Hỏi: Người vợ đã tu học theo Phật nhiều năm, nhưng người chồng thì vẫn chưa có lòng tin hiểu về Phật pháp, vậy phải làm thế nào để giúp cho họ?
Đáp: Sự phát tâm giúp đỡ cho người khác hoặc là chồng hay vợ của mình tin hiểu Phật pháp là một rất tốt, tuy nhiên chỉ mong muốn thôi thì chưa đủ, mà cần phải hiểu rõ phương cách và khéo biết được tâm lý của người kia để chọn lựa thời điểm, cơ hội và cách thức phù hợp để trợ giúp cho họ thì mới thành công.
Nói rõ hơn là người phát tâm giúp đỡ cho người khác tu học Phật pháp thì cần phải hiểu và thực hành được ba yếu tắc gọi là ‘Ba cảm’ như sau: cảm nhận, cảm động và cảm hóa.
1- Đầu tiên là cảm nhận là tự mình phải làm tấm gương sáng trong việc nỗ lực học hiểu và thực hành Phật pháp. Phải sống và làm việc đúng chánh pháp để làm cho người chồng hoặc vợ của mình dần dần cảm nhận được điều hay, lợi ích tốt lành do Phật pháp mang lại. Ngày xưa, khi chưa biết Đạo thì mình dễ giận, dễ buồn phiền, khó khăn, nhưng nay đã học hiểu được Phật pháp rồi thì giảm bớt được sân giận và buồn phiền rắc rối. Chẳng những chỉ dừng lại ở đó, mà mình còn có tâm bao dung, độ lương, hi sinh và tha thứ đối với sự lầm lạc, tội lỗi của người sống chung.
Đồng thời khéo biết tùy thuận hoàn cảnh và tâm ý của chồng hoặc vợ hay những người thân trong gia đình mà đem nghĩa lý Phật pháp để giảng nói hoặc tích cực giúp đỡ cho họ trong những việc sinh hoạt hằng ngày dưới cái nhìn của chánh kiến. Dần dần, những điều mà mình làm cho mọi người sẽ khiến cho họ cảm nhận được sự thay đổi lớn ở nơi mình và cũng cảm nhận được những giá trị to lớn và lợi ích thiết thực của việc học và hành Phật pháp.
2- Kế đến là cảm động, từ sự nhìn nhận những việc làm cụ thể trên nền tảng Phật pháp của mình, gọi là thân giáo sẽ làm cho mọi người cảm động. Bất cứ điều gì ở trên thế gian này có thể làm cho con người thật sự xúc động thì đều có công năng chinh phục được nội tâm của họ.
3- Bước cuối cùng là cảm hóa. Do nội tâm có sự rung động trước sự tu tập và cảm nhận được lòng chân thành của mình cũng như giá trị thiết thực của Phật pháp thì người thân sẽ tiến tới chỗ cảm hóa. Tự bản thân của họ thấy rõ những điều cần làm và chỉnh sửa mà không phải do bất cứ sự gò bó, ép buộc thì tự khắc nội tâm sẽ được chuyển hóa thành tốt đẹp và tự nhiên có được niềm tin ở nơi chánh pháp của đức Phật.
Như vậy, bất cứ điều gì dù là thế gian hay xuất thế gian cũng đều phải có hội đủ nhân duyên và phải có sự kiên nhẫn thực hành theo những phương pháp căn bản thiết thực mới có thể thành tựu, mà không phải chỉ muốn là liền được. Tất cả đều có thể làm được từ sự nhẫn nại, chỉ trừ mỗi việc không muốn làm mà thôi. Cứ gieo trồng những hạt nhân tốt đẹp bằng những hành động, lời nói và cách sống của mình theo đúng giáo pháp của Phật dạy, đến một lúc nào đó cũng sẽ kết quả như mong muốn.