Ánh Sáng Phật Pháp

Câu hỏi Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 01 đến 20.

Cập nhật: 23/11/2009
Các câu hỏi chương trình Ánh Sáng Phật Pháp từ kỳ 1 đến kỳ 20
 

Câu hỏi Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 01 đến 20.

 

ÁNH SÁNH PHẬT PHÁP KỲ 1
 
Câu 1:  Theo chúng con được biết các Tôn giáo đều đề xướng tu tâm. Nhưng vì sao phải tu tâm? Tu những gì trong tâm và tâm ở đâu? Chư Tổ cũng có nói: tu thật tâm thì được thảnh thơi.
 
Câu 2:  Theo kinh Vu Lan đức Mục Kiền Liên thiết trai cúng dường chư Tăng, nhờ sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề được thoát khỏi cảnh khổ. Trường hợp cha mẹ hiện tại làm giàu bất chính khi chết con cháu dùng tiền đó cúng dường trai Tăng để cầu nguyện cho cha mẹ như vậy có được siêu thoát không? Có đúng với tinh thần  mà đức Mục Kiền Liên cúng dường chư  Tăng cứu mẹ hay không? 
 
Câu 3:  Chúng con có một bức xúc trong đời sống hàng ngày. Theo nh? lời các thầy dạy, người Phật tử trước tiên phải Phật hóa gia đình, rất tiếc chúng con đã không làm được điều đó, mặc dù chúng con đã thực hiện đủ các phương tiện nào là băng đĩa, kinh sách không thiếu thứ gì nhưng chồng con của chúng con vẫn chẳng có tâm hướng về sự giải thoát. Mọi người đều quan niệm chỉ cần sống chân thật, không làm điều gì sai trái, miễn sao giữ tròn bổn phận làm người là đủ. Do đó, sống trong gia đình bên ngoài thì hoàn toàn hạnh phúc, nhưng tận đáy tâm hồn chúng con là kẻ độc hành giữa sa mạc mênh mông. Chúng con rất muốn  chia sẻ với người thân những niềm hạnh phúc những sự an lạc tuyệt vời khi đến với Phật pháp; chúng con vô cùng mong ước tất cả đều được hưởng những lợi ích giống như chúng con. Nhưng không hiểu sao giúp  người ngoài thì thật dễ dàng, riêng với gia đình chúng con đành bất lực. Chúng con thành kính cầu xin giảng sư chỉ dẫn chúng con phải làm thế nào? Cứ chờ đợi đến khi mọi người đầy đủ nhân duyên sẽ tự tìm đến Phật pháp hay là chúng con phải tích cực sách tấn hơn nữa?
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 2.
 
Câu 1:  Luận đại trí độ có nói: "Trong tất cả các tội, tội giết hại rất nặng. Trong các công đức, phóng sanh là công đức bậc nhất. Bởi vì phóng sanh là cứu sống sinh mạng cho nên nói là công đức bậc nhất". Kính bạch giảng sư nếu đem tiền mua vật phóng sanh đó dùng để cứu giúp người bệnh, người nghèo đói, người gặp hoạn nạn. Như vậy giữa phóng sanh và cứu giúp người hoạn nạn, chúng con nên làm việc nào tốt hơn?
 
Câu 2:  Làm phương pháp nào để giúp đỡ cho người thân của mình hiểu được chánh đạo, hướng về đường lành để được an lạc khi còn sống; và tự tại vãng sanh khi bỏ xác thân này; trong khi cả gia đình không tin vào một Tôn giáo nào cả
 
Câu 3:  Chúng con là Phật tử tại gia giữ 5 giới, trong đó có giới không được sát sanh. Nếu chồng và con cái trong gia đình có nhu cầu ăn thịt cá mà chúng con không giết thì gây sự bất hòa, thậm chí còn mất hạnh phúc gia đình; còn nếu không giết mà đi chợ mua cũng là gián tiếp giết, vậy có phạm giới sát sanh không. Như vậy chúng con phải làm sao cho vẹn cả đôi đường
 
Câu 4:  Mình làm thế nào để giữ tâm mình luôn được an định không phạm 5 giới cấm  của Phật dạy. Trong khi cuộc sống hiện tại rất dễ khiến con người sa đọa tội lỗi dễ dàng tạo nghiệp ác
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 3
 
Câu 1:  Người muốn xuất gia tu học Phật pháp bắt đầu từ đâu và phải có những điều kiện gì và phải làm những thủ tục gì để được vào chùa xuất gia?
 
Câu 2:   Theo luật Phật quy định người xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ. Nhưng nếu con có chí nguyện xuất gia mà cha mẹ không bằng lòng thì con phải làm sao để thực hiện được chí nguyện đó?
 
Câu 3:  Trường hợp cha mẹ chỉ có một người con trai duy nhất. Nhưng nếu người con trai đó đi xuất gia bỏ cha mẹ không ai phụng dưỡng thì người con trai đó có mang tội bất hiếu không?
Câu 4:  Con thấy có những chùa Tăng độ cho người nữ xuất gia. Nhưng cũng có những chùa không độ người nữ xuất gia. Vậy sao lại có sự khác biệt như vậy và nguồn gốc cho người nữ xuất gia là từ khi nào?
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 4
 
Câu 1:  Trên đường đi làm việc, con thường gặp những cảnh  rất thương tâm như  bà lão ông lão đi ăn mày, người tật nguyền đi ăn xin,  em bé bán vé số bị lừa gạt,……  nói chung là rất đáng tội nghiệp. Con rất muốn phát tâm giúp họ một ít tiền. Nhưng có người bảo là họ giả bộ đóng kịch; nghe như vậy con rất là phân vân. Vậy con phải làm sao để phân biệt thật giả. Có người nói trong cuộc sống đừng nên tin ai. Nói như  vậy có đúng không? Làm sao để thiết lập được một lòng tin vững chắc trong cuộc sống? Nếu họ đóng kịch thật mà con không biết nên vẫn giúp cho họ tạo nên nhiều điều xấu. Vậy con có mang tội đồng lõa với họ hay không?
 
