranh mang lại đau khổ cho mình lẫn người. Theo VOV.VN vào này 11/04/2018, LHQ cho biết gần 700.000 người Syria buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh từ đầu năm 2018. Hơn một nửa dân số Syria phải chạy trốn khỏi chiến tranh, các công dân Syria liên tục đối diện với tình trạng bạo lực khủng khiếp.

Nguồn gốc chiến tranh chính là tâm vọng động, cố chấp. A cho A đúng B sai, B cho B đúng A sai, không ai nhường ai, kết quả là cãi cọ, thù nhau. Truyện cổ tích kể rằng: Có hai con dê đi qua một cái cầu từ hai phía trái ngược nhau, con dê bên này không chịu nhường cho con dê bên kia qua trước, con dê bên kia cũng không chịu nhường cho con dê bên này qua trước, cuối cùng là hai con dê rơi tỏm xuống nước. Lục Tổ Đàn Kinh có kể một câu chuyện: Mọi người đang ngồi yên, bỗng có gió thổi đến làm chuông kêu. Thầy này nói là gió động, thầy kia nói là chuông động. Hai thầy cứ cãi qua cãi lại. Đúng lúc ấy, lục tổ Huệ Năng đi tới, nói rằng: Gió không động, chuông không động mà tâm hai thầy động.

Ngọn nến trước gió bao giờ cũng không sáng bằng ngọn nến trong nhà kín. Cũng vậy, khi tâm con người vọng động, chính là lúc vô minh (không sáng), phiền não dấy khởi, vô minh sinh tức đau khổ sinh. Tâm chúng ta vốn thanh tịnh, tròn sáng nhưng do chạy theo vọng trần nên sinh tử triền miên.

Kinh Kim Cang có câu:

“Nếu dùng sắc thấy Ta,

Dùng âm thanh cầu Ta.

Là người hành tà đạo,

Chẳng thể thấy Như Lai.”

Như Lai là giác ngộ, cũng chính là sự bình yên trong cõi lòng. Nếu ta tìm cầu sự bình yên bằng con đường làm giàu của cải vật chất hay vương quyền, địa vị...(sắc, thanh, hương, vị, xúc) thì không bao giờ tìm được. Vì bản chất của cải vật chất, địa vị, vương quyền...là vô thường. Ẩn núp dưới chúng là sự đau khổ. Chân tâm (tâm chân thật) vốn có đầy đủ sự bình yên nhưng do chúng ta không chịu quay lại soi chiếu vào cõi lòng nên mới có sự bất hạnh, đau khổ khi phải rong ruổi chạy theo những thứ bên ngoài không vững bền.

Chúng ta ngồi yên và soi vào tâm mình thật sâu để thấy rằng sự nóng giận khiến ta có những hành vi bạo động, đã khiến cho nhiều người phải đau khổ. Ta nhẹ nhàng buông bỏ, làm dịu nó bằng cách đem tâm từ ái rải khắp đến muôn loài:

“Không chạy theo điều quấy nhỏ nhoi 
Mà thánh hiền có thể chê bai 
Đem an vui đến cho muôn loài 
Cầu chúng sinh thảy đều an lạc.

Không bỏ sót một hữu tình nào 
Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh 
Giống lớn to hoặc loại dài cao 
Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô.

Có hình tướng hay không hình tướng 
Ở gần ta hoặc ở nơi xa 
Đã sanh rồi hoặc sắp sanh ra 
Cầu cho tất cả đều an lạc.

Với ai và bất luận ở đâu 
Không lừa dối chẳng nên khinh dễ 
Lúc căm hờn hoặc khi giận dữ 
Đừng mưu toan gây khổ cho nhau.

Như mẹ hiền thương yêu con một 
Dám hy sinh bảo vệ cho con 
Với muôn loài ân cần không khác 
Lòng ái từ như bể như non.

Tung rải từ tâm khắp vũ trụ 
Mở rộng lòng thương không giới hạn 
Tầng trên, phía dưới và khoảng giữa 
Không vuớng mắc, oán thù, ghét bỏ.

Khi đi, khi đứng, hoặc nằm ngồi 
Hễ lúc nào tinh thần tỉnh táo 
Phát triển luôn dòng chánh niệm này 
Là lối sống đẹp cao nhất đời.

Đừng để lạc vào nơi mê tối 
Đủ giới đức, trí tuệ cao vời 
Và dứt bỏ lòng tham dục lạc 
Được như thế thoát khỏi luân hồi”.

                                             (Trích Kinh Lòng Từ)

Kinh Pháp Cú có câu:

“Mọi người sợ hình phạt

Mọi người sợ tử vong

Lấy mình làm ví dụ

Không giết, không bảo giết”.

Mọi người đều sợ chết, khiếp đảm với cái chết. Bạn (những người bạo động) cũng sợ, tại sao bạn lại đem cái sợ đó đến với những người cũng sợ như bạn. Bạn thương cha mẹ, người thân, tại sao bạn lại không thương được những người đồng loại như bạn? Phải chăng lòng bạn đang chất chứa những phân biệt, đố kỵ, hận thù...đã che mất tấm lòng bao dung, lương thiện của bạn rồi ư?

Kiếp người không được bao lâu, nhiều lắm là trăm năm. Chẳng lẽ với thời gian ngắn ngủi đó ta không thương nhau được hay sao? Nhà Phật có câu: Chết đi không mang theo được gì, chỉ mang theo những thói quen tốt, xấu và không tốt không xấu mà thôi. Như vậy, ta đâu cần phải tranh giành thiệt hơn. Chiến tranh hao tốn tiền bạc, sức lực, mạng sống. Ấy vậy, sao bạn không đem số tiền đó đi cứu khổ cứu nạn những người dân đói khổ, thiếu ăn thiếu mặc, sống đời lang thang, ăn xin chỗ này chỗ kia…

Tâm Huỳnh

Tin tức liên quan

Ân tình
12/04/2024
COVID-19, một lời khuyên về “Trách nhiệm Toàn cầu” được phát biểu trong Ngày Trái đất của đức Dalai Lama
03/05/2020
Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim đưa ra hướng dẫn Phật giáo để đối phó với Đại dịch
05/04/2020
Một triệu lượt tín đồ tham dự lễ hội Phật giáo Samyak Mahadan ở Patan, Nepal
03/03/2020
Triển vọng của nền kinh tế theo tinh thần Phật giáo
29/11/2018