Bài viết

Cận tử nghiệp

Cập nhật: 15/03/2019
Chữ Nghiệp là dịch từ chữ Karma (Sanskrit) hay Kamma (Pàli), có nghĩa là hành động có tác ý của thân, khẩu, ý. Các hành động không có tác ý thì chỉ là hành động mà không được gọi là nghiệp. Tác ý ấy chính là hoạt động của hành uẩn hay tư tâm sở. Tác ý là thiện, hoặc ác, hoặc phi thiện phi ác. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy các đệ tử tại gia và xuất gia, phải thường xuyên quán sát về nghiệp: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
 

Cận tử nghiệp

 

Nghiệp có bốn loại chính. Đó là:

1. Cực trọng nghiệp (Garukakamma): như tội ngũ nghịch giết cha, mẹ, A-la-hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật chảy máu. Nghiệp này còn gọi là vô gián nghiệp.

2. Cận tử nghiệp (Ásannakamma): là nghiệp tạo ra hay nhớ nghĩ lúc lâm chung. Nghiệp này rất quan trọng vì nó chi phối đến việc tái sinh.

3. Tập quán nghiệp (Acarikakamma): là chính những hành động trở thành tập quán tác thành cá tính con người. Tập quán nghiệp tốt có thể giúp con người hoan hỷ khi chết và ngược lại.

4. Tích lũy nghiệp: là các nghiệp còn lại. Nghiệp này như chỗ chứa đựng các nghiệp của một chúng sinh.

Trong một cuộc đời có nhiều nghiệp thiện ác lẫn lộn. Vậy khi kết thúc đời sống, loại nghiệp nào dẫn đi tái sinh? Thông thường, tập quán nghiệp nào mạnh thì sẽ sống dậy mãnh liệt nhất trước lúc chết, do đó có nhân tố mạnh quyết định nơi tái sinh. Tuy nhiên, cận tử nghiệp là nghiệp vừa được tạo tác ra trước lúc chết (nghiệp thiện hoặc bất thiện) là yếu tố quyết định cảnh giới tái sinh. Khi có sự kiện của cận tử nghiệp quyết định cảnh giới tái sinh, thì hẳn nhiên những tâm niệm sau cùng giữ vai trò quyết định. Điều này nói lên rằng với một người có tu tập, thường hành chánh niệm tỉnh giác sẽ giữ được phần chủ động trong việc tái sinh. Nếu sự tỉnh giác sau cùng trước lúc chết đủ mạnh đoạn trừ tham ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái) thì có thể giải thoát nghiệp ngay tại chỗ.

Trong tích truyện Pháp Cú thứ 2, Khóc Đòi Những Chuyện Trên Trời do Phật dạy tại thành Xá-vệ từ câu chuyện Matthakunddali. Tại Xá-vệ, có Bà-la-môn tên là Adinnapubbaka (có nghĩa là “không cho”, vì ông ta không hề cho ai một vật gì). Ông keo kiệt đến mức muốn cho con trai mình nhiều đồ trang sức, nhưng lại sợ mất tiền công cho thợ chạm trổ nên ông ta tự tay làm ra một đôi hoa tai vàng cho con mình đeo. Khi Matthakunddali lên mười sáu tuổi bị bệnh vàng da. Bà mẹ trông thấy nóng ruột, hối ông mời thầy thuốc để chữa bệnh. Nhưng do keo kiệt, ông ta sợ phải trả công cho thầy thuốc nên đi hỏi dò các phương thuốc khác nhau để chữa bệnh cho con. Nhưng dầu có làm hết cách này đến cách khác thì bệnh của người con ngày càng tệ. Khi đó, ông ta mới chịu mời thầy thuốc đến nhưng ai cũng bó tay. Thấy con mình gần chết, tuy có đau buồn nhưng vẫn không quên tính keo kiệt bo bo giữ của, ông ra lệnh mang con ra khỏi nhà, đặt nằm trên thềm, vì sợ những người đến thăm con mình nhòm ngó tài sản trong nhà. Hôm đó, đức Thế Tôn xuất định rồi dùng tâm đại bi để quán sát xem những ai có lập nguyện trong đời chư Phật trước, những người căn lành tròn đầy, những đạo hữu có thể xuất gia. Ngài quán sát với Phật nhãn mở rộng đến mười phương thế giới và thấy Matthakunddali đang nằm hấp hối ngoài thềm nhà, cũng biết rằng anh ta có nhân duyên với Phật, đặt trọn niềm tin nơi Phật, sẽ chết và sẽ tái sinh lên cõi trời thứ ba mươi ba, sống trong lâu đài bằng vàng, có một ngàn thiên nữ theo hầu. Rồi Thế Tôn đọc Pháp Cú:

“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.