Câu 2:  Cách đây ba năm về trước, có một vị thầy đi Phật sự cho chùa nhưng đi xe hết xăng và xin tiền Phật tử để đổ xăng con cũng ngại nên có nói trươc khi các thầy đi Phật sự cho chùa thì tiền xăng đều được chùa chuẩn bị đầy đủ. Nói như vậy nhưng con cũng đưa 20 ngàn, thầy chê sao cho 20 ngàn ít vậy
 
Câu 3:   Khi con đi ra ngoài đường có gặp một vị tu sĩ mặc áo vàng tay cầm bát đi xin. Thường khi gặp người ăn xin đi xin tiền thì con cho nhưng gặp tu sĩ thì con lại có tâm trạng bực mình. Con thì không hiểu nhiều về giới luật của đạo Phật như thế nào, nhưng con cũng biết sơ sơ là đa số là quý thầy không giữ tiền. Nếu đi xin giống như bên khất sĩ chỉ xin thức ăn chứ không được xin tiền. Mỗi lần con đi với đứa cháu mà có gặp thầy xin tiền như vậy thì nó bảo con cho, nhưng con không cho. Khi con nói như vậy không biết là con đúng hay sai?
Câu 4:  Hôm tháng 10 con ở nhà, có 2 thầy chào con "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật" và con cũng chào lại "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật". Thầy có nói: nhà của Phật tử có nhang rồi chúng tôi bán nhang cho chùa Pháp An ở Gò Công, tùy cô phát tâm. Con đáp lại: Bạch thầy con đã từng đi chùa Hoằng Pháp, có quy y và con có hiểu giáo lý. Thầy nói cúng dường Tam Bảo. Con xin cúng dường 50.000đ. Thầy bảo là: thầy không nhận tiền, thầy nhận 9 chữ danh hiệu của đức Bổn sư  "Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật", nên thầy gởi 9 bó nhang. Con nghĩ 9 bó nhang thành tiền là 90.000d, nên con xin gởi hẳn thầy 100.000đ. A Di Đà Phật kính thầy, cho con được cúng dường Tam Bảo, nhang thì con còn nhiều. Con xin thầy hóa duyên nơi khác. Thầy nhất định không chịu.
Khi con chào như vậy rồi con nghĩ là thầy sẽ lui gót, nhưng thầy lại nói: "A! nhà có thờ thần tài, mời Phật tử cúng cho thần tài".  Thật sự lúc này tâm con hơi sân lên một chút (sau con nghĩ lại và sám hối mấy tháng nay rồi). Bạch thầy khả năng con chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Thầy nói: nếu như vậy thì thôi, chào quý gia chủ tôi đi nơi khác. Ở xóm bên kia người ta phát tâm đến 20 gói đấy cô. Con không biết đúng là thầy hay không? Con xin quý thầy cho con những lời chỉ dạy
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 5
 
Câu 1:  Chúng tôi biết hiện nay cô là một trong số rất ít những người có khả năng tìm mộ bằng ngoại cảm, đặc biệt là hình thức đối thoại trực tiếp với những vong hồn đã mất. Xin cô vui lòng cho biết cô đã phát hiện ra bản thân mình có khả năng ngoại cảm này trong trường hợp nào và khoảng thời gian nào?
 
Câu 2:  Chúng tôi được biết để có thể dùng khả năng ngoại cảm đặc biệt này giúp đỡ cho mọi người, đặc biệt là những người có thân nhân đã mất mà không tìm được hài cốt. Cô và gia đình đã trải qua một thời gian khá dài chịu sự gièm pha chê cười thậm chí xa lánh của người xung quanh. Vậy tính đến nay bằng khả năng ngoại cảm cô đã giúp tìm ra được bao nhiêu hài cốt?  Trường hợp nào đã để lại cho cô nhiều kỷ niệm ấn tượng sâu sắc nhất trong những chuyến đi tìm hài cốt
 
Câu 3:  Chúng tôi được biết theo tổng kết từ các đề tài nghiên cứu khả năng tìm mộ của trung tâm bộ môn cận tâm lý sự thành công của các nhà ngoại cảm chỉ đạt được 60% như vậy 40% còn lại phụ thuộc yếu tố nào? Nếu như có người đến đặt yêu cầu tìm mộ. Vậy xin cô cho biết 40% còn lại phụ thuộc vào yếu tố như thế nào dẫn đến sự thành công của một quá trình tìm mộ? 
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 6
 
Câu 1:  Người cư sĩ tại gia thọ trì 5 giới nhưng nghề nghiệp là công an, bộ đội, vệ sĩ hoặc lực lượng an ninh, phải nổ súng để chống giặc ngoại xâm truy bắt kẻ tội phạm giết người nguy hiểm, nếu có thể sẽ hạ sát kẻ tội phạm thực thi lệnh hành quyết tử tội tại pháp trường. Vậy người cư sĩ này có phạm tội sát sanh hay không? Quả báo thế nào? Có cách nào để vừa không phạm tội sát sanh mà vẫn làm tròn nhiệm vụ không?
 
