Hoạt Động Phật Sự

Cảm nhận chuyến từ thiện tại An Giang ngày 19/11/2011

Cập nhật: 29/11/2011
Hôm nay, tôi được về thăm quê hương mình. Chỉ mới vài tháng thôi mà cảnh vật, nhà cửa bên đường có nhiều thay đổi. Chỉ những nẻo đường là vẫn như thế, vẫn tấp nập xe cộ, vẫn lượn mình theo những con sông, cánh đồng hay ồ ạt bên những đô thành tất bật cho ngày mới bắt đầu…
 

Cảm nhận chuyến từ thiện tại An Giang ngày 19/11/2011

 
 
Nhưng sao cảm xúc ngày về này với tôi lại có cái gì đó nửa bỡ ngỡ, nửa thân quen. À thì ra là thân quen lắm vì đó là lối về nơi thương đã bao lần tôi đến và đi. Còn bỡ ngỡ không vì cảnh vật đổi thay mà vì đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu ao ước, tôi được đi cùng đoàn từ thiện chùa Hoằng Pháp với hai thầy Thích Tâm Điền, Thích Tâm Huệ và các cô chú Phật tử.

An Giang mùa này lũ lớn. Nghe tin quê nhà gặp thiên tai thiệt hại nhiều về người và của, tôi thương quá mà chưa thể nào về thăm. Rồi nhân duyên hội đủ, tối qua về tôi nghe các cô bảo sáng mai đi từ thiện và phóng sinh ở An Giang trong ngày về. May quá đúng lúc tôi cũng được nghỉ học hai ngày. Lật đật đi tìm xin thầy Tâm Huệ cho tôi được cùng đi. 23h hơn rồi mà thầy còn đi Phật sự, nghe đâu đến 2h sáng mới về đến, nghe mà thấy thương thầy làm sao. Đã vậy, sáng nay thầy còn phải dậy sớm để đi, thì có nghỉ ngơi được mấy. Tôi vẫn nuôi hy vọng này mai thầy sẽ cho mình đi, dù biết là đã sắp xếp số người, số xe hết cả rồi. Hơn 2h sáng tôi đã dậy chuẩn bị hành lý như chỉ còn chờ thầy gật đầu là lên xe. Khi lên xin, thầy đã hoan hỷ rất nhiều, thế là tôi cũng được đi. Tôi mừng và biết ơn thầy nhiều lắm, vừa được về thăm quê, vừa được đi cứu trợ đồng bào mình bị lũ lụt cùng phóng sanh thì còn vui nào hơn.

Sắp xếp hành lý và chỗ ngồi, Phật tử ổn định hết rồi, thầy Tâm Huệ mới lên xe. Đúng 3h30, hai chiếc xe của đoàn bắt đầu lăn bánh. Một chiếc 16 chỗ chạy trước có thầy còn một chiếc 7 chỗ theo sau. Cứ thế đoàn đi, đến một lò bánh mì ở Tiền Giang thì dừng lại. Các cô Phật tử nhanh chân vào mua vài chục ổ bánh mì thơm nóng, mới ra lò cùng vài nải chuối ở chợ bên để chuẩn bị bữa sáng cho đoàn. Ngồi xe sau, tôi nghe kể bên xe thầy vui lắm, vì có nhạc đạo văn nghệ phục vụ của các cô chú Phật tử thay phiên nhau suốt, nên đường xa lại hóa gần. Còn xe sau chúng tôi xem đĩa giảng, phim Phật giáo cũng vui không kém. Đoàn đi qua cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), rồi qua phà Vàm Cống đến Long Xuyên là thành phố của tỉnh An Giang. Đoàn đến đón thầy Thích Tâm Điền ở đó. Vì thầy xuống An Giang trước để lo quà cho từ thiện và nhờ chính quyền hỗ trợ danh sách các hộ nghèo đang gặp khó khăn bởi thiên tai. Đón thầy Thích Tâm Điền xong, đoàn lại nhanh chân về chùa Đức Thành ở phường Bình Đức, gần cầu Cần Xây, là nơi đoàn phát quà từ thiện cho bà con. Đây là ngôi chùa nhỏ, thường tổ chức Thọ Bát Quan Trai Tu Niệm Phật một ngày do Sư cô Thích Nữ Như Tâm trụ trì. Đoàn đến Sư cô mừng lắm, cứ chạy tới chạy lui loay hoay lo nước uống chỗ ngồi, sợ quý thầy và Phật tử đi đường xa mệt nhọc. Thấy thương sư cô làm sao. Vì chùa cũng ít người nên đa phần công việc đều do sư cô tự lo liệu. Trong thời gian sắp xếp tiền và quà để phát tặng bà con nghèo vùng lũ lụt này, các cô chú Phật tử càng trải lòng mình hơn khi góp vui mấy bài hát Phật giáo vừa đốt khoảng trống chờ đợi, vừa thắm tình đạo vị. Tuy là ca sĩ nghiệp dư nhưng bằng cả tấm chân tình và niềm hân hoan các cô chú Phật tử đã hát rất hay, làm bà con phấn khích vui vẻ hẳn lên.
 
