Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Cầu an đầu năm
Cập nhật: 08/03/2019
Người dân Việt Nam nói chung và quý Phật tử nói riêng, đa số mắc vào tình trạng mê tín dị đoan, hiểu sai hoàn toàn về việc cầu an cũng như việc cúng sao giải hạn, vừa tốn kém vừa không có chút lợi ích gì cho bản thân và gia đình.
Nhiều vị Phật tử quy y Tam bảo đã lâu, nhưng vẫn không hiểu gì về Phật pháp. Thêm vào đó, đất nước chúng ta bị đô hộ bởi giặc Tàu cả ngàn năm nên sự mê tín được truyền vào khá đa dạng. Những nghi lễ đình đám hoàn toàn sai với Chánh pháp phát triển ngày càng mạnh, do nhu cầu tâm linh của người dân ngày một nhiều, trong khi Phật giáo có mặt tại nước ta đã gần hai ngàn năm lại bị lãng quên.
Thường thì chúng ta đi chùa chỉ là để cầu xin, cúng bái nghi lễ linh đình, không biết ý nghĩa của việc đi chùa. Tôi xin nói qua đôi chút về việc đi chùa: Chúng ta đi chùa là để tu, làm cho tâm mình lắng xuống, đi chùa là để học đạo làm người, học về chữ hiếu đối với hai đấng sinh thành, chữ nhẫn đối với cái tâm của mình, và học về sự biết ơn…còn việc cầu an nhà chùa mở ra chỉ là phương tiện giúp cho quý Phật tử được yên tâm về những may rủi trong một năm mà thôi, không có việc linh thiêng huyền bí như chúng ta vẫn lầm tưởng.
Thời đức Phật còn tại thế, có một vị Tỳ-kheo tên là Angulimala (Vô Não), trước khi xuất gia với Phật ông ta là một người vô cùng độc ác. Do lòng khao khát chứng đạo nên bị mê mờ lí trí, ông ta đã giết 999 người để chặt lấy ngón tay trỏ, xâu lại thành một chuỗi và đeo vào cổ. Dân làng vô cùng hoang mang lo sợ, nhà vua tìm đủ mọi cách, huy động tất cả binh lính để trừ khử ông ta nhưng không tài nào bắt được. Một hôm Phật đi du hóa, và tình cờ gặp Angulimala, trông thấy Ngài từ xa ông ta vui mừng đuổi theo hòng chặt lấy ngón tay của Phật cho đủ 1000 để chứng đạo. Nhưng đuổi mãi vẫn không thể đến gần Thế Tôn được. Thấm mệt, ông ta kêu Ngài dừng lại, đức Thế Tôn dừng lại và nói: Ta đã dừng lại tất cả những việc ác từ rất lâu rồi, ông mới là người cần phải dừng lại. Lời nói của Ngài như tiếng chuông cảnh tỉnh, vì từ trước tới giờ ai thấy ông ta cũng phải bỏ chạy, hôm nay lại có đấng đại giác, đã không sợ còn dùng lời ôn hòa để độ cho ông ta. Ngay lập tức ông ta bỏ gươm xuống và xin quy y, làm đệ tử của Ngài.
Một hôm đi khất thực, gặp một thiếu phụ sắp sinh vô cùng nguy kịch, Tỳ-kheo Angulimala trở về xin Thế Tôn cứu giúp người sản phụ ấy. Đức Phật dạy hãy đến chỗ người ấy và nói rằng: “Từ khi ta được sinh ra trong giáo pháp Như Lai, ta chưa từng làm hại bất cứ ai, với sự thật này, mong cho hai mẹ con được bình an”. Tỳ-kheo Angulimala làm theo lời Thế Tôn đã dạy, và người thiếu phụ ấy đã được mẹ tròn con vuông. Lễ cầu an bắt nguồn từ đó.
Ngày nay việc mời thầy cúng về nhà, hoặc đi chùa để cúng sao vô cùng đa dạng, sai lệch với việc cầu an. Chúng ta cần biết sao là những hành tinh bên ngoài trái đất, hoàn toàn vô hại với chúng ta, là những vật thể di chuyển được, có diện tích ngang với hành tinh chúng ta đang sống. Nếu một vì sao nào đó chiếu được vào chúng ta thì trái đất này sẽ chịu sự va chạm, và muôn loại đều chịu ảnh hưởng. Vì vậy quý Phật tử cần có trí tuệ trong việc này, để không bị tốn kém vô ích mà vẫn luôn được an lạc trong đời sống hiện tại. Thế gian thường gọi chung là hạn, nhà Phật gọi đó là nghiệp, là những hành động của chúng ta trong quá khứ, có sự tác ý, đến ngày đầy đủ nhân duyên trổ ra thì chính ta là người chịu lấy chứ không một đấng quyền năng nào, không một ngôi sao nào chiếu vào để chúng ta gặp hạn cả. Trong luật tổ Quy Sơn có dạy rằng những nghiệp chúng ta đã gây, cho dù cả ngàn vạn kiếp cũng không mất, đầy đủ nhân duyên sẽ chịu lấy quả báo. Chính vì vậy quý Phật tử cần dùng trí tuệ của mình để nhận biết chánh tà, không những được an lạc cho bản thân mà còn làm lợi ích cho nhiều người, và quả vị giải thoát sẽ gần kề không xa.