Câu 2:  Con năm nay 51 tuổi chồng con mất 19 năm, con nghe quý thầy giảng khi con người vừa tắt thở thì phải theo nghiệp của mình mà đi đầu thai, nếu nghiệp lành thì đi đầu thai liền còn nghiệp dữ thì  đọa liền vào địa ngục, tối đa là trong vòng 49 ngày phải đi đầu thai. Vậy hàng ngày con cúng cơm cho chồng vậy chồng con có ăn được không? Con không cúng có được hay không?
- Ba con năm nay 83 tuổi, má con 81 tuổi ba má con ăn chay hơn 30 năm, khi giỗ ông bà nội đều cúng chay; con cháu đến dự phàn nàn về chuyện cúng chay. Nên 2 năm nay em út con nấu chay cúng ở bàn thờ còn con mua thịt ở ngoài chợ về đãi các cháu, như vậy có được hay không?
 
Câu 3:  Việc cúng thất, làm đám tang, cúng 100 ngày có cần phải đốt vàng mã hay không? Nếu đốt thì người chết có hưởng được hay không? Có trái luật nhân quả không.?
Trường hợp con theo đạo Phật mà cha mẹ đã chết là người khác đạo thì có thể làm lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo không? Làm như vậy cha mẹ có siêu thoát không?
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 7
 
 Kính thưa quý thầy con là một học sinh vừa thi xong đại học,  thành tích học tập của con 12 năm liền là học sinh giỏi, hơn nữa con không có bạn trai, không thích ăn chơi đua đòi theo bè bạn cùng trang lứa. Bản thân con không tin vào câu nói: "Học tài thi phận", do đó trong công việc học hành con rất chăm chỉ ngày đêm không xao lãng,  tất cả chỉ với ước mơ là được thi đậu vào đại học. Thế nhưng bù đắp lại những tháng ngày miệt mài gian khổ của con là sự thất bại ê chề, con đã rớt đại học. Hiện tại tâm trạng đau khổ thất vọng xen lẫn cảm giác mặc cảm tự ti cứ ngự trị trong tâm hồn con. Con cảm thấy việc thi rớt đại học của mình là một vết nhơ, là sự nhục nhã cho danh dự gia đình, đôi khi con muốn tìm đến cái chết. Xem nó như là một phương pháp để giải quyết nỗi khổ niềm đau mà con đang đối diện. Có lúc con lại tự an ủi và xoa dịu nỗi thất vọng của mình rằng: "Mọi chuyện trong quá khứ đều có nguyên nhân của nó". Bên cạnh đó gia đình con không được êm ấm cho lắm, ba thì nhậu nhẹt, mẹ thì chửi bới, em thì bất kính. Kết quả đều do con thi rớt đại học. Trước những hoàn cảnh như vậy con cảm thấy rất tổn thương, mất niềm tin về tương lai và không còn nghị lực để vượt qua những thử thách mà con đang gánh chịu. Con viết lá thơ này mong quý thầy trong ban tổ chức chương trình Anh Sáng Phật Pháp hãy cho con lời khuyên, giúp cho con vượt qua nỗi khổ niềm đau này. Nhất là con có thể tìm lại niềm tin và sự vui vẻ trong cuộc sống, tự mình đứng lên bằng đôi chân của mình sau lần vấp ngã này. Cũng như dạy cho con những phương pháp đối diện với nghịch cảnh của cuộc đời mà sau này con có thể gặp phải trong cuộc sống. Con rất tha thiết mong chờ sự giải đáp của quý thầy trong ban tổ chức.
 

ÁNH SÁNG PHẬP PHÁP KỲ 8
 
Câu 1:  Theo phong tục từ xưa đến nay của dân tộc Việt Nam chúng ta, nếu nhà nào có người chết thì phải lấy vải che bàn thờ lại, linh vị của người mới chết không được để thờ chung với ông bà tổ tiên. Khi đưa người chết ra nghĩa trang thì rải giấy tiền vàng bạc trên đường đi. Kính bạch đại đức giảng sư, con xin được phép hỏi, tại sao phải làm như  vậy và nếu không làm như vậy thì có vấn đề gì không?
 
Câu 2:  Chúng con được nghe trong kinh có nói: "Khi một người chết sau 8 tiếng đồng hồ, nếu còn ấm ở đảnh đầu thì người này đã được sanh về cõi trời hoặc là cõi Phật". Thế nhưng có người lúc sanh tiền, họ gây tạo các nghiệp bất thiện  như: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, hay là mắc nợ tiền bạc với người nào đó… Đáng lý ra với những nghiệp bất thiện này, họ phải đọa vào những nơi khổ báo để chịu những hình phạt mà mình đã gây ra. Vậy mà trong những trường hợp này có một số người sau khi chết sau 8 tiếng  thì họ lại có hiện tượng ấm ở đảnh đầu. Nếu như theo trong kinh thì họ đã được sanh về cõi trời hay cõi Phật. Vậy thì trong trường hợp này nhân quả như thế nào? Có công bằng hay không?
 
Câu 3:  Một người sắp lâm chung rất cần sự hộ niệm của các bạn đồng tu, thế nhưng những người hộ niệm cho người sắp mất lại là những người phạm vào các giới luật của Phật. Như vậy thì sự hộ niệm ấy có trở ngại gì cho việc vãng sanh của người sắp mất hay không?
 
