Chắp cánh chim bằng.
Suốt một tuần nay, quý Thầy đã tham dự “Đại giới đàn Quảng Đức” do Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh tổ chức. Trải qua nhiều kỳ thi khảo hạch gắt gao cả ba môn Kinh - Luật - Luận, quý Thầy đều kiên trì nỗ lực và phấn đấu không ngừng để vượt qua. Qua một tuần dài học tập nghi thức thọ giới, quý Thầy trông có vẻ hao gầy đi đôi chút. Tuy nhiên, tất cả đều toát lên một niềm hỷ lạc thanh tịnh vô biên khi được chính thức thọ giới và đắc giới, tiến thêm một bước quan trọng trên lộ trình giải thoát, tìm cầu giáo pháp của Như Lai.
Suốt một tuần dài vắng bóng quý Thầy, ngôi chùa Hoằng Pháp dường như có một khoảng trống lớn. Thầy trụ trì cùng chư Tăng phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn để duy trì nhịp sống cùng sự tu học của toàn thể chúng hội. Tuy nhiên, mỗi lúc ra vào, lui tới các nơi trong chùa, Phật tử chúng con vẫn cảm nhận một bầu không khí đượm vẻ u buồn, nặng lòng hoài mong ngày trở về của quý Thầy.
Vâng, quả thật quý Thầy đã trở về, đem lại niềm hân hoan rạng rỡ và tiếp thêm sức sống mới cho toàn thể ngôi già lam Hoằng Pháp. Lần trở về này thật là an vui và rộn rã tiếng cười. Quý Thầy kể lại những trải nghiệm thực tế trong kỳ thi tuyển chọn người làm Phật. Lòng khát khao cầu lãnh thọ giới pháp của Như Lai là động lực chính giúp quý Thầy đối mặt với tất cả thử thách khó khăn, vượt qua từng giai đoạn thi và sau cùng đạt được kết quả tốt đẹp như ý.
Có được thành tựu này là do sự nỗ lực học hỏi và hành trì Phật pháp không mệt mỏi và không gián đoạn của quý Thầy. Hoằng Pháp là môi trường tu học nghiêm túc, quý Thầy phải vừa tu, vừa học, vừa hoằng pháp lợi sanh. Sau thời gian đến trường học tập, quý Thầy phải dành thời gian tự học thêm. Quý Thầy cùng công phu tu tập với đại chúng, lại vừa sắp xếp thời gian để làm việc, tham gia các hoạt động khác như: giữ xe, nấu ăn, làm lồng đèn v.v… tóm lại là rất nhiều loại công việc không tên. Vì thế, thành quả vừa qua của quý Thầy là phần thưởng xứng đáng dành cho một quá trình phấn đấu nỗ lực không ngừng của tự thân trong sự nghiệp tu học và hoằng dương chánh pháp của Như Lai.
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu được vun đắp nên thành quả này là sự dạy dỗ, chăm lo trong tình thương và lòng bao dung của Thầy Tổ. Thử phân tích rộng ra một chút, chúng ta hẳn biết rằng cuộc sống của con người vốn phức tạp và đầy khó khăn thử thách. Ở thế gian, khi một đôi uyên ương tiến tới việc tạo dựng cuộc sống gia đình, lòng họ tràn đầy tình yêu và khát vọng về một tương lai hạnh phúc. Họ nhìn đời bằng đôi mắt màu hồng. Thế nhưng cuộc sống chung chỉ của hai người lại phải đối mặt với rất nhiều chông gai cay đắng: không hợp về tính cách, các vấn đề phát sinh khi có con cái, thiếu hòa hợp trong sinh hoạt vợ chồng và nạn ngoại tình… Kết quả là cứ mỗi 13 giây thì có một cặp vợ chồng đòi ly hôn trên thế giới. Thế mà, Tăng đoàn chùa Hoằng Pháp lên đến cả trăm vị, xuất thân từ những thành phần xã hội khác nhau, trình độ học vấn, tâm lý nhân cách và nhân duyên phước đức khác nhau. Thế nhưng, nhìn chung tất cả đều sống hòa hợp và an lạc trong tình đồng môn lục hòa tương thân tương ái. Vì sao lại được như vậy?
