Bài viết

Cây xương rồng

Cập nhật: 14/12/2018
Nếu nói về loài cây mà tôi ấn tượng nhất thì đó là xương rồng, một loài cây nhiều gai và rất ít lá, thậm chí có loài không có lá. Nó thuộc trong số rất ít loài cây có thể tồn tại trong thời tiết khắc nghiệt như ở sa mạc. Hình ảnh cây xương rồng mang đến cho tôi một nghị lực, một niềm tin trong cuộc sống. Không những thế, hình ảnh đó còn là một tấm gương, một bài học tuyệt vời cho một người đang tu học Phật pháp như tôi.
 

Cây xương rồng

 

Xương rồng thì có nhiều loại, nhưng đặc điểm chung của nó là thân mọng nước, lá tiêu biến trở thành vảy hoặc gai. Đặc biệt, xương rồng có đặc tính ưa ánh sáng, không đòi hỏi nhiều nước và các chất dinh dưỡng nhưng có một sức sống vô cùng mãnh liệt.

Xương rồng có nhiều hình dáng khác nhau. Có loại hình cầu, có loại hình dẹt, có loại nhiều cạnh. Đa số loài xương rồng có thân trơn, nhưng cũng có một số loài có lớp lông mịn phủ đầy để có thể giữ sương nuôi cây. Nói đến cây xương rồng, chúng ta thường biết đến một loài cây ít lá và có nhiều gai. Có cây gai cứng, nhọn mà cũng có cây gai mềm, mọc thành chùm. Việc lá tiêu giảm và biến đổi thành gai giúp chúng tiết kiệm được lượng nước tiêu thụ, và giúp chúng chống chọi trước những cơn gió mạnh và không bị biến làm thức ăn cho các loài động vật trên sa mạc. Thường đứng đơn độc, trơ trụi nhưng loài cây này lại có một sức sống rất mãnh liệt và dẻo dai. Dù ở trong môi trường lâu ngày không có nước, dù bị nhổ lên trồng lại nhiều lần, hay dù thân bị chia ra thành nhiều khúc, chỉ cần một phần thân đó có thể nằm trên mặt đất thì chúng vẫn ra rễ, vẫn tiếp tục phát triển lên thành một cây mới. Tuy sống trong những điều kiện khó khăn, đối diện với biết bao sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng xương rồng luôn biết cách thích nghi và tự bảo vệ để tồn tại và phát triển. Và phần thưởng của chúng là những bông hoa. Hoa xương rồng tuy ít nhưng rất đẹp và nhiều màu sắc. Những bông hoa này vinh danh cho ý chí kiên cường, hiên ngang chấp nhận cái nắng khô hạn của sa mạc để tự mình vươn lên trở thành một biểu tượng của tinh thần bất diệt.

Nhìn vào hình ảnh cây xương rồng, tôi lại liên tưởng đến đời sống tu tập chốn thiền môn cũng có nét gì đó tương đồng như vậy . Người Thích tử sống hạnh xả ly, tiết chế trong ba việc ăn, mặc, ngủ để thích nghi với đời sống đạm bạc, giản dị chốn thiền môn mà vẫn có được sự thăng tiến và an lạc trên lộ trình tu đạo giải thoát. Cũng giống như cây xương rồng, dù sinh trưởng và phát triển trong môi trường thiếu thốn về điều kiện sống, nhưng đã biết chuyển đổi các bộ phận trên thân cây để dù không cần nhiều nước và các chất dinh dưỡng nhưng vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt. thu nhiếp sáu căn trước phong ba cám dỗ của dục vọng, trần cảnh. Cảnh giác trước những tâm niệm bất thiện, không để cho danh lợi, vật chất cuộc đời sự an định của tâm. Cũng giống như lá của cây tiêu giảm và biến đổi thành nhũng chùm gai để bảo vệ cây trước những loài động vật và thời tiết vùng sa mạc. Dù ở nơi đô thị phồn hoa, làng quê bình dị hay là vùng xa xôi hẻo lánh thì người học Phật vẫn luôn tinh cần tu học, trau dồi Phật pháp và thực hành đời sống phạm hạnh mang lại lợi ích cho đạo pháp, tô đẹp cho cuộc đời. Cây xương rồng dù là sinh trưởng trong vùng sa mạc hay phát triển nơi vùng trung du thì văn là cây xương rồng nhiều gai với tấm gương của sự chấp nhận, thích nghi hoàn cảnh, mang đến cho đời một ý chí phi thường để vươn lên trong cuộc sống. Và rồi ngày mà cây xương rồng gai góc mang đến cho đời bông hoa tươi thắm cũng là ngày mà chúng ta gặt hái thành quả sau bao ngày vất vả, gian lao đi theo dấu chân Phật. Bông hoa thành quả của sự tu tập, của những nỗ lực học hỏi và hành trì theo giáo lý Phật đà.

Là một người trẻ phát tâm xuất gia tu học theo con đường của bậc Giác Ngộ, tuy thời gian chưa được bao lâu nhưng cũng đủ để thấy được sẽ có vô vàn những khó khăn, thử thách trên con đường mình đã chọn. Dù con đường đức Bổn sư đã chỉ bày, bước đi được Thầy tổ dìu dắt, thế nhưng, nếu muốn trở về “cố hương”, muốn thấy được bản nguyên xưa cũ thì phải chấp nhận gian nan, thử thách. Dầu biết rằng nói thì dễ mà làm thì rất khó. Thế nên có thể cho mình một tấm gương, một nguồn động lực để vượt qua những lúc đối diện với những chướng ngại trên đường tu thì cũng có thể giúp mình vững mạnh, tấn tu đạo nghiệp.

Như cây xương rồng trên sa mạc,

Dù đất khô cằn vẫn hiên ngang,

Đời người xuất gia tu phạm hạnh,

Dù lắm chông gai cũng không nàn.

 

Để rồi một ngày hoa đức hạnh,

Như hoa xương rồng khoe sắc hương,

Hiên ngang nơi khô cằn sỏi đá

Cống hiến cho đạo, đẹp cho đời.

Moni

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022