Câu 4:  Người chết, đỉnh đầu được nóng thì chắc chắn vãng sanh không? Bởi vì khi mẹ con mất đỉnh đầu nóng cho tới 9 tiếng đồng hồ, con vẫn thắc mắc hoài không biết vãng sanh hay không?
 
Câu 5:  Từ khi con được biết Phật pháp, con thường tụng kinh cầu siêu cho ông bà, cha mẹ nói chung và các linh hồn nói riêng. Song con nghĩ những ngày rằm, mùng một trên bàn thờ ông bà có đĩa trái cây,  khi thắp nhang lên thì cũng khấn ông bà để hưởng thụ, con thấy điều này hơi mâu thuẫn. Con xin quý thầy giải thích? Và con cũng xin quý thầy chỉ bày cho chúng con cách thắp nhang cho ông bà như thế nào cho đúng Phật pháp? 
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 9
 
Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, truyền thanh đặc biệt là trên internet đã có rất nhiều webside trong cũng như ngoài nước, đã mở ra các diễn đàn để thảo luận về các vấn đề như quan hệ tình dục trước hôn nhân ở tuổi vị thành niên, ăn cơm trước kẻng, hoặc góp gạo thổi cơm chung, sống thử trong giới trẻ. Nhất là trong giới sinh viên, học sinh đang là vấn đề đáng báo động, đáng quan tâm của các nhà đạo đức và những người làm công tác giáo dục tại Việt Nam. Đứng trước tình trạng này, là người Phật tử hiện có 2 trai và 1 gái đang bước vào tuổi vị thành niên. Do đó con rất lo lắng cho tương lai của chúng, con phải có giải pháp gì trong việc giáo dục con cái không quan hệ tình dục trước hôn nhân? Vì lí do nêu trên, hôm nay con trình bày những suy nghĩ cũng như những băn khoăn của mình, kính mong quý thầy trong chương trình ánh sáng Phật pháp giải bày cũng như giúp con có một phương pháp đúng đắn trong việc giáo dục con cái ở lứa tuổi vị thành niên? Kính bạch quý thầy đứng trên lập trường đạo đức Phật giáo thì những hiện trạng nêu trên Phật giáo có quan niệm như thế nào có phạm vào giới tà dâm trong 5 giới cùa Phật giáo không? 
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 10
 
Câu 1:  Con là một Phật tử sơ cơ bước đầu tìm hiểu và tu học Phật pháp,  mọi kiến thức Phật học đối với con còn quá mới mẻ. Thỉnh thoảng đến chùa hoặc đọc một vài quyển sách Phật giáo con thấy có các từ như: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni, Sadi, Sadi ni. Vậy xin quý thầy hoan hỷ giải thích ý nghĩa của những từ  ấy?
 
Câu 2:  Kính bạch thầy tại sao trong Nam, người nam xuất gia lại gọi là chú điệu hay chú tiểu, Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng; người nữ xuất gia được gọi là Sư cô, Ni sư,  ni trưởng. Trong khi đó ngoài Bắc gọi là Sư bác, Sư ông, Sư cu, Sư già, Sư thầy. Vậy cách xưng hô giữa hai miền có khác nhau không, có mâu thuẫn không? Ý nghĩa những danh xưng đó là gì?
 
Câu 3:  Con thường đến nhiều chùa, thường thấy y hậu của quý thầy quý cô dường như giống nhau. Vậy làm sao có thể phân biệt được sự sai khác về các bậc giới phẩm giữa Sư cô, Ni sư, Ni trưởng hay Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng ?
 
Câu 4:  Sau khi quy y Tam bảo các Phật tử đều có pháp danh. Bạch thầy pháp danh có khác gì so với pháp hiệu, pháp tự không.?

 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 11
 
Câu 1:  Kính bạch qúy, thầy trước tiên cho con gởi lời cầu chúc tốt đẹp đến quý thầy trong chương trình ánh sáng Phật pháp. Kính bạch quý thầy, trong những ngày qua thông qua các phương tiện thông tin đại chúng con được biết năm nay Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản LHQ hay còn gọi là đại lễ Vesak LHQ tại trung tâm hội nghị Quốc gia thủ đô Hà Nội từ ngày 13 đến ngày 17/5/2008 (nhằm ngày mồng 9 đến ngày 13 năm Mậu Tý). Như vậy, xin cho con được hỏi từ Vesak nghĩa là gì? Đồng thời cũng xin giải thích cho con được rõ lịch sử hình thành, cũng như ý nghĩa của đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc này? 
 
Câu 2: Trong khi tham khảo một số sách lịch sử viết về cuộc đời Đức Phật con nhận thấy sự kiện Đức Phật đản sanh tại cội cây vô ưu từ hông hữu của Hoàng hậu Maja. Ngài bước đi 7 bước trên 7 hoa sen, tay chỉ trời chỉ đất mà nói rằng: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn". Như vậy, ý nghĩa 7 bước đi trên hoa sen lúc Phật ra đời có nghĩa là gì?  Sao ngài không bước 8 bước hoặc nhiều hơn mà là số 7 và ý nghĩa câu nói: "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" là gì? Tại sao mới sinh ra mà Ngài đã biết đi? Các thầy hoan hỷ giải thích cho con được hiểu!
 
Câu 3: Cứ mỗi khi tổ chức các lễ hội lớn trong năm nhất là mùa Phật đản con thấy các chùa đều treo cờ Phật giáo. Trong thâm tâm của con lá cờ Phật giáo dường như có gì đặc biệt và rất thiêng liêng bởi tính hài hòa về mầu sắc của nó. Song con không biết lá cờ xuất phát từ đâu? Ai là người phát họa ra ý nghĩa 5 sắc màu xanh đậm vàng đỏ trắng cam được sắp xếp theo 2 chiều dọc và ngang của lá cờ, biểu tượng tượng trưng cho vấn đề gì trong Phật giáo? 
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 12
 
Câu 1:  Trong một số chùa có thờ ông Tiêu Diện xin cho biết xuất xứ và ý nghĩa việc thờ ông Tiêu Diện?
 
