Bài viết

Cảnh giác với chính mình

Cập nhật: 02/05/2019
Tiêu đề mới nghe qua thật lạ đúng không? Tại sao ta phải cảnh giác với chính mình? Mình tốt mà, đâu có gì phải cảnh giác? Mình là người có ăn, có học, có công việc ổn định tại sao phải cảnh giác? Đây là một vấn đề vừa nghe qua có người cho rằng thật phi lý, nhưng xét cho kỹ thì những suy nghĩ đó dường như có lý của nó.
 

Cảnh giác với chính mình

 

Trong 14 điều mà đức Phật dạy, điều thứ nhất Ngài có dạy rằng: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Lời nói đó có đúng không khi ta đang còn quá yêu đời và lạc quan với những gì ta đang có?

Ngài Mã Thắng nói kệ cho ngài Xá-lợi-phất:

“Các pháp từ duyên sanh
Cũng do duyên mà diệt
Thầy tôi Đại Sa-môn
Thường dạy điều như thế”.

Tất cả vạn vật trên thế gian này được hình thành khi đầy đủ các nhân duyên. Con người cũng vậy. Con người là một thực thể gồm có đầy đủ các yếu tố sắc chất và tâm chất hợp thành. Thực thể đó còn được biết với một tên khác là Ngũ uẩn.

Các uẩn này do nhân duyên tạo ra, và cũng tùy theo nhân duyên, theo thời gian và không gian nó sẽ tan hoại. Không có vật gì và không ai có thể thắng được vô thường. Vô thường nó đi không chờ đợi bất cứ ai.

Từ ngàn xưa, có người muốn thoát khỏi định luật vô thường, tìm cách để giữ mạng mình được trường sinh bất tử. Cũng có người sống thọ đến 800 năm vẫn phải đến hồi hoại diệt.

Nhưng dù có cố gắng đến mấy đi chăng nữa, theo định luật sanh, già, bệnh, chết hay thành, trụ, dị, diệt, con người và vạn vật cũng phải bỏ cái xác này, không thể trường tồn bất diệt.

Ấy vậy mà người ta không chịu thuận theo quy tắc đó mà cứ đổ dồn hết tâm sức, tiền bạc và thời gian vào để trang hoàng cho cái thân này. Thân này là nơi chứa đầy những thứ bất tịnh. Nó giống như cái thùng rác, bên ngoài thật đẹp nhưng bên trong thật dơ.

Có người sợ da bị đen, sợ nám. Có người sợ mập, sợ ốm. Có người sợ bệnh… Tất cả những cái đó không có gì đáng sợ. Có những cái đáng sợ mà chúng ta không sợ, lại sợ những điều không đáng sợ. Cái đáng kinh sợ nhất là tâm của mình.

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy: “Tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”. Tâm của con người là nơi chứa những nguồn ác, phải luôn đề phòng nó từng giờ từng phút. Khi để ý nó được rồi, không để nó lăng xăng thì mọi ác nghiệp sẽ không hình thành, và nó không dẫn dắt thân ta làm các việc ác.

Trong kinh Pháp Cú, Phật có dạy:

“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tạo tác
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói năng hay hành động
Khổ não sẽ theo sau
Như xe theo vật kéo”.

Vậy “tâm” là gì?

Trong Minh Tâm Bảo Giám, có chép:

“Tam điểm như tinh tượng
Hoành câu tợ nguyệt tà
Phi mao tùng thử đắc
Tố Phật dã do tha”
.

Nghĩa là: “Ba chấm như ba ngôi sao, móc câu nằm ngang như ánh trăng nghiêng, mang lông đội sừng là do tâm này, mà thành Phật cũng từ nó”. Tâm là những tư duy nhận thức của con người. Nếu theo những tư duy nhận thức mê lầm, chúng sanh sẽ dễ dàng tạo nghiệp thông qua thân và khẩu.

Người con Phật phải dẹp ngay cái tâm ác, siêng năng thực hành các thiện pháp, giúp chúng ta tăng trưởng phước báu, an vui trong đời này và đời sau.

- Dành nhiều thời gian để xem lại bản thân mình.

- Thực hành thiểu dục tri túc.

- Quán xét thân vô thường.

- Căn nhắc kỹ lưỡng trong mọi lời nói và hành động.

- Không nuông chiều những nhu cầu thái quá của bản thân.

Tóm lại, cảnh giác với chính mình là cảnh giác những cái xấu ác, những hành động, thói quen, những cử chỉ mà mình làm hại cho bản thân và cho mọi người. Được vậy, ta mới chuyển mê thành ngộ, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển đau khổ thành an vui.

Tâm Quý

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024