Được biết, Thượng tọa trụ trì chùa Hoằng Pháp đã có nhiều nỗi ưu tư, trăn trở khi hay tin bão lũ về ở nhiều vùng miền trên đất nước ta. Ngoài cứu trợ cho đồng bào miền Trung, Thượng tọa còn nhờ hai thầy Tâm Điền và Tâm Huệ chuyến đến bà con An Giang sự giúp đỡ đầy tình thương như thế này. Mỗi phần quà trị giá 300.000đ  (gồm 1 thùng mì, 10 kg gạo và 100.000đ  tiền mặt), để góp phần hỗ trợ bà con vùng này, sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Tổng giá trị hỗ trợ là 90 triệu đồng. Tuy có thể cũng chẳng thấm là bao nhưng “của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn vàng”. Hơn thế, nếu hiến tặng là đem tới niềm vui thì sớt chia là lấy đi nỗi khổ. Dù ta không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng lầy khổ đau, nhưng ít ra sự có mặt kịp thời của ta cũng đủ làm cho niềm đau kia vơi đi rất nhiều bởi họ sẽ cảm nhận được lòng chân thành ta mang đến. Họ biết ta thật sự thương yêu và muốn sớt chia, gánh vác phần nào nỗi khổ niềm đau ấy, ta muốn cùng họ đồng hành đi về phía tương lai. Một nỗi đau khi được chứa đựng bởi hai trái tim thì nó không đủ sức làm thành nỗi đau nữa. Huống chi, ở đây đã có rất nhiều, rất nhiều những trái tim luôn hướng về họ để được sẻ chia.
“Tình thương yêu rộng lớn
Luôn đem tới niềm vui
Cùng sớt chia nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi”

Tôi cũng cố gắng góp ngay một phần sức nhỏ bé của mình cùng các thầy và cô chú Phật tử, khiêng quà và phát tặng bà con. Nhìn họ nhận quà mà tôi muốn trào nước mắt. Sao bà con mình còn nghèo khổ, xác xơ quá. Cuộc sống vốn đã chật vật khó khăn, lắm nỗi lao đao khốn khổ. Vậy mà, năm nào cũng lũ lớn, hạn hán, mất mát và đau thương. Tôi cũng nhìn thấy được nỗi đau của những đồng bào miền Trung, còn khốc liệt, xót xa hơn. Trên gương mặt của những cụ già khắc khổ và những em thơ da tóc cháy mùi nắng đang rạng ngời lên vì vui sướng khi đón quà trên tay. Thương làm sao các cụ già móm mém và những phụ nữ tay bồng tay bế con thơ, không thể bê nổi gạo mì. Các cô chú Phật tử đã nhanh tay bê luôn giúp họ ra xe hoặc nhờ người chở về nhà.

Hai thầy Tâm Điền và Tâm Huệ mỗi ngày qua Phật sự cứ liên tục, không thể nghỉ ngơi. Vậy nhưng khi mang quà đến cho bà con nghèo nơi đây, những mệt mỏi dường như đã rơi đâu mất. Tuổi đời đều đã cao, nhưng vì tâm hạnh độ sinh và ban vui cứu khổ cho đời, hai thầy đã quên mình xả thân như thế. Thầy Tâm Điền tại chùa Hoằng Pháp vừa phải đảm trách ở phòng Tư vấn, vừa quản lý phòng Phát hành, chủ giảng lễ Hằng thuận, cùng đi giảng các nơi. Còn thầy Tâm Huệ chuyên trách Trưởng Ban hộ niệm, từ thiện, phóng sinh, quản lý phòng Y tế, quản chúng khu Dưỡng Lão cũng tại chùa Hoằng Pháp. Phật sự đa đoan là thế, sức khỏe lại hạn lượng. Có bao giờ bạn đánh dấu hỏi vì sao các thầy vẫn làm như thế? Tôi chỉ có tình yêu thương hay gọi là đức từ bi mới đủ sức vượt qua mọi trở ngại, để đến với bao mảnh đời bất hạnh, nổi trôi mà sớt chia, cứu giúp. Các thầy đã viết nên một bài pháp không lời đáng để suy ngẫm về “Tam luân không tịch” – sự tuyệt đối của bố thí. Và một tình thương chân thật, không đầu mối, không điểm cuối. Sâu sắc nhưng nhẹ nhàng.