Câu 2:  Phần nhiều các chùa thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma. Xin cho biết nguyên nhân? Vì sao ngài lại quẩy cây gậy chỉ có một chiếc giầy?
 
Câu 3:  Các tượng thờ như  Phật A Di Đà tay cầm đài sen tay duỗi xuống, đức Quan Am tay cầm tịnh bình tay cầm nhành dương, đức Đại Thế Chí tay cầm sen búp, đức Địa Tạng tay cầm tích trượng tay cầm băng châu,  đức Dược Sư tay cầm vô giá châu, tay kiết ấn xin cho biết ý nghĩa?
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 13
 
Câu 1:  Lâu nay Phật tử chúng con thường nghe kể lại có một số vị xuất gia hoặc tại gia sau khi bỏ thân  xác đem hỏa táng có để lại xá lợi, nghe có xá lợi ai cũng tự hào và hoan hỷ. Chúng con chưa hiểu được mấy về xá lợi. Mong quý thầy trong chương trình ánh sáng Phật pháp giải đáp cho chúng con những thắc mắc liên quan đến xá lợi như  sau:
- Xá lợi là gì?  Hình thù kích thước màu sắc của xá lợi như thế nào?
- Xá lợi từ đâu mà có? Có ý kiến cho rằng xá lợi là những tinh ba do người đó tu học đắc lực, hoặc có trí tuệ, có phước báo v..v.. có đúng như thế hay không?
- Có người cho rằng người tu Tịnh độ khi mất thiêu có xá lợi, chứng tỏ người đó được vãng sanh có đúng không? Còn những người thiêu không có xá lợi thì không vãng sanh có đúng không?
- Tại sao có người mới tu vài năm khi thiêu có xá lợi, liệu xá lợi đó có thật không?
Kính mong quý thầy giải đáp những nghi vấn nêu trên để cho hàng Phật tử chúng con hiểu biết?
 
Câu 2:  Theo con tìm hiểu được biết, ăn chay không được sử dụng ngũ vị tân, như vậy ngũ vị tân là gì? Con nghe nói ăn những thứ ấy, tụng kinh không được thanh tịnh ma quỷ quấy phá v.v… có đúng như vậy không? Xin quý thầy hoan hỷ giải đáp giúp con!
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 14.
 
Câu 1:  Con là một Phật tử bắt đầu học Phật pháp, mỗi khi về chùa lạy Phật, con thường thấy trên bàn thờ Phật tại các chùa có cúng hoa quả, nhang, đèn, nước …….. Vậy xin cho biết ý nghĩa của việc cúng những vật phẩm nêu trên là gì? Là Phật tử tại gia, thờ Phật thì chúng con nên thờ Phật nào? Nên thờ tượng hay hình ảnh? Cách bài trí trên bàn thờ như thế nào? Trước đây khi chưa biết Đạo, chúng con có thờ Quan Công, Thần Tài, Địa Mẫu, Mẹ sanh, Mẹ độ… Nay con đã quy y Tam Bảo rồi, có nên thờ những vị đó nữa hay không? Tượng không thờ thì nên đem đi đâu? Và có tội hay không?  
 
Câu 2:  Mỗi khi có cơ hội đến chùa tham dự  các khóa lễ, con thấy các thầy cô đi tụng kinh, thường sử dụng chuông mõ. Xin cho biết ý nghĩa của chuông mõ? Đối với người Phật tử  tại gia chúng con, khi tụng kinh ở nhà có nên sử dụng chuông mõ hay không?
 
Câu 3:  Con là Phật tử mới thực tập Phật pháp, khi tụng kinh niệm Phật tâm con thường tán loạn vọng tưởng hoặc hôn trầm. Xin quý thầy chỉ dạy cho con phương pháp đối trị những tình huống nêu trên, để con có được công phu ngày một tiến bộ
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 15
 
Câu 1:  Con là một Phật tử  thường theo mẹ đến chùa, tuy nhiên con có một khúc mắc: tại sao cũng là đạo Phật lại mà lại có sự phân chia giáo phái khác nhau như Bắc tông và Nam tông? Như vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự phân phái này. Về y phục, nghi lễ và phương pháp tu tập giữa 2 phái này có khác biệt nhau hay không? Hai danh từ Sa-môn và Tỳ-kheo có sự khác biệt nhau như thế nào? Kính mong quý thầy giải đáp cho chúng con
 
Câu 2:  Con có một số bạn cũng là Phật tử, tuy nhiên vì lý tưởng tình yêu các bạn con lại lấy chồng người khác đạo. Bởi theo đạo Phật thì tình yêu không có biên giới về Tôn giáo. Tuy nhiên các bạn con lại có quan niệm rằng trong một gia đình thờ 2 đạo thì gia đình đó làm ăn không nên hoặc các bạn con sợ sau khi chết linh hồn sẽ bị xé tan bởi sự tranh chấp giữa 2 tôn giáo. Xin quý thầy giải thích những điều trên cho các bạn con đúng hay sai? Xin quý thầy cho con biết những người theo đạo khác mà thích đi chùa, vậy có nên hay không?
 
