Câu chuyện về cây
Mỗi buổi sáng như thường lệ, anh em xuất gia chúng tôi đều có câu chuyện về cây ngọc lan, mỗi khi nhìn cây ngọc lan đang đâm những chồi non mơn mởn là chúng tôi lại vui mừng, còn khi nhìn cây ngọc lan thứ hai kia, vẫn chỉ vài chiếc lá le hoe đung đưa trên cành là huynh đệ chúng tôi lại thấy lòng thoáng buồn mà chẳng biết vì sao lại thế! Ai cũng bảo là cây chẳng chịu đâm chồi non sẽ không sống được. Nhưng vì huynh đệ chúng tôi không am hiểu nhiều về cây nên có cái nhìn sai khác không đúng lắm về nó. Sở dĩ cây không chịu đâm chồi non là vì cây còn phải nuôi một vài chiếc lá trên cành, mặc dù những chiếc lá ấy đã già. Khoảng một tháng sau, anh em chúng tôi cắt bỏ những chiếc cành đang “gánh” một vài chiếc lá đã già cỗi kia, và chỉ trong thời gian ngắn thì trên thân cây đã bắt đầu nức lớp vỏ dày và dần lộ ra những nụ mầm mới, huynh đệ chúng tôi lại “ồ” lên khen ngợi cây rất mạnh mẽ và đã có một hình dáng mới đẹp hơn rất nhiều.
Ngược lại, cây ngọc lan bên cạnh thì đã bắt đầu khô héo, những chiếc lá non chưa kịp lớn đã vội vã lìa cành nằm im dưới gốc cây trên nền đất lạnh, thỉnh thoảng có vài làn gió nhè nhẹ thoáng qua những chiếc lá đang im lìm dưới gốc cây mẹ, gió như khẽ lay nhẹ những chiếc lá non kia thức dậy, nhưng gió chỉ nhận lại sự im lặng như tờ của những chiếc lá nhỏ bé, gió đành bay đi trong sự tiếc nuối và vô vọng khôn nguôi. Có lẽ, vì gặp vấn đề về nước, về đất, về phân bón hay về kiến thức của anh em chúng tôi chưa đúng. Tôi đứng từ xa nơi liêu phòng của mình nhìn nó, tôi chợt nghĩ lí do cây không sống được có lẽ do bị cắt vội những chiếc lá trên cành của nó trong khi nó mới được đặt xuống một mảnh đất mới toanh chưa kịp bắt những sợi rễ bị tổn thương làm nhiệm vụ lấy dinh dưỡng để nuôi thân, chắc đây là lí do nó bị chết.
Thật như lời Phật dạy: “tất cả đều vô thường”. Không một ai có thể đoán biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai của mình và của mọi người xung quanh. Cũng như hai cây ngọc lan kia vậy, cây nhanh chóng ra những nụ mầm mới khỏe khoắn lại nghĩ nó sẽ sống và phát triển tốt, cây thứ hai thì không có tương lai như cây bên cạnh. Nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ của huynh đệ chúng tôi, cây ngọc lan thứ hai lại sống và phát triển, tuy ban đầu nó rất chậm nảy những chồi non, vì nó đã âm thầm dành thời gian hồi phục bộ rễ đang bị thương tổn, và chính nhờ vậy nên bộ rễ mới đã làm đúng trách nhiệm của nó là lấy những tinh hoa có trong đất để đưa lên thân nuôi dưỡng và nó đã sẵn sàng để nuôi những mầm non bé nhỏ thật khỏe mạnh. Còn cây bên cạnh chỉ vì vội vã khoe sức sống của mình nên nó phải gánh chịu hậu quả là trả giá bằng chính mạng sống của nó. Thật đúng là “bạo phát bạo tàn”.
Cũng vậy, là một người đệ tử Phật thì cần phải giống như cây ngọc lan thứ hai kia, nghĩa là phải kham nhẫn chịu đựng khó khăn ban đầu, chăm lo học hỏi giáo điển, giữ gìn tịnh giới trang nghiêm, oai nghi tề chỉnh, hành các pháp tu cho thật xảo luyện, thành thục, giới đức đầy đủ… khi đã hội đủ các nhân duyên ấy thì mới có thể là đống lương Phật pháp, mới có thể lên đường giảng nói lời Phật dạy đến với mọi người, và mới có thể tự do ra lá, ra cành nhánh non như cây ngọc lan kia. Đừng như cây ngọc lan bên cạnh, khi chưa sẵn sàng thì đừng nên vội vàng khoe khoang khi chưa có đủ kham nhẫn, chưa có đủ sức chịu đựng bởi nắng mưa, không đủ sức thu về dưỡng chất có sẵn bên cạnh. Bởi vì như vậy chỉ có đem lại một kết quả duy nhất đó là phải trả giá bằng chính mạng sống của nó, chết một cách uổng phí vậy.
Tâm Vạn