“Tất cả cũng tàn phai
Chỉ tình thương ở lại
Những gì trao hôm nay
Sẽ theo nhau mãi mãi”

Thức khuya, dậy sớm, bữa ăn sáng cũng chỉ có bánh mì không và chuối. Đã hơn 11h trưa rồi, mà vẫn chưa thấy ai cảm thấy đói mệt, trên môi luôn nở nụ cười và câu A-i-đà Phật trao nhau. Sau khi quà đã được phát hết, đoàn được quý tự mời dùng bữa cơm trưa trưa thật ngon lành và ấm tình pháp lữ. Sao mà các cô khéo thế, món nào cũng ngon, ăn chén này rồi là muốn thêm chén nữa ngay. Rồi đoàn chúng tôi cũng phải chia tay mái chùa Đức Thành, với bao thương mến, luyến lưu. Xin cảm ơn chân thành vì tất cả tình cảm của Sư cô và mọi người nơi đây đã dành cho đoàn từ thiện chúng tôi. Hẹn ngày gặp lại.
 
Rời chùa Đức Thành, đoàn tiếp tục đến ngay chợ, vựa cá An Giang. Tuy bảo rằng sự bố thí dẫu nhiều tiền vẫn không thấm vào đâu, nhưng khi cứu mạng thì dù ít thôi cũng rộng lớn vô cùng. Lần phóng sanh này, gần 4 tấn cá lóc, cá trê và ốc. Đoàn phóng sanh ở sông lớn bằng hai chiếc ghe chở cá của vựa. Đi đến gần giữa sông, hai thầy và mọi người bắt đầu nghi thức quy y cho chúng rồi mới phóng sanh. Phải quy y cho chúng vì không chỉ là cứu lấy thân mạng, mà còn ban cho chúng một huệ mạng để mai hậu chúng không còn phải đọa lạc như thế nữa, chuyển sanh làm người có chủng tử Bồ-đề. Ghe vừa đi, mọi người thả cá trong tiếng niệm Phật không dứt, cùng những lời khai thị như tâm mình. Lòng tôi lúc này có một niềm hân hoan tột độ dâng trào. Nhìn những chú cá, con ốc được trả về sông, chúng mừng như được sinh ra lần nữa. Rõ là “ai cũng tham sống sợ chết, chớ giết chớ bảo giết”. Thương cho mấy chú cá bị bắt lên bắt xuống như bị khờ ra, đã được thả mà không biết đường bơi, cứ lờ đờ trên mặt nước. Tôi giật mình nhìn thấy phía sau hai ghe này có rất nhiều ghe xuồng nhỏ đuổi theo, kẻ tung lưới, người xuỵt điện bắt cá phóng sanh. Lại có nhiều suy nghĩ trong tôi, xen lẫn cả nỗi buồn cho nghiệp người vô minh.

“Giật mình nhìn lối cũ
Chưa ra khỏi rừng mê
Ôi nghìn trùng xa cách
Vì bước chân nặng nề”

Cũng vì họ vô minh, không thấy việc tội lỗi. Hẳn nhiều đời trước, tôi cũng giống như họ, mải mê vì cuộc sống những tưởng là bền vững và tất cả này, mà rơi vào ác nghiệp. Lối cũ, rừng mê hãy vẫn còn xa cách nghìn trùng bến giải thoát. Mà nay, lại càng thêm lún sâu bởi mỗi bước chân nặng nề vẫn chìm đắm chưa muốn vùng vẫy thoát ra. Bên này người thả cá, bên kia người bắt cá. Thiện ác quả do tâm. Nhưng biết làm sao hơn, tôi chỉ thầm cầu mong cho nhiều cá, ốc được sống.
 
Sau khi thả cá xong, đoàn quay trở về chùa Hoằng Pháp là kết thúc một chuyến đi từ thiện, phóng sanh. Chuyến đi đã thực sự để lại lòng tôi nhiều hơn thế nữa những cảm nhận khó phai. Càng thêm yêu cuộc sống này, bởi cuộc sống luôn cần lắm sự sẻ chia và yêu thương trong hiểu biết.

Tin tức liên quan

LỄ SÁM HỐI 30/08 GIÁP THÌN
02/10/2024
KẾ HOẠCH TỪ THIỆN T10/2024 CỨU TRỢ SAU BÃO SỐ 3
30/09/2024
Quỹ đào tạo Tăng tài “Ngộ Chân Tử” cúng dường tại trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng
27/09/2024
Quỹ đào tạo Tăng tài “Ngộ Chân Tử” cúng dường tại trường Trung cấp Phật học Bình Thuận
27/09/2024
Quỹ đào tạo Tăng tài “Ngộ Chân Tử” cúng dường tại trường Trung cấp Phật học Ninh Thuận
26/09/2024