Câu 3:  Có một số đạo cho rằng ăn thịt là không có tội, vì tạo hóa tạo ra loài vật để nuôi dưỡng con người, con người nếu không ăn chúng sẽ bị chúng chiếm hết chỗ ở. Trong khi đó đạo Phật khuyên khích Phật tử nên ăn  chay lại còn phóng sanh thương yêu các loài vật. Con có một số bạn rất thích ăn chay, nhưng khi ăn chay lại gặp khó khăn, vì chồng hoặc vợ nói ăn thịt không có tội thì ăn chay làm gì?  Kính mong quý thầy giải thích cho chúng con được hiểu rõ những trường hợp nêu trên? Như vậy quan điểm ăn chay và đạo đức trong đạo Phật là gì ?
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 16
 
Câu 1:  Con có dự tính sau khi chết sẽ hiến xác cho khoa học. Thế nhưng trong khi đọc sách con nhớ không lầm thì kinh Phật có dạy sau 8 giờ đồng hồ linh hồn vẫn chưa rời khỏi thể xác, nếu gia quyến xúc chạm vào thân xác người mất thì người mất sẽ đau đớn, từ đó có thể sinh tâm sân hận rồi sinh vào ba đường dữ. Trong khi đó theo khoa học, nếu hiến xác thì người ta sẽ xử lý ngay, vậy người chết có bị đau đớn sân hận hay không? Theo quan điểm Phật giáo, có chấp nhận cho người đệ tử Phật hiến xác cho khoa học hay không? 
 
Câu 2:  Có những người mất trong vòng 12 tiếng đồng hồ, hoặc hơn nữa, thân thể vẫn tươi và không có tình trạng sình thối như những người khác. Thông thường những người khác chết khoảng chừng từ 8 hoặc 10, 12 tiếng thì bắt đầu có hiện tượng trương phình, hôi thối. Hôm trước chúng tôi có được xem cái đĩa về một sư cô bên Trung Quốc, mà chết sau 36 tiếng đồng hồ, người vẫn tươi, chân tay vẫn mềm mại, không có hiện tượng hôi thối gì, và cũng ở bên Trung Quốc, trước đây có một đại sư, tên là Hám Sơn, sau khi mất chôn ngài 2 hay 3 năm thì xác ngài vẫn còn tươi nguyên, không thối rữa, những trường hợp này thì như thế nào? Xin Đại đức giảng sư hoan hỷ giải thích lại?
 
Câu 3:  Con có một người bạn thân vừa qua vì gặp khó khăn trong đời sống kinh tế và quan hệ tình cảm gia đình, nên đã tìm đến cái chết xem đó như là một phương pháp giải thoát những nỗi khổ niềm đau mà bạn con gặp phải. Vậy cho con được hỏi bạn con tự tử như thế liệu có được giải thoát hay không? Có trường hợp nào mà người tự tử không có tội không? Theo quan điểm Phật giáo thì người tự tử  có mang tội hay không?
 
Câu 4:  Con có một người bạn làm trong đội thi hành án xử bắn những tù nhân bị án tử hình, theo quy luật nhân quả thì giết người sẽ đền tội. Trong khi bạn con tuân thủ theo pháp luật chứ không phải theo ý muốn riêng của mình. Như thế cho con được hỏi bạn con làm công tác như vậy có mang tội hay không?
 
Câu 5:  Bản thân con làm công tác kinh doanh mở nhà hàng bán rượu bia, và các thức ăn mặn cho khách hàng. Do đó giết hại rất nhiều sinh mạng của động vật. Song con lại lấy tiền sinh lời được từ buôn bán đi làm việc thiện như bố thí, cúng dường. Như vậy, cho con hỏi việc làm từ thiện của con có thể xóa đi tội lỗi mà con phạm phải hay không?
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 17.
 
Câu 1:  Con có một người con rất ngỗ nghịch và bất hiếu, suốt ngày chơi bời lêu lỏng, không biết làm ăn; những khi con khuyên răn nó, nó không nghe, ngược lại còn mắng chửi con thậm tệ, thậm chí đôi khi nó còn bảo không muốn nhìn thấy mặt mẹ nó trong cái nhà - nơi mà con đã từng nuôi dưỡng nó lúc tấm bé lẫn lúc trưởng thành. Con rất đau khổ, đôi khi muốn chết đi để khỏi phải chịu thêm đau khổ và xấu hổ, nhục nhã với bà con lối xóm. Bao tháng ngày qua, con mất ăn, mất ngủ vì đứa con trai này. Vì thế con viết thư này, kính mong quý thầy cho con một lời khuyên để con có thể tìm được niềm tin và tiếp tục sống? 
 
Câu 2:  Trong 5 giới, giới thứ 5 đức Phật dạy người cư sĩ tại gia không được uống rượu. Con có một người đồng tu lại thích uống bia, anh ta biện hộ rằng Phật cấm uống rượu chứ đâu cấm uống bia. Như vậy quan điểm nhận thức của bạn con đúng hay sai? Con nghe kinh sách Phật dạy người uống rượu có 36 lỗi, vậy những lỗi ấy cụ thể như thế nào?
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 18.
 
Câu 1: Con là một Phật tử mới quy y Tam Bảo tại chùa Hoằng Pháp. Con nghe trong năm giới Phật dạy giới thứ năm không được uống rượu. Tuy nhiên bản thân con không uống mà chỉ nấu và bán cho người khác. Như vậy con có tội hay không ? Xin quý thầy hãy cho con một lời khuyên đúng đắn ?

