Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành.
Bài viết
Cẩn thận
Cập nhật: 18/03/2020
Hồi còn đi học, mỗi lần làm bài kiểm tra, thật hiếm khi nào tôi đạt được điểm tối đa. Cứ hễ phát bài ra thì cứ y như rằng 6, 7 hoặc 8. Lý do ở đây không phải vì tôi không học bài hay không biết làm. Để ý tôi thấy, hình như tôi toàn sai mấy câu dễ, mấy câu cơ bản. Còn những câu khó, lạ, dạng bài mới, cứ nghĩ sẽ sai hoặc suy nghĩ không ra thì lại làm đúng. Một bài toán đơn giản chỉ cần áp dụng công thức, thay số, bấm máy tính và ra kết quả thì có lúc tôi thay số nhầm, có lúc lại ghi lộn công thức hoặc nhiều khi ghi sai đơn vị. Cái kiểu như 0,024 mol thì ghi lại thành 0,0024 ml vậy đó. Còn đối với các môn xã hội như lịch sử, địa lý chẳng hạn, cứ tưởng học thuộc bài, đề trúng tủ là ngon lành, nhưng không phải đâu. Khi làm có lúc tôi ghi thiếu ý, có lúc thì lại đọc sót câu hỏi, thành ra nhiều khi làm xong ngồi chơi cả tiếng đồng hồ, vẽ bậy vẽ bạ, rốt cuộc đến giờ nộp bài thì phát hiện ra mình ghi thiếu. Đúng là quá nhọ!
Cũng giống như vậy, có một câu chuyện rất hay mà tôi đã được đọc ở đâu đó kể rằng, có ba người khách cùng nghỉ chân tại một quán trọ. Một buổi sáng đẹp trời, cả ba người cùng lên đường ra ngoài. Người thứ nhất mang theo dù, người thứ hai mang theo gậy và người thứ ba chẳng mang theo gì cả. Đến tối về, người mang theo dù thì mình mẩy ướt mem như chuột lột, người mang theo gậy thì tay chân lấm lem bùn đất, còn người không mang theo gì thì lại hoàn toàn bình yên vô sự. Hai người kia rất ngạc nhiên, hỏi người thứ ba lý do gì mà anh tài thế.
Người thứ ba không vội trả lời, mà hỏi ngược lại người thứ nhất:
- Sao anh mang theo dù mà mình mẩy ướt hết vậy?
- Lúc trời đổ mưa, vì đắc ý với dự tính đúng của mình, tôi hiên ngang bước đi trong mưa. Nhưng vì trời mưa quá to, dù không đủ để che, nên tôi đã bị ướt. Đến những nơi trơn trợt, vì biết mình không mang theo gậy nên tôi đã cẩn thận bước đi, do đó mà không bị ngã.
Người thứ hai kể:
- Khi trời đổ mưa, vì không mang theo dù nên tôi chủ động tìm nơi an toàn để trú. Đến những nơi bùn đất trơn trợt, tôi vẫn hăng hái bước đi vì nghĩ trong tay mình đã có gậy, kết quả là bị té túi bụi.
Người thứ ba mỉm cười và đáp:
- Khi trời mưa, tôi nhanh chóng tìm chỗ trú an toàn. Đến những đoạn trơn trợt, tôi cẩn thận trong từng bước đi, vì thế tôi không bị ướt mà cũng không bị ngã. Các anh có phương tiện dựa vào đâm ra ỷ lại, không cẩn thận dẫn đến mặc dầu có dù mà vẫn bị ướt, có gậy mà vẫn bị té ngã.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta không bị vấp ngã vì những hạn chế của mình, mà lại mắc phải sai lầm chỉ vì ỷ lại vào ưu thế vốn có của bản thân. Những hạn chế, khuyết điểm nhắc nhở cho chúng ta cần phải thận trọng; còn những ưu thế, điểm mạnh lại khiến chúng ta lơ là, không đề phòng, mất đi sự cảnh giác. Như câu chuyện làm bài kiểm tra của tôi, chính vì cẩu thả, chủ quan nên cho dù thuộc bài, hiểu bài nhưng làm thì vẫn sai be bét. Cuộc đời tu của một tu sĩ cũng vậy. Sư phụ thường dạy anh em chúng tôi: “Đời tu mình có hai cái chướng, đó là nghịch khảo và thuận khảo. Nghịch khảo mình rất dễ thấy vì nó là những khó khăn, thử thách trên bước đường tu. Còn thuận khảo rất khó nhận ra bởi khi tu cái gì cũng thuận, cũng dễ dàng, cũng như ý. Thiếu ipad có người cúng ipad, thiếu tiền có người cúng tiền, không có xe đi lại có người cúng xe, riết rồi đi theo người ta luôn lúc nào không hay không biết”. Cho nên, chúng ta không nên ỷ lại vào những ưu thế, điểm mạnh của bản thân mà lơ là, chủ quan, để rồi rơi vào tình trạng có dù mà vẫn bị ướt, có gậy mà vẫn bị té như hai vị khách kia.