Bài viết

Cảm nghĩ về lễ Vu Lan

Cập nhật: 20/08/2014
Những cơn mưa mùa hạ đã ngớt dần, bầu trời trong veo, xanh ngắt bước vào thu cũng là lúc mùa Vu Lan lại về. Làm sao chúng con quên được ngày ấy, cứ đến ngày rằm tháng 7 không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan của các chùa nói chung và chùa Hoằng Pháp nói riêng làm ai cũng nôn nao, náo nức đến tham dự.
 

Cảm nghĩ về lễ Vu Lan

 
[if gte mso 9]>
Không phải chỉ có ngày lễ chúng con mới tưởng nhớ đến 2 đấng sinh thành, mà ngày ngày khi màn đêm buông xuống, chúng con quây quần cùng gia đình để trò chuyện, để sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của 1 ngày trôi qua, không khí gia đình thật ấm cúng và hạnh phúc biết bao!

Thế nhưng, đối với những trẻ mồ côi hoặc những trẻ có cha có mẹ cũng như không do nhiều lí do khác nhau của cuộc đời này đã khiến cho những đứa trẻ ấy đượm buồn, thiếu thốn tình thương rất nhiều, nỗi bất hạnh luôn đến với số phận của mình, thế thì các em biết chia sẻ cùng ai? Xin chớ bi quan, đừng buồn, đừng khóc nữa mà hãy nhìn về phía trước, cuộc đời này cũng đáng yêu, đáng sống lắm bởi có biết bao nhiêu trái tim cùng đồng cảm với những nỗi bất hạnh, có biết bao nhiêu đôi tay cùng chăm sóc, vun vén cho những mảnh đời thiếu may mắn kia. Cụ thể là đạo Phật, một đạo từ bi, cứu khổ chúng sanh và chính những ngôi chùa là nơi không chỉ dành riêng cho những người con Phật mà còn luôn mở rộng vòng tay chào đón những người con ở khắp mọi nơi. Giúp cho chúng con an lạc trong cuộc sống, tinh tấn để tu tập, luôn giữ được đạo lí làm người, bổn phận làm con và trách nhiệm với xã hội.

Ngày rằm tháng 7, tại các giảng đường và sân chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn – TP HCM, mọi người tề tựu về đây rất đông để được dự lễ báo hiếu này. Chúng con cùng lắng lòng nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của 2 đấng song thân. Thật bùi ngùi, xúc động trước hình ảnh sư phụ và quý Thầy trụ trì các chi nhánh chùa Hoằng Pháp tặng vòng hoa, trao chuỗi hạt rồi nắm lấy đôi bàn tay gầy gò, yếu ớt của cha mẹ già mà lòng con không sao cầm được nước mắt.

Tiếng đàn bầu, đàn tranh thánh thót hòa quyện vào nhau tạo nên những cung bậc tình cảm lúc sâu lắng đậm đà, lúc êm dịu tha thiết nghe như âm thanh ngọt ngào của tiếng mẹ ru, giọng nói trầm ấm của tiếng cha luôn văng vẳng bên tai như dõi mắt theo những đứa con yêu dấu của mình. Rồi chợt con nghĩ không biết vô thường sẽ đến lúc nào đây? Rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta phải chia lìa cha mẹ của mình, đó là qui luật nghiệt ngã “sinh, lão, bệnh, tử” của thế gian mà không ai có thể cưỡng lại được.

Chính vì thế, sư phụ đã nhắc nhở: “vai trò của người xuất gia và người Phật tử tại gia rất quan trọng vì sẽ hướng dẫn cho gia đình mình hay những người xung quanh biết Phật pháp vì đạo Phật là đạo tỉnh thức, đạo trí tuệ đồng thời biết dựa vào suối nguồn tâm linh, thực hành theo gương đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát có như thế thì nỗi bất hạnh sẽ được xóa mờ”. Chúng con sẽ cảm thấy an vui, ấm áp cõi lòng và khi vô thường có đến với bất cứ ai, Phật pháp sẽ giúp chúng ta thoát khỏi biển sanh tử luân hồi mà siêu sanh Tịnh Độ.

Giờ đây, chúng con nhận ra rằng cuộc đời không chỉ có cha mẹ sinh thành, mà còn có sư phụ, quý Thầy, quý sư cô trong mái chùa là chỗ dựa tinh thần đáng quí, chúng con luôn tôn vinh là những người cha - người mẹ của mình.

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”

Tuyệt vời thay! Cao quí thay! Khi chúng con được hưởng hạnh phúc ấy, đã có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… viết về tình cảm thiêng liêng này, 1 đề tài muôn đời khó phai.