Câu 2: Kính bạch quý thầy con từng chứng kiến có nhiều gia đình kinh tế rất khá, vợ chồng đều là những người có học thức cao. Song họ không có hạnh phúc. Vợ chồng cứ gây gổ lục đục nhau hoài. Như vậy có phải là do tuổi tác, hay do duyên số định nghiệp của họ nên phải chịu quả báo như vậy ? Trường hợp này như thế nào? Kinh mong quý thầy chỉ dạy cho con,

Câu 3: Vào những ngày lễ lớn của Phật giáo, cũng như những khi có gia sự con thường thấy một vài Phật tử mua chim, cá để phóng sanh. Nhưng họ mua không thả liền, mà đem vào chùa để nhốt chờ quý thầy làm lễ rồi mới thả. Có khi thầy bận việc, không làm lễ liền phải nhốt chúng qua suốt đêm đến sáng hôm sau, thầy mới làm lễ thả, hoặc có khi phải chờ đến giờ hành lễ chánh thức (trường hợp như lễ Phật Đản) mới phóng sanh. Xin hỏi: phóng sanh như thế có phù hợp với ý nghĩa phóng sanh của Phật giáo hay không? Và người phóng sanh như thế có phước đức báo không ?
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 19.

Câu 1: Chồng con có thành kiến với mẹ vợ. Vì chữ hiếu con đã lén lút lấy tiền của gia đình gởi về giúp mẹ nghèo khó đau ốm. Chồng con nghi ngờ bắt con phải thề, nếu có lấy tiền cho mẹ thì phải chịu tội chết, con vì thương mẹ nên đã thề cho yên. Con rất đau khổ không biết làm sao cho trọn cả tình lẫn hiếu. Xin quý thầy hoan hỷ giảng giải việc con lấy tiền của gia đình cho mẹ ruột của mình có phạm tội trộm cắp không? Nếu không làm như vậy con phải làm gì để báo hiếu mẹ? Việc thề như vậy có mang tội lừa dối chồng hoặc lời thề đó có hại gì cho bản thân không? Mong quý thầy từ bi chỉ dạy.


Câu 2: Kính bạch quý Thầy, thỉnh thoảng con có đi chùa lễ Phật, nghe pháp nhưng chưa quy y Tam Bảo. Nếu chưa quy y Tam Bảo có thể tham dự các khóa tu do chùa tổ chức được không? Xin quý thầy cho biết lợi ích của quy y Tam Bảo.


Câu 3: Kính bạch đại đức giảng sư! Con may mắn được biết đạo Phật khi tuổi còn nhỏ. Thế nên, con đã quy y Tam Bảo tại một chùa tu “Thiền”. Nay con được biết chút ít pháp môn “Tịnh Độ”. Con rất muốn thực hành theo pháp môn này, nhưng con đã quy y chùa tu thiền. Vậy bây giờ con muốn tu theo pháp môn “Tịnh Độ”, con có phải quy y một chùa tu theo pháp môn “Tịnh Độ” không ạ.


Câu 4: Con có một người bạn, một hôm chúng con đi chùa từ ngoài cổng bước vào chánh điện, con thấy tôn tượng đức Bổn Sư liền sụp lạy. Bạn con bảo phải lạy tổ trước. Con nói như vậy có cố chấp lắm không. Tại sao phải đi vòng ra sau lạy tổ rồi vòng ra trước mới lạy Phật. Bạn nói không tin thì hỏi quý thầy. Con xin hỏi vậy tại sao phải lạy tổ trước? A Di Đà Phật.
 

ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP KỲ 20
 
Câu 1: Kính bạch quý Thầy, con mới biết đến phật pháp khoảng 1 năm trở lại đây, tuy con chưa hiểu nhiều nhưng con có đức tin tuyệt đối vào phật pháp, con rất tin vào thế giới tâm linh, và luật nhân quả. Con đã lấy chồng được 5 năm rồi mà vẫn chưa có con, trong khoảng thời gian đó con đã có thai 3 lần nhưng không lần nào giữ được, 3 lần con đều bị thai chết lưu, cả 2 vợ chồng con đều đi kiểm tra bác sĩ nhưng bệnh viện trả lời là cả 2 chúng con đều khỏe mạnh và chưa tìm ra nguyên nhân. Đến bây giờ chồng con vẫn rất yêu thương con, chúng con hạnh phúc, vợ chồng con chưa làm điều ác với ai, rất hay giúp đỡ người khác, rất yêu trẻ và có hiếu với cha mẹ. Con nghĩ rằng kiếp trước con hoặc chồng con đã làm điều gì ác thi kiếp này mới khó khăn chuyện con cái thế này, con đã đi chùa cầu xin xám hối nhiều lần, làm lễ mà vẫn chưa được, con cầu xin quý thầy anh minh chỉ đường dẫn lối cho chúng con có được 1 mụn con, con đội ơn quý thầy rất nhiều. Nam mô bổn sư thích ca mô ni phật.