Thử nhớ lại ngày đầu khi mới làm lễ thế phát xuất gia, quý Thầy ôm ấp những hoài bão lớn: giữ gìn, kế thừa và phát huy bản hoài của chư Phật, thực hiện hạnh nguyện tự lợi và lợi tha để xứng đáng là trưởng tử của Như Lai. Hạnh nguyện rất cao cả, thế nhưng khả năng của tự thân quý Thầy liệu có đủ để thực hiện được không? Mang trong tim một bầu nhiệt huyết, nhưng quý Thầy còn quá non nớt, thiếu hiểu biết trên đường đạo, không có kinh nghiệm sống trong tập thể Tăng đoàn vốn có rất nhiều giới luật nghiêm ngặt và chặt chẽ. Lúc này, chỉ có tấm lòng yêu thương, hiểu biết và sự bao dung độ lượng của ân sư mới giúp được quý Thầy. Ân sư không quản ngại vất vả, tận tình uốn nắn những khiếm khuyết, chỉ dạy từng điều hay lẽ phải cho quý Thầy, khuyên nhủ để các bạn đồng tu cùng nhau sống hòa hợp, cảm thông và yêu mến nhau để cùng tu, cùng học, cùng tiến bước trên đường đạo. Cũng có khi vì thói bồng bột hiếu thắng của tuổi trẻ, quý Thầy có những hành động nông nổi, thiếu nghĩ suy, ân sư vẫn rộng lòng dung thứ. Có đôi khi vì nghiệp lực quá nặng, quý Thầy không giữ trọn đường tu, làm cho vầng trán thanh cao của ân sư hằn thêm những nếp nhăn mới. Người vẫn an nhẫn mỉm cười với mọi người, nhưng trong đôi mắt tinh anh kia vẫn đượm một nỗi buồn man mác. Năm tháng phôi pha, mái đầu của ân sư đã nhuốm màu thời gian, vầng trán Người cũng hằn thêm những nếp nhăn mới. Nhìn thấy quý Thầy đều đã trưởng thành, vững vàng trên đường đạo, ân sư cảm thấy an lạc và thanh thản mỉm cười. Chắc hẳn quý Thầy cũng nhận ra rằng: mỗi sợi tóc bạc, mỗi nếp nhăn trên gương mặt của ân sư đều ghi dấu bao ân tình sâu nặng mà Người đã dành trọn cho quý Thầy.
Nói như thế, chúng ta mới nhận ra rằng: mỗi bước tiến, mỗi thành quả trên bước đường tu tập của quý Thầy ghi dấu ấn của biết bao hoài vọng, mong chờ và vun đắp không chỉ của tự thân mà còn của bao tấm lòng khác nữa. Chúng con những mong quý Thầy luôn giữ vững hoài bảo ban đầu: thượng cầu hạ hóa, tự độ độ tha để tất cả cùng vững bước tiến nhanh trên lộ trình giải thoát và thành tựu đạo nghiệp.
Tối nay, không gian chùa Hoằng Pháp an tĩnh và trang nghiêm lạ thường. Tiếng tụng kinh của đại chúng ngọt ngào hơn, thâm trầm hơn và sâu lắng hơn. Ai ai cũng đều cảm nhận được nỗi xúc động, niềm hạnh phúc và sự an lạc vô biên lan tỏa trong tâm của mỗi người. Cung kính dõi theo từng bước chân trang nghiêm của quý Thầy trong thời khóa kinh hành niệm Phật, Phật tử chúng con cảm thấy tâm hồn mình tràn ngập một niềm hỉ lạc diệu kỳ. Chúng con thành tâm cảm tạ ân đức cao dầy của chư Phật, của Thầy Tổ, của chư Tăng và của tất cả mọi người đã đồng tâm kiến tạo nên thiên đường tịnh độ của ngôi già lam Hoằng Pháp thân thương.
Giác Đoan