Bài viết

Cầu nguyện

Cập nhật: 12/12/2018
Khi đến với đạo Phật, mỗi người có mỗi nhân duyên khác nhau, người tìm hiểu, nghiên cứu về các Tôn giáo, rồi họ thấy được cái hay của đạo Phật nên phát tâm Quy Y Tam Bảo, làm người Phật tử tại gia hay xuất gia. Có người thì ban đầu đến chùa là để đi dạo do quan cảnh thanh tịnh, mát mẻ, hay do đi chơi với chúng bạn, hoặc có những khúc mắc, những đau khổ nên họ tìm đến chùa, tìm con đường giải thoát, sự bình an…
 

Cầu nguyện

 

Dù là nguyên nhân đến với đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu chung lại thì mục đích chính là để có niềm vui, sự bình an và hạnh phúc. Do vậy, đến được với Đạo Phật là một duyên lành, là hạt giống tốt. Để cho hạt giống này ngày càng phát triển thì chúng ta phải biết chăm sóc nó đúng theo tinh thần của Đức Phật đã dạy. Không riêng gì việc hướng đến sự bình an và hạnh phúc mà hầu hết các mục đích, mong muốn của chúng ta hằng ngày trong cuộc sống cũng vậy, luôn cầu mong, ước nguyện để được thành tựu việc này việc kia… nhưng nếu chỉ cầu nguyện không thôi thì chưa đủ, cầu nguyện nó là động lực, là định hướng cho mình thực hiện tốt công việc, ước muốn, mục đích mà thôi, cái chính yếu là mình phải tự thân nỗ lực, cố gắng, bỏ thời gian, công sức ra để thực hiện thì mới thành tựu được. Ví như mình muốn làm bác sĩ, cầu nguyện rồi ngồi đó chờ kết quả thì không thể được. Mình phải tốt nghiệp Phổ Thông, trải qua các kỳ thi Đại Học, nếu ở Việt Nam thì bạn phải trải qua sáu năm ròng rã, học tập, nghiên cứu, rồi thi đậu tốt nghiệp mới chính thức được cấp bằng, được công nhận là bác sĩ. Cũng vậy, sự bình an và hạnh phúc của chúng ta cũng không phải tự nhiên, hay do cầu nguyện mà có được, nó cần nhiều sự nỗ lực tu tập. Con đường đi tới bình an và hạnh phúc này nó là sự nghiệp, là chí hướng, là mục tiêu mà người xuất gia hướng tới. Để thành công trên bước đường này đầu tiên hành giả phải phát nguyện để làm mục tiêu và động lực cho mình hướng tới. Nhưng chỉ cầu nguyện thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự phát tâm, gắng sức, phấn đấu hết mình để tạo nhân duyên cho việc hoàn thành mục tiêu đó chứ không phải cầu nguyện suông. Đôi lúc trong quá trình này cũng không sao tránh khỏi những buông lung, phóng túng, giải đãi, muốn bỏ cuộc. Những lúc như vầy mình phải làm thế nào để không bị nản chí, thối lui? Trong một bài giảng được viết ra sách có tựa đề “Hiểu được cái tâm tự nhiên” của Thiền Sư Ajahn Chah có viết: “Nhiều lúc chúng ta không muốn tu tập… Dù cho nỗ lực hết sức việc tu tập cũng chưa mang lại nhiều lợi ích và cảm giác rằng mình chẳng đi đến đâu, chằng tìm thấy con đường đạo… Ta cảm giác như mình không thể tìm thấy sự bình an và tĩnh lặng hoặc như ta chưa được trang bị đầy đủ để tu hành. Hoặc ta cảm giác như con đường đạo là điều không thể làm được nữa. Do vậy ta thối chí và bỏ tu. Ngay lúc này, chúng ta phải rất cẩn thận. Chúng ta phải dùng sự kiên nhẫn và sự chịu khó rất lớn. Giống như việc kéo một con cá lớn vậy ta phải từ từ cảm nhận từng bước. Phải cẩn thận, không cần phải kéo mạnh, làm mạnh hay cố sức, chỉ cần từ từ cảm nhận không ngừng, để cuối cùng chúng ta có thể kéo được con cá lớn. Chúng ta cứ tu tập từ từ, đều đặn, kiên trì, rồi sẽ đến lúc ta đạt đến mọi thứ. Đó là cách chúng ta quán niệm…” Tâm lý thường tình, chúng ta luôn muốn nhanh chóng có kết quả, nhưng điều đó thì thường sẽ dẫn tới kết quả thất bại. Ông bà ta ngày xưa có dạy “Dục tốc bất đạt” là ý này vậy. Chúng ta cứ nhiệt tình tu tập, sức mạnh của lòng tin thành tín đó sẽ tạo ra năng lượng cho việc ta đang làm. Chúng ta tu tập từ từ và đều đặn, từ từ tiến bộ, không bị lạc mất bước đi.

Để điều nguyện của mình được thành tựu tốt đẹp thì dưới cái nhìn của đạo Phật, chúng ta phải cần có nhiều nỗ lực và phấn đấu của bản thân mình chứ đừng quá nương tựa vào tha lực của Phật cũng như quá dựa dẫm vào người khác. Như trong kinh Đức Phật có dạy ngài A Nan: “Này A Nan! Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, chớ nương tựa bất kỳ một nơi nào khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một già khác.”

Tâm Hoạch

Tin tức liên quan

KÍNH TRI ÂN Sư Ông NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11!
19/11/2022
T H A Y Đ Ổ I
19/11/2022
Gõ trái tim
18/11/2022
Tiếng khóc
17/11/2022
Chuyến đi vội vàng
16/11/2022