Cuối đoạn Pháp Cú, có tám vạn bốn ngàn người được pháp nhãn thanh tịnh. Matthakunddali chứng quả Dự lưu, cả Bà-la-môn Adinnapubbaka cũng chứng quả ấy. Đức Đạo sư bèn thuyết giảng: “Tâm ý là gốc của hành động”. Bởi vì việc làm do lòng tin theo người đi trong nhơn thiên như bóng theo hình.

Chuyện thứ hai nói về một gia đình biết quy y theo đức Phật, nhưng người cha lại chưa tin Tam Bảo. Trong đó, người con trai út lại biết đến Phật pháp và xuất gia. Xuất gia được hơn một năm thì người cha bị ốm nặng, người con trai về chăm sóc. Lúc này, người con có học và hiểu Phật pháp rồi khuyên người cha lâm bệnh rằng: “Thưa cha, bây giờ cha đang bệnh nặng, sức khỏe rất yếu. Nếu cha còn mối lo lắng bất an hay điều gì chưa làm được thì cha hãy nói cho chúng con biết, nhất là cha còn cất giấu và nợ tiền, cho ai vay tiền không để chúng con có thể thay cha làm hết những việc đó. Chẳng may cha đi đột ngột mà lại mang những việc trên đi theo thì chắc chắn cha không siêu thoát để đi tái sinh được”. Nhưng người cha một mực nói rằng không có việc gì để mình bận tâm hay nợ nần, cất giấu và cho ai vay tiền bạc.

Chẳng bao lâu người cha qua đời, người con lo đám tang theo đúng nghi lễ Phật giáo, nhưng lại lo lắng về những chuyện mà đã nói với người cha lúc lâm chung, vì người con biết rằng cả cuộc đời người cha hy sinh bản thân, bất chấp làm những việc tạo nghiệp bất thiện để gia đình được đầy đủ ấm no và hạnh phúc. Chuyện gì đến cũng sẽ đến, gần ngày sắp giỗ 49 ngày thì người cha báo mộng về cho người con trai cả trong nhà là đã để số tiền trong cái tủ ở chỗ ấy. Khi người anh trai lục ra thì đúng như trong mộng. Người con út lo lắng và khuyên bảo gia đình, trong Phật giáo có ngày Tự tứ của chư Tăng mãn ba tháng an cư kiết hạ, nên mua đồ sắm sửa vật thực cúng dường chư Tăng, nhờ phước báo này để hồi hướng cho cha sớm siêu thoát và gia đình đã đồng ý.

Một điều quan trọng nữa là trước lúc lâm chung mà được đức Phật khai thị thì chắc chắn chúng ta sẽ được tái sinh về cõi an lành như câu chuyện thứ nhất, không những người chết được nhiều lợi ích mà còn những người khác nghe được lời khai thị đó cũng được những lợi ích nhất định như chứng pháp nhãn thanh tịnh, vào quả dự lưu… Đó chính là những lợi ích của người có đầy đủ duyên lành với đức Phật. Còn bây giờ, đức Phật đã nhập Niết-bàn thì đã có chư Tăng. Các vị ấy tu tập theo lời đức Phật dạy, luôn làm những điều lành cho chính mình và cho mọi người. Lúc còn sống, chúng ta phải theo chư Tăng tu học lời Phật dạy, luôn làm lành lánh dữ. Đó chính là những hành trang cần thiết cho một kiếp sống của một con người. Do đó, trước lúc lâm chung, gia đình có thể mời được chư Tăng đến tụng kinh, niệm Phật và khai thị cho người sắp chết thì đó chính là một nhân duyên to lớn để cho người sắp mất có được sự bình an, lòng tin, tỉnh thức.

Qua hai câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng, hằng ngày chúng ta tích lũy nhiều việc thiện, giữ gìn năm giới cấm thì chắc chắn lúc lâm chung, cận tử nghiệp của ta sẽ nhớ những điều thiện nhiều hơn và sẽ được tái sinh về cảnh giới an lành. Còn hằng ngày, chúng ta luôn làm những việc bất thiện thì lúc lâm chung, cận tử nghiệp sẽ nghiêng về những việc bất thiện và sẽ đi theo nghiệp ấy tái sinh về một trong ba nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh để trả nghiệp. Nhất là đối với người con Phật chúng ta, dù tại gia hay xuất gia, luôn luôn khắc sâu từng lời dạy của đức Phật để lấy đó làm tư lương và hành trang cho chính mình và cho gia đình, mọi người lấy đó để học hỏi và tu tập.

Tâm Huấn

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024