Câu 2: Kính bạch quý Thầy! Bốn năm trước em trai con qua đời vì bị đột tử. Em con qua đời khi còn hơn 1 tháng nữa làm đám cưới của nó được diễn ra. Năm đó em con 26 tuổi ( em con sinh năm 1980). Đó là người con trai duy nhất của cha mẹ con và là người cháu trai duy nhất của dòng họ.Như vậy là gia đình con đã mất người thừa tự. Sau khi em con mất con mới có duyên với chùa chiền và quy y tam bảo.Gia đình con cũng đã đi cầu siêu cho em con nhiều lần. Tháng nào nhà con cũng nhờ thầy đọc sớ cầu siêu ở chùa, tết hay lễ lớn thì đi gửi cầu siêu ở nhiều chùa,đến giỗ thì gia đình con tổ chức cúng trai tăng ở chùa.Ngoài ra chúng con còn tụng kinh,niệm phật,phóng sinh,bố thí,cúng dường... để hồi hướng công đức cho em trai con. Vậy mà con có cảm giác em trai con không được siêu thoát. Nó vẫn quanh quẩn.Con vẫn thường nằm mơ thấy em con ốm yếu,bệnh tật,buồn rầu.Có khi 1 tuần con nằm mơ thấy vài lần. Gia đình con đã làm tất cả những gì có thể. Vậy mà dường như không giúp ích gì được em con cả.Nhìn em trai như vậy con buồn lắm. Bây giờ con phải làm sao? Xin quý thầy hãy cho con một lời khuyên. Con xin chân thành cảm tạ.

Câu 3: Kính bạch quý Thầy! Thân con ở tại gia, nhưng lòng con đã xuất gia (vì còn trách nhiệm với gia đình).Con tự nhiên cảm thấy thương xót súc vật,con cứ quán tưởng thịt cá trước mắt là thịt của chúng sanh đầy máu me, và rên la ....nên con không ăn được , ban đầu còn ăn trứng ,rồi từ từ con tự bỏ luôn , con chỉ ăn rau cỏ mà thôi, đến nay đã được 3 tháng.....Nhưng hàng ngày con phải nấu ăn cho chồng con,gia đình chồng , con nêm nếm nhấm chừng nên bữa ăn có khi lạt khi mặn..., chồng con phản đối việc con ăn chay dử dội,và con củng cảm thấy ớn và sợ khi nhìn thấy thịt, cá...Nhưng mẹ chồng con mua toàn cua , cá còn sống về bắt con phải nấu cho chồng con con ăn,con không nấu thì bị bà la rầy , mà nấu lên thì con sợ và đau lòng qua, nên con không biết làm sao, con rất khổ sở về việc nầy .Xin thầy dạy cho con phải làm sao để không bị phạm giới và thân tâm được an lạc. Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Câu 4: Kính bạch quý Thầy! Ngay lễ mùng 1 hay rằm. Hay tất cả những ngày lễ,đại lễ ở chùa con đều tham dự và tới chùa chấp tác. Lần nào con đến cửa chùa con thấy măt đỏ bừng, hai vai và đầu nặng trĩu, rồi con ngã lăn ra khóc lóc rồi nói nhưng câu gì đó. Có những lần con đến cửa điện cũng bị như vậy nhưng chỉ muốn nhảy múa. Con có hiện tương này từ năm ngoái, rất nhiều lần con bị như vậy. Bạch quý Thầy, thầy có thể giảng rõ cho con hiểu tại sao con lại bị như vậy được không ạ ? A Di Đà Phật !
 
Câu 5: Kính bạch quý Thầy! Một mùa Vu Lan nửa lại về, và niềm bâng khuâng trong lòng con lại trổi dậy. Con kính mong thầy dành chút thời gian giúp con tháo gở khúc mắc trong lòng đã 26 năm rồi. Gia đình con lúc trước có một người con trai và một người con gái. Chẳng may anh con bi tai nạn mất sớm khi tuổi vừa lên bốn. Ba mẹ sau khi chôn cất anh trai con thì gừi ảnh trong chùa. Từ khi anh trai mất, người chị gái con cứ đau yếu liên tục, sáng đi bác sỹ, chiều cũng đi bác sỹ. Ba mẹ con có kể sự tình cho một vị thầy (ở trong chùa gửi anh Hai con) thì vị thầy này khuyên Ba mẹ con làm một điều mà cho đến giờ 26 tuổi con thật sự không hiểu. Vị thầy ấy nói Anh Hai con về phá chị Ba con. Để tránh việc đó xảy ra, thì kể từ lúc đó, các người con của Ba mẹ không được gọi Ba mẹ là "Ba" và "Mẹ" mà chỉ gọi là "Chú" và "Thiếm". Những tiếng đầu tiên, chúng con được ba mẹ dạy là "Chú Thiếm" chứ không phải là "Ba mẹ". Tại sao vị thầy ấy lại dạy Ba mẹ con làm như vậy? Con muốn hỏi vị thầy ấy lắm, nhưng người ấy đã không còn ở trong chùa từ rất lâu. Con đặt mình trong hoàn cảnh ba mẹ lúc đó, vì sợ mất con mà không dám cho con gọi là "Ba mẹ". Con hiểu tâm trạng của ba mẹ con lúc đó như thế nào. Nhưng con vẫn cảm thấy điều này là không đúng. Là mê tín. Thầy ơi, con nghỉ như vậy có đúng không? Con đọc kinh Vu Lan, thấy ơn cha mẹ không gì sánh nổi, hiện nay mấy chị em con đều gọi Ba mẹ là Chú thiếm. Chúng con có mang tội bất hiếu không? Lớn lên mấy chị em con nghỉ rằng ngôn từ không quan trọng, quan trọng là tình cảm thương yêu, kính trọng, phụng dưỡng của đạo làm con đối với Ba mẹ. Con nghĩ vậy có đúng không ? Con rât mong sự dạy bảo của thầy.

 BBT Webite

Tin tức liên quan

Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 70
18/04/2021
Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 69
27/07/2020
Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 68
02/12/2019
Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 67
30/09/2019
Chương trình "Ánh Sáng Phật Pháp" – kỳ 66
10/06/2019