Bài viết

Cái bẫy chuột

Cập nhật: 17/02/2020
Dạo gần đây, trong chùa xuất hiện rất nhiều chuột. Chúng đem lại không ít phiền toái cho quý Thầy và các Phật tử. Cho nên, mọi người phải làm rất nhiều cách để ngăn chặn sự phá hoại của chúng. Và một trong những cách đó là đặt những cái bẫy ở các nơi mà chúng hay chạy tới lui. Dĩ nhiên, để có thể bẫy được các chú chuột này thì phải có mồi nhử.
 

Cái bẫy chuột

 

Trong các cái bẫy, tôi thấy mọi người bỏ vào đó có thể là một mẩu bánh vụn, một ít gạo, hay một lát chuối và nhiều thứ linh tinh khác. Nhìn vào cái bẫy, tôi chợt có suy nghĩ mấy con chuột này ngốc vậy sao ta? Và giả sử chúng không bị bẫy ở chùa, mà ở một chỗ nào đó người ta thích ăn thịt chúng thì có phải sinh mạng chúng quá rẻ hay sao. Vì chỉ cần một vài mảnh vụn đồ ăn, thỏa mãn cơn đói mà chúng đã có thể mất đi sự tự do, mất đi cả tánh mạng. Mặc dù chúng ta biết rằng loài động vật thì không có trí tuệ như con người, chúng chỉ sống theo bản năng đói thì kiếm ăn, bị tấn công thì phải tự vệ hoặc tấn công lại. Nhưng qua đó, nếu xét kỹ thì một lát chuối, một mẩu bánh dành để bẫy chuột thì cũng giống như ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà con người cũng đang ngày đêm say đắm, theo đuổi cho dù phải bất chấp cả tự do và tính mạng để có được nó.

Mỗi ngày, từ lúc mở mắt thức dậy cho đến khi đi ngủ, từ lúc mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt, chúng ta đều phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy do người khác đặt ra, và tự mình đặt ra cho bản thân. Những cái bẫy đó được ngụy trang dưới rất nhiều hình thức, màu sắc khác nhau. Và cho dù dưới hình thức nào, thì mục đích của nó là làm cho tâm bất thiện của ta phát sanh, mà thông thường nhất là tâm tham và tâm sân. Tại sao tâm bất thiện là một cái bẫy? Vì nó làm cho ta phải buông ra những lời không tốt và có những hành động không đẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của chúng ta hiện tại. Không những vậy, nó là những tác nhân xô đẩy chúng ta vào các cõi đọa để chịu nhiều đau khổ hết đời này đến đời khác.

Ví dụ, khi ta nghe một lời nói khiêu khích, một hành động gây hấn từ một ai đó, là lúc họ đang tạo ra một cái bẫy để ta đâm đầu vào. Khi sân tâm nổi lên, ta rất dễ nói và làm những việc mà sau khi bình tĩnh, ta thường sẽ hối hận và ăn năn. Trong kinh, đức Phật dạy rằng: “Một ngọn lửa sân thiêu cháy cả rừng công đức”. Chặt củi ba năm đốt chỉ một giờ. Khi ta tức giận, thì ta đã âm thầm tự đặt cho mình một chiếc vé đi về cõi sa đọa trong các kiếp sống kế. Không những vậy, ngay hiện thời ta đã mất đi sự an lạc của thân tâm và còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, và sắc diện của chính mình.

Bên cạnh đó, còn có một loại bẫy khác mà ta thường rất thích chui vào, vì nó cực kỳ hấp dẫn. Đó là những cái bẫy chứa đầy ngũ dục, lục trần, ngày đêm làm cho người ta điên đảo mặc dù bản chất thật sự của chúng là đắng nhiều hơn ngọt, như một chút mật trên lưỡi dao và như một miếng phô-mát trong bẫy chuột. Phương Tây có câu nói: “Trên đời này không có gì là miễn phí, chỉ có miếng phô-mát trong bẫy chuột”. Vì một chút tiền của, anh em có thể tương tàn; vì một chút lợi danh mà không ngần ngại đạp lên những người khác; vì muốn chiếm hữu người đẹp mà bất chấp hiểm nguy. Nói chung, để thỏa mãn lòng tham muốn, con người có thể làm đủ mọi điều, mượn dao giết người, ném đá giấu tay, qua cầu rút ván, ngậm máu phun người… chỉ để làm sao thỏa mãn một chút cảm xúc ngọt ngào. Khi đạt được điều đó, nhưng không biết rằng, đằng sau nó phải hứng chịu cả trăm lần đắng cay như phải vào tù ra khám, thân bại danh liệt, trở thành tội nhân thiên cổ, và thậm chí mất cả tính mạng, nhưng quan trọng nhất là sẽ đẩy họ xuống các cõi khổ trong nhiều kiếp về sau.

Vì thế, những miếng mồi trong cái bẫy chuột chỉ có thể hại nó một đời, nhưng những miếng mồi trong những cái bẫy của con người thì không những làm ta mất tự do, mất tính mạng trong đời này, mà còn cướp luôn cả quyền đi lên các cõi lành trong vòng luân hồi đầy bất trắc này. Trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy vạn pháp đều do duyên sanh, cũng do duyên mà diệt, mọi thứ đều không thật mà đang thay đổi liên tục, sanh diệt chớp nhoáng không có gì là thường còn miên viễn, cho nên không có lý do gì để ta tham đắm hay bất mãn vào bất kỳ thứ gì. Vì thế, mỗi ngày ta cần phải tỉnh táo và sáng suốt, mà trong nhà Phật thường gọi là chánh niệm và trí tuệ, để kịp thời nhận ra đâu là cái bẫy mà tránh không đâm đầu vào, từ đó có được đời sống an lạc ngay trong hiện tại, mà còn có một con đường sáng sủa hơn trong vị lai. Muốn làm được điều đó, không còn cách nào khác là phải siêng năng làm các việc thiện, siêng học giáo lý để nhận ra đâu là thật, đâu là giả, đâu là cái bẫy để đừng tiếp tục lao vào. Và quan trọng nhất là thực hành theo lời Phật dạy, để mang lại an lạc cho chính mình và mọi người xung quanh.

Tâm Điển

Tin tức liên quan

THEO BỤT TA ĐƯỢC GÌ?
18/10/2024
NGUYỆN THOÁT KHỎI TAI ƯƠNG
16/09/2024
NGƯỜI TU THẬT – TUYỆT ĐẸP
10/09/2024
CHÙA TO – PHẬT LỚN
03/09/2024
Trên ngực con đượm buồn màu bông trắng…
13/08/2024