Đại lễ Vu Lan tại chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn thật đặc sắc, thật ý nghĩa, để lại ấn tượng đẹp cho rất nhiều người. Trong ngày lễ trang trọng, thành kính này, chúng con xin cài lên ngực áo những bông hồng tươi thắm nhất dù đó là màu trắng hay màu hồng, thể hiện truyền thống tri ân báo ân trong đạo Phật và văn hóa Việt Nam. Những cảm xúc còn chưa dứt thì cảm xúc tiếp theo lại ùa về, chúng con sẽ được dự Đại lễ Vu Lan tại chùa Hoằng Pháp tại Campuchia. Chuyến đi vào sáng 16/07/2014 (âm lịch). Đây là một trong các chi nhánh của chùa Hoằng Pháp – Hóc Môn – Tp HCM, tọa lạc tại Quốc lộ 21 - ấp 1 – xã Svay Rolum – huyện Sa Ang – tỉnh Kandal.

Địa phận Campuchia giáp với đất nước Việt Nam theo hướng tây nam, dân số so với Châu Á là ít, chỉ khoảng 6,7 triệu người. Điều đặc biệt và nổi tiếng nhất của Campuchia là 2 đền Angkor Wat và Angkor Thom, di tích có bề dày lịch sử cùng với kiến trúc lâu đời, cổ kính nhất còn lưu lại mãi với thời gian. Cuộc sống con người tại đây nhìn chung còn nghèo nàn, người dân phải sống lênh đênh ở biển hồ hoặc dọc sống Mêkông. Trình độ dân trí ở đây còn thấp nên hầu hết các chỗ buôn bán, khu vui chơi đều do nước ngoài đầu tư vào chứ không tự chủ được mình.

Về Phật giáo, chùa chiền rất nhiều, người dân tín ngưỡng thờ Phật rất đông. Theo phong tục tập quán của chế độ thời vua XiHaNuc, lớn lên phải đi tu sau đó mới được lấy vợ, lấy chồng, đây là luật bất thành văn của thời ấy và mãi cho đến bây giờ tiếp nối từ đời cha đến đời con, đời cháu.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia là tình anh em cùng đoàn kết, xây dựng đất nước phát triển từ lâu đời nay. Từ đó mà người dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang là những người dân rất mộ đạo.

Rạng sáng ngày 17/08/2014 (âm lịch), đoàn chúng con khoảng 300 Phật tử có đủ phước duyên cùng với sư phụ và quý Thầy đã đến chùa Hoằng Pháp – Campuchia tham dự lễ Vu Lan.

Ngôi chùa có diện tích khá rộng, được xây dựng tạm để chờ xin giấy phép hoạt động. Tuy còn rất nhiều khó khăn, trở ngại thế nhưng buổi lễ Vu Lan Báo Hiếu vẫn đầy ắp người tham dự trước sân chùa, vẫn tròn đầy ý nghĩa và trang nghiêm. Trong giờ phút trang trọng của buổi lễ, sư phụ đã khuyên nhủ chúng con từng li từng tí, kể cả những người con đã được ra ở riêng. Sư phụ vừa làm cha, vừa làm mẹ luôn quan tâm để cho chúng con đi đúng theo chánh pháp, phải tinh tấn tu tập, phải biết gieo nhân tốt để được hưởng lấy quả ngọt, phải mở rộng vòng tay với mọi người.

Chúng con xin thành kính tri ân đến sư tổ, sư phụ và quý Thầy đã cho chúng con được nương tựa nơi chốn già lam, được nương tựa trong chánh pháp của đức Phật, là trường học quí báu để chúng con chuyển mê thành ngộ, thành tựu Phật quả.

“Thuyền không bến lái thuyền quay
Con không cha mẹ ai bày con nên”

Đại lễ Vu Lan là một ngày quan trọng của đạo Phật luôn nhắc nhở mỗi người con báo hiếu cha mẹ của mình trong ánh sáng từ bi, trí tuệ, giải thoát của đức Thế Tôn. Hàng đệ tử chúng con luôn ghi nhớ lời đức Phật và sư phụ đã dạy cần phải báo tứ trọng ân (ân quốc gia, ơn cha mẹ, ơn tổ quốc và ơn Tam Bảo) và chắc chắn rằng mỗi mùa Vu Lan về càng hun đúc chúng con 1 tình yêu bất diệt ấy giữa khói hương trầm lung linh lan tỏa, chan chứa cội nguồn yêu thương nơi quê nhà và nơi chốn thiền môn.

Hóc Môn, ngày 17/08/2014
Nguyễn Thanh Thảo

Tin tức liên quan

TÌNH THƯƠNG CAO CẢ
16/01/2025
Cảm nhận Khoá tu Phật thất lần thứ 104
28/12/2024
KHI EM THÔI MONG CẦU
23/12/2024
CHỊ - NGƯỜI BẠN LÀNH
06/12/2024
Ban Từ Thiện: Lễ Tưởng niệm Tổ Sư khai sáng chùa Quang Đức - Cần Thơ lần thứ 